Vững chân trong chuỗi giá trị, DN Việt cần gì?

(Chinhphu.vn) - Để duy trì đà tăng trưởng và cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực trên 3 yếu tố: Con người, công nghệ và quản trị.

 

Đây là nhận định của bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018 tổ chức ở Hà Nội. Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018.

Nâng cao năng lực để tăng trưởng bền vững

Các nghiên cứu mới nhất cho thấy Việt Nam đã liên tục tăng trưởng vượt trội so với khu vực về GDP, vốn đầu tư nước ngoài, lực lượng lao động và bộ phận dân số có mức thu nhập trung bình. Bà Quỳnh Vân cho rằng đây là cơ sở để khẳng định Việt Nam đang là một trong những ngôi sao sáng của ASEAN và nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bà chỉ ra rằng lợi thế cạnh tranh dựa trên chi phí lao động thấp sẽ dần mất đi giá trị trong những năm tới, khi các công nghệ mới và những biến động về thương mại toàn cầu đe dọa tới lợi thế này.

“Để phát triển bền vững, 3 yếu tố chính các DN cần chú trọng đầu tư là công nghệ, con người và quản trị”, bà Quỳnh Vân nhấn mạnh. “Dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0, các công ty nên cân nhắc nghiêm túc việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh của mình để trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn, minh bạch hơn và có sức đề kháng tốt hơn trước các rủi ro. Muốn vậy, họ cần trang bị cho mình các công nghệ cần thiết, những con người có đầy đủ kỹ năng để vận hành những công nghệ đó, cũng như một cấu trúc quản trị phù hợp cho DN.”

Tổng Giám đốc PwC cho rằng, các DN phải đi đầu trong quá trình này, nhưng Chính phủ cần tạo điều kiện cho sự thay đổi đó, đặc biệt là thông qua việc xây dựng thể chế, đào tạo nguồn kỹ năng và cung cấp cơ sở hạ tầng cho kết nối kỹ thuật số.

Tăng cường hợp tác khu vực qua các hạ tầng “mềm”

Trong báo cáo “Tương lai của ASEAN: Góc nhìn Việt Nam” được công bố mới đây, PwC tập trung phân tích một số lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn, bao gồm dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng và cơ sở hạ tầng - giao thông. Đối với mỗi lĩnh vực, báo cáo so sánh Việt Nam với các thị trường khác trong ASEAN, nhấn mạnh các lĩnh vực tăng trưởng chính và cơ hội mà các nhà đầu tư có thể tận dụng.

“Chúng tôi tin rằng việc phát triển các lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam cải thiện vị thế của mình cũng như khả năng hợp tác trong khu vực. Bên cạnh những hạ tầng ‘cứng’ rất cần thiết để cải thiện kết nối xuyên biên giới như đường sắt, đường bộ và cảng biển, ngành dịch vụ tài chính sẽ cung cấp hạ tầng ‘mềm’ để thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư,” bà Quỳnh Vân giải thích.

Báo cáo chỉ rõ, ASEAN là thị trường hàng tiêu dùng lớn thứ 3 trên thế giới xét về tỉ trọng chi tiêu tiêu dùng trong GDP, đạt mức 26,3%. Các thị trường tiêu dùng hàng đầu trong khu vực là Philippines (42,1%) và Việt Nam(37,5%). Cả hai quốc gia này dự kiến sẽ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu cho tới năm 2030.

Đồng thời, niềm tin nguời tiêu dùng cao và mức thu nhập hộ gia đình tăng đã góp phần làm tăng tổng chi tiêu tiêu dùng tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2010-2016, thu nhập khả dụng trung bình tăng 46%. Trong khi đó, tổng chi tiêu hộ gia đình được dự đoán sẽ tăng 47% từ năm 2017 đến 2021.

Vì vậy, bà Quỳnh Vân cho rằng, nhờ tận dụng những lợi thế này, hàng tiêu dùng Việt Nam có tiềm năng lớn để tăng cường thương mại giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Theo các chuyên gia từ PwC và các tổ chức quốc tế tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục mang đến những triển vọng đầy hứa hẹn cho cộng đồng DN.

GDP của Việt Nam dự kiến đạt 327 tỷ USD vào năm 2022, phản ánh mức tăng trưởng GDP thực tế (real GDP) là 6,2% hằng năm trong giai đoạn 2016-2022, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng dự kiến của nhóm ASEAN 5 nói chung và của Singapore nói riêng.

Trong giai đoạn 2016-2021, Việt Nam dẫn đầu về tăng trưởng chi tiêu bình quân đầu người của nhóm thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 10,1%. Mức tăng này vượt xa các thị trường ASEAN lớn như Singapore và Malaysia.

Ước tính trong năm 2018, Việt Nam là thị trường lao động lớn thứ 2 trong ASEAN với khoảng 55 triệu người.

“Tuy nhiên, để thành công thì các DN sẽ cần hiểu thấu đáo bối cảnh kinh doanh của Việt Nam và xác định được các cơ hội và thách thức đối với sự tăng trưởng”, bà Vân cho biết.

Còn theo ông David Wijeratne, Lãnh đạo Trung tâm Thị trường Tăng trưởng của PwC, đứng trước sự năng động và những thách thức của ASEAN, cũng như những nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng tại đây, các DN sẽ cần triển khai những chiến lược sáng tạo để đạt được thành công.

Cụ thể, các DN cần chuyển đổi sang nội địa hóa nguồn cung ứng, hoạt động sản xuất, hoạt động bán hàng thông qua việc xây dựng các trung tâm khu vực để phục vụ người tiêu dùng trong ASEAN.

Việc ứng dụng các năng lực kỹ thuật số để nâng cao chất lượng sản xuất và vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, cũng như giao tiếp với người tiêu dùng và DN cũng rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần xây dựng các quan hệ đối tác và liên minh, đặc biệt theo hướng liên ngành và có ứng dụng các công nghệ mới.

Hương Thảo

Theo baochinhphu.vn

Từ khóa : doanh nghiệp