Nhiều biện pháp cấp bách để thuỷ sản Việt Nam thoát 'thẻ vàng' của EC

Sau 1 năm triển khai, Chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU đã thu hút 62 doanh nghiệp tham gia. Đây là nỗ lực bước đầu để các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cam kết chung tay thực hiện nhiều hoạt động cấp bách nhằm đưa thủy sản Việt Nam thoát khỏi "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu (EC) vào đợt kiểm tra vào tháng 1/2019 sắp tới.

Ngày 25/9, Hội nghị “Đánh giá 1 năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt nam (VASEP) tổ chức đã được diễn ra tại TP.HCM. Gần 100 doanh nghiệp thuỷ sản cùng nhiều lãnh đạo cơ quan, hiệp hội ngành thuỷ sản đã tham gia sự kiện này.

Thuỷ sản Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều sau “thẻ vàng” IUU

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP cho biết: “Cả nước hiện có khoảng 109.000 tàu cá, trong đó có 28.600 tàu cá xa bờ. Năm 2017, sản lượng khai thác đạt 3,2 triệu tấn, đóng góp đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Tuy nhiên, số lượng tàu cá phát triển quá nhanh so với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, nhất là tình trạng khai thác bất hợp pháp, không theo quy định, đã làm suy giảm nguồn lợi trong nước, sinh kế của ngư dân bị ảnh hưởng. Một số tàu cá và ngư dân nước ta đã khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Điều này dẫn đến việc ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” IUU đối với Việt Nam” (tạm dịch là đánh cá bất hợp pháp)".

Gần 100 doanh nghiệp thuỷ sản cùng nhiều lãnh đạo cơ quan, hiệp hội tham dự Hội nghị “Đánh giá 1 năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU"

Chia sẻ về những ảnh hưởng của “thẻ vàng” IUU đối với ngành thuỷ sản Việt Nam, bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay từ sau “thẻ vàng" IUU, ngành thuỷ sản nước ta đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, việc xuất khẩu hàng mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang EU khả năng tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận xác nhận nguồn gốc khai thác theo quy định IUU.

Theo dự báo của VASEP, hải sản xuất khẩu sang EU sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm 2018, ảnh hưởng chung đến kim ngạch xuất khẩu hải sản nói chung. Dự kiến, xuất khẩu thuỷ sản cuối 2018 chỉ đạt 3,2 tỷ USD, tăng 7% so với năm ngoái.

Bà Hằng cũng cho biết dự kiến, phía Ủy ban châu Âu sẽ sang kiểm tra lần 2 vào tháng 1/2019. Tổng cục Thủy sản đang đề nghị các địa phương tập trung nhiều biện pháp khắc phục, sớm gỡ “thẻ vàng” đồng thời lấy lại “thẻ xanh” cho hải sản Việt Nam.

Doanh nghiệp và cơ quan quản lí cần hỗ lực

Để thoát được “thẻ vàng” IUU, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải chung tay thực hiện nhiều hoạt động cấp bách nhằm khắc phục, xây dựng một nghề cá có trách nhiệm và bền vững.

Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải chung tay thực hiện nhiều hoạt động cấp bách nhằm khắc phục, xây dựng một nghề cá có trách nhiệm và bền vững

Lê Hằng - Phó Giám đốc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: "Để hỗ trợ doanh nghiệp thuỷ sản, ngày 25/9/2017, Chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU được khởi động. Đây là chương trình có sự tham gia tự nguyện của các doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu hải sản cùng cam kết chống khai thác IUU.

Chương trình nhằm mục đích tạo thực hiện hiệu quả các cam kết của cộng đồng doanh nghiệp hải sản trong việc chống lại khai thác IUU, cùng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng nghề cá bền vững và quản lý được, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng lợi ích cho các thành phần trong chuỗi sản xuất".

Được biết, trong 1 năm qua, chương trình IUU VASEP đã thu hút được sự tham gia của 62 doanh nghiệp. Chương trình đã có những hoạt động thực tế như: Khảo sát hoạt động quản lý nghề cá tại các địa phương; các doanh nghiệp tham gia chương trình đồng loạt treo “Bản cam kết chống khai thác IUU” bằng song ngữ Việt – Anh tại nhà máy... 

Từ nay đến tháng 12/2019, chương trình sẽ tiếp tục triển khai 4 nhóm công việc chính, gồm: Tham gia góp ý sửa đổi khung pháp lý và hoạt động chung; hợp tác các bên và quan hệ quốc tế: doanh nghiệp cam kết; tuyên truyền.

Thuỷ sản Việt Nam lấy được thẻ xanh trong đợt kiểm tra sắp tới

Bà Nguyễn Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng các yêu cầu của EU liên quan đến các quy định IUU. Doanh nghiệp và cơ quan quản lí cần phải phối hợp, cố gắng hoàn tất các chứng từ liên quan đến nguồn nguyên liệu đánh bắt, khai thác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc các lô hàng xuất khẩu.

" Về phía cơ quan chức năng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tiếp tục đưa ra nhiều động thái siết chặt như yêu cầu các địa phương có đoàn tàu đánh bắt, khai thác có chiều dài 24 m trở lên phải lặp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp cũng yêu cầu các địa phương và Sở, ngành liên quan có những biện pháp cụ thể để kiểm soát xuất cảng, ra khơi nhằm giúp thuỷ sản Việt Nam lấy được thẻ xanh trong đợt kiểm tra sắp tới", Phó Chủ tịch VASEP cho hay.

HỒNG TRÂM

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : thủy sản