Trung tâm Hỗ trợ phát triển hợp tác xã chính thức hoạt động

(Chinhphu.vn) – Trung tâm có chức năng tập trung tư vấn hỗ trợ các địa phương thành lập hợp tác xã kiểu mới, tái cấu trúc hợp tác xã, xây dựng phương án kinh doanh, tư vấn phương án tài chính, định hướng sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị liên kết cho các hợp tác xã…

 

Hiện cả nước có gần 20.000 hợp tác xã đang hoạt động. Sau 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (năm 2012), tình hình phát triển hợp tác xã nông nghiệp chuyển biến tích cực, số hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng. Đến nay, cả nước có khoảng 40% số hợp tác xã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, trong khi năm 2012 chỉ có 10%.

Nhằm hỗ trợ phát triển hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết ngày càng đi vào chiều sâu, chiều 6/12 tại Hà Nội, Liên hiệp Hợp tác xã Tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCAmart) đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UCAmart cho biết, kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới sẽ mang lại không ít cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp khi mà Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực tháng vào tháng 1/2019.

Theo đó, Việt Nam có 7 năm chuẩn bị để đón nhận những cơ hội xuất khẩu nông sản sang các thị trường rộng lớn và đón nhận những thách thức “nguy cơ” cạnh tranh với các mặt hàng từ các nước trong khối CPTPP (các nước có nền kinh tế phát triển như Australia, New Zealand, Nhật Bản…).

Để nắm bắt được cơ hội trên, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, sản phẩm hàng hóa Việt Nam cũng phải tuân thủ luật chơi chung. Đó là phải phù hợp với tiêu chuẩn, chất lượng mà các nước thành viên đưa ra.

Ngược lại để đối phó với “nguy cơ” sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phải an toàn và rẻ hơn sản phẩm nông nghiệp của các nước trong hiệp định nếu không muốn thua chính trên sân nhà. Đây là bài toán thực sự nan giải đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Chính vì vậy, phải tích tụ ruộng đất, tập trung sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.

Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định, sự ra đời của UCAmart đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai về liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững cho các hợp tác xã sẵn sàng ứng phó với nhiều thách thức của hội nhập.

Tuy nhiên, với thời gian thành lập hơn 2 năm, khối lượng công việc khổng lồ nhưng vẫn còn rất nhiều điều phải làm cho bức tranh tổng thể của nông nghiệp nước nhà, với khát vọng được cống hiến vì một nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững. Do đó, sự ra đời Trung tâm Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng và phát triển hợp tác xã trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Thế Phương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển hợp tác xã khẳng định Trung tâm sẽ là địa chỉ tin cậy để hỗ trợ, giúp đỡ cho các hợp tác xã thành viên tham gia chuỗi liên kết bền vững. Đây là cơ sở và là tiền đề cho các mục tiêu phát triển tiếp theo của UCAmart trong thời gian tới.

Nhân dịp này, UCAmart đã tổ chức khai trương Cửa hàng giới thiệu sản phẩm an toàn tại số 4, đường Mạc Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là cửa hàng thứ 9 được mở trên địa bàn TP. Hà Nội, nhằm giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các mặt hàng nông sản bảo đảm tiêu chuẩn đến người tiêu dùng.

Ngân Hà

Theo baochinhphu.vn

Từ khóa : Hỗ trợ phát triển, hợp tác xã