Làng chiếu Long Định, Tiền Giang tất bật vào vụ tết

"Cứ vào ngày thứ hai là ở đây tất bật lắm, người bó, người đếm, người kiểm để kịp giao hàng đi xuất khẩu". Đó là lời của cụ Hiếu, một nghệ nhân đã có hơn 50 năm tuổi nghề ở làng chiếu Long Định, Châu Thành, Tiền Giang.

 Vừa chỉ tay vào mấy tấm thảm, cụ Hiếu vừa cười đùa với chúng tôi: “Làm chiếu lâu quá nên trí nhớ tôi bây giờ cũng như hai mặt của chiếc chiếu, lúc nhớ lúc quên”.

Hối hả vào Tết

Làng Long Định những ngày giáp tết vui lắm, đủ mọi thứ âm thanh, tiếng máy dệt, máy may, tiếng cắt chỉ, đôi lúc còn nghe cả tiếng thở dài của mấy nghệ nhân  từ trong xưởng. Người ta bảo ai mà đi lạc vào làng chiếu Long Định thì kiểu gì người cũng nghe toàn mùi hương nhuộm cói bởi lẽ nó đã trở thành một đặc trưng không thể thiếu của mảnh đất này.

Tết mỗi năm chỉ có một lần nhưng đối với những hộ dân nơi đây ngày nào cũng là tết vì họ làm việc tất bật quanh năm. Dưới cái nắng oi ả, người ta chỉ kịp cười nói với nhau đôi ba câu rồi ai lại vào việc nấy, người dệt, người nhuộm cói, người lại tranh thù nắng để phơi còn số khác nhanh tay nhặt nhạnh những công đoạn cuối cùng như cắt, buộc để cho ra thành phẩm.

 

Những tấc chiếu phục vụ cho tết nguyên đán.

Anh Phạm Minh Hồng, một trong những chủ xưởng lớn nhất ở làng chiếu đang tranh thủ kiểm kê lại số lượng đơn hàng cho đợt xuất khẩu tới. Gia đình anh hiện đang là đầu mối thu mua chiếu của hơn 50 hộ dân trong vùng. Anh cho biết trung bình mỗi tháng xưởng xuất ra khoảng 1.000 tấm lục bình bằng tay sang thị trường Korea (Hàn Quốc) và hơn 30 ngàn m2 cói bằng máy cho công ty xuất khẩu Vĩnh Long.

Anh còn cho biết thêm toàn bộ số nguyên liệu làm chiếu được lấy từ các tỉnh Long An, Đồng Tháp và rải ra cho các hộ tự sản xuất. Trung bình 1 ngày, mỗi người làm ra khoảng 12 tấm, còn dịp tết, mỗi người cũng đạt gần 15 tấm. “Xưởng hoạt động theo mô hình ổn định nên tháng nào cũng ngang nhau, dịp tết thì đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng các nguồn hàng lớn”, anh Hồng nói.

Anh Phạm Thanh, 48 tuổi cũng đã có 18 năm gắn bó với nghề làm chiếu, gia đình anh hiện tại có 9 máy dệt và 12 người làm. “Vào đợt cao điểm tết thì các nhân công phải tăng ca để nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng hàng. Trung bình mỗi tháng trừ chi phí tôi thu về hơn 20 triệu tiền lời, còn dịp tết thì nhiều hơn”, anh Thành cho hay.

Dù hiện nay lớp trẻ không còn mặn mà với làng nghề truyền thống nhưng chắc chắn bằng lòng yêu nghề, nhiệt huyết, các nghệ nhân U50, U60 của xã Long Định vẫn sẽ giữ và đưa thương hiệu làng chiếu ngày một đi lên.

Không giàu nhưng vẫn ổn định

 

Cụ Hiếu, 85 tuổi, một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất ở làng chiếu Long Định, Châu Thành, Tiền Giang.

Không ai biết nghề làm chiếu ở xã Long Định có từ khi nào nhưng mỗi khi nhắc đến nó, những nghệ nhân nơi đây vẫn luôn tự hào kể về truyền thống nhiều thế hệ từ cái nghiệp của ông cha. Cũng nhờ cái nghề vất vả, khổ cực này mà hai vợ chồng cụ Hiếu đã nuôi 8 người con trưởng thành. Quen với sợi cói, khung dệt từ những ngày mới chớm đôi mươi, có lẽ những vết nứt, nhăn nheo trên đôi tay cụ Hiếu không phải vì tuổi cao mà đó là hạt bụi thời gian của những gian truân, nhọc nhằn từ nghề làm chiếu.

Đôi mắt cụ có vẻ xa xăm khi nhớ về những ngày tháng quần quật làm không đủ ăn, theo như cụ kể, ngày xưa dệt bằng tay nên mỗi ngày chỉ làm được 3,4 chiếc, tính ra chỉ vỏn vẹn có 15.000 đồng, tiền đong gạo còn chưa đủ huống chi là nuôi 7,8 miệng ăn trong nhà. Cái nghề cực thì nhiều nhưng khổ nổi ai cũng không nỡ bỏ vì mảnh chiếu như đi liền với từng khúc ruột.

Bước qua tuổi xế chiều, dù không còn sức lực để gắn bó nhưng cụ Hiếu vẫn tự hào vì cả 3 người con trai và các cháu đang từng ngày gìn giữ cái nghề của tổ tiên. Cũng giống những nghệ nhân thâm niên trong vùng như cụ Hiếu, chị Vân chập chững với những lát dệt đầu tiên từ năm 10 tuổi. “Do nhà khó khăn quá nên phải nghỉ học để làm chiếu, ngày đó làm đến mòn tay, mỗi chiếc lời cũng chỉ được dăm ba ngàn. Khổ đủ điều nhưng cũng ráng mà kiếm tiền để sống qua ngày đoạn tháng”, chị nghẹn ngào.

43 năm ròng rã, có lẽ chính những đắng, cay, ngọt, bùi của nghề dệt chiếu đã giúp gia đình chị có một cuộc sống ổn định và sung túc hơn. Dù tay chân không còn dẻo dai như trước nhưng chị Vân vẫn gắn bó miệt mài với từng tấc chiếu của quê hương. Hiện tại, bên cạnh công việc nội trợ, chị Vân còn kiếm thêm được hơn 3 triệu mỗi tháng từ nghề dệt chiếu.

Có lẽ, không có những người như cụ Hiếu, chị Vân và các nghệ nhân trong làng thì sẽ không có một thương hiệu chiếu Long Định bền vững và phát triển như ngày hôm nay. Dù nghề làm chiếu không giàu, không nhàn hạ như những ngành nghề khác nhưng cũng là nghề ổn định đối với những hộ dân ở xứ miệt vườn. Bởi lẽ dù gian nan, cực nhọc đến đâu thì nghề dệt chiếu vẫn là cái nôi đã nuôi dưỡng biết bao con người khôn lớn.

KIM SÁNG

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Làng chiếu, Long Định, Tiền Giang, vụ tết