Làng nón bàng buông của những người khỏe mới làm, mệt thì nghỉ

(thegioitiepthi.vn) - Hiếm có làng nghề nào lại đặc biệt như làng nón bàng buông ở Thân Cửu Nghĩa. Người làm nghề đối đãi với nhau bằng sự chân tình, không bị rập khuôn hay áp đặt doanh số. Lúc khỏe thì làm, khi mệt thì nghỉ là chuyện bình thường.

Cụ Ba, 87 tuổi, nghệ nhân thâm niên trong làng nón bàng buông, Tiền Giang

Trải qua bao biến thiên, nhưng nghề làm nón bàng buông ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vẫn luôn giữ được nét riêng của làng nghề truyền thống mà ông cha để lại. Không phụ thuộc vào máy móc, không áp lực, rảnh khi nào làm khi đó, chính là đặc trưng có một không hai ở nơi đây. Chính vì thế mà những chiếc nón nơi đây luôn chiều lòng được khách hàng nhờ sự công phu, tỉ mỉ của các nghệ nhân.

Cụ Ba, nghệ nhân có hơn 60 năm thâm niên trong nghề, nay đã bước qua tuổi 87 nhưng đôi tay cụ vẫn thoăn thoắt, vừa tẻ mấy sợi buông, vừa trò chuyện. Theo lời cụ kể, khó có thể tin rằng cái nghề vất vả, chịu sự điều tiết của ông trời lại có thể giúp cụ Ba vun vén nuôi 7 người con trưởng thành.

Trong làng, nhiều người không hẳn bỏ nghề nhưng cũng chỉ xem làm nón là việc tạm bợ. Ban ngày họ đi làm công việc khác, trưa hay chập tối tranh thủ làm nón để kiếm thêm thu nhập. Riêng cụ Ba, dù khổ cực, có những thời điểm khó khăn làm không đủ ăn nhưng vì muốn giữ cái nghiệp của cha ông nên cụ vẫn bám trụ với nón bàng buông. Gia tài của cụ Ba và là điều cụ tự hào nhất chính là các con, thế hệ đang thay cụ viết tiếp truyền thống làng nghề của quê hương.

Trạc tuổi với cụ Ba là vợ chồng cụ Ngân, cụ Màu, những người cũng đang chung tay giữ nghề làm nón quê nhà. Tập tành làm nón từ những ngày mới lên 9, lên 10, trải qua bao thăng trầm, những vết xước, vết sẹo trên da hai cụ ngày một nhiều lên. Mắt hai cụ mờ dần, tai đã không còn nghe rõ nhưng chẳng gì có thể dập tắt được tình yêu mà các cụ dành cho chiếc nón bàng buông.

Đại gia đình của hai cụ hiện có đến 3 thế hệ theo nghề làm nón. Hai cụ cho biết, với công đoạn ép, một người làm được khoảng 1.500 - 2.000 chiếc mỗi ngày, còn may được khoảng 1.000 - 1.500 chiếc. Trung bình mỗi chiếc được 100 đồng, một ngày miệt mài kiếm được chừng 100 ngàn đồng. “Cực lắm, nhiều khi tiền thu về không bằng công sức bỏ ra nhưng vẫn làm cho vui tay vui chân và giữ cái gốc cho thế hệ sau”, cụ Ngân nói.

Các hộ gia đình gia công tại nhà.

Chuyện làm chiếc nón tròn có nhiều điều thú vị, dù khoa học kỹ thuật đã đến gõ cửa từng làng nghề nhưng đối với làng nón bàng buông thì gần như là ngoại lệ. Mọi công đoạn từ phơi, tẻ sợi, đương, may vành đều được thực hiện tỉ mỉ dưới đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của các nghệ nhân.

Không biết nón bàng buông 5 năm rồi 10 năm sau sẽ thế nào nhưng hẳn sẽ còn những nghệ nhân tâm huyết như cụ Ba, cụ Ngân và cụ Màu. Hiếm có làng nghề nào lại đặc biệt như làng nón bàng buông ở Thân Cửu Nghĩa. Người làm nghề đối đãi với nhau bằng sự chân tình, không bị rập khuôn hay áp đặt doanh số. Lúc khỏe thì làm, khi mệt thì nghỉ là chuyện bình thường.

“Nhiều người biết làm nón từ khi còn rất nhỏ, như tôi bây giờ may vẫn bình thường nhưng tuột chỉ lại không kiếm ra múi mà xâu”, vừa loay hoay tìm mấy sợi chỉ, cụ Màu vừa nói.

Thời thế thay đổi, lớp trẻ không còn mặn mà với các làng nghề truyền thống. Nhưng với những nghệ nhân lớn tuổi ở làng Thân Cửu Nghĩa, làm nón là nghề không bao giờ chết. Cái gốc từ lâu đời làm nên tên tuổi làng nón bàng buông như ngày hôm nay, không dễ gì bật gãy.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Làng nón, bàng buông, Tiền Giang