Chợ truyền thống có bị cửa hàng tiện lợi lấn át, triệt tiêu?

(thegioitiepthi.vn) - Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, thị trường cửa hàng tiện lợi trong nước rất mở và tiềm năng, đặc biệt là ở các thành phố lớn – nơi tập trung mật độ dân cư đông đúc…

Thị trường tiện lợi rất mở và tiềm năng

Xu hướng phát triển của các cửa hàng tiện lợi hiện nay như thế nào, thưa bà?

- Tôi cho rằng đây là thị trường rất mở và tiềm năng, đặc biệt là ở các thành phố lớn – nơi tập trung mật độ dân cư rất đông đúc, có hàng triệu người dân trở lên, phương tiện giao thông đi lại khó khăn, người dân ở đó thường tập trung làm công sở, trong giờ hành chính không có thời gian đi mua sắm ở các chợ truyền thống…

Ví dụ ở Nhật Bản cứ 500 mét lại có 1 cửa hàng tiện lợi. Với mức dân số của Nhật cũng tương đương Việt Nam, và cách phát triển ở Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng…

Nhận thức được tiềm năng này nên nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào thị trường này. Đi đầu là Vinmart có đến 1.700 cửa hàng tiện lợi vào cuối năm 2018, và họ đang có kế hoạch nâng lên 4.000 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Đây là cách hoạt động và có độ phủ rất tốt, rất tiềm năng.

Và nhiều doanh nghiệp khác cũng bắt đầu mở rộng loại hình này, cụ thể là Sài Gòn Co-op. Trước đây Sài Gòn Co-op chỉ có siêu thị, nhưng hiện nay họ mở rất nhiều cửa hàng tiện lợi…

Có ý kiến cho rằng sự nở rộ của cửa hàng tiện lợi thời gian qua là quá nóng. Và sự phát triển của cửa hàng tiện lợi có thể sẽ triệt tiêu chợ truyền thống. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi cho rằng câu chuyện ở đây không phải là quá nóng hay không, mà nó phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Nếu nóng, khi mở ra 3 tháng mà không bán được hàng thì cửa hàng đó tự khắc sẽ đóng cửa. Và tôi thấy thị trường đang định hướng.

Phân khúc cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống khá khác nhau. Chợ truyền thống là tập trung rất nhiều hàng hóa, phong phú. Đến chợ, chúng ta không chỉ mua những mặt hàng thực phẩm thiết yếu của mình mà còn có cơ hội giao tiếp cộng đồng. Đó là nét văn hóa, là nơi giao lưu văn hóa.

Nếu người tiêu dùng muốn được mặc cả, giao tiếp, nói chuyện với cư dân sống trong địa bàn của mình thì người ta sẽ lựa chọn chợ truyền thống.

Cửa hàng tiện lợi chỉ giới hạn trên 1.000 mặt hàng trở xuống, thì ở chợ, con số các mặt hàng là chục ngàn trở lên.

Và cửa hàng tiện lợi chắc chắn có giá thành hàng hóa đắt hơn so với chợ. Thêm vào đó, cửa hàng tiện lợi có phân khúc trung lưu, người tiêu dùng đến đây sẽ chấp nhận giá đó, họ mong muốn được tiếp cận những hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thậm chí có thương hiệu nữa.

Cửa hàng tiện lợi khác với chợ truyền thống

Khách hàng đến cửa hàng tiện lợi khác hơn so với chợ, người có thu nhập trung bình khá trở lên sẽ đến cửa hàng tiện lợi. Và các cửa hàng này cũng đang đi lên cùng với mức sống của người dân thành thị và thu nhập tăng của họ...

Có một thực tế tại Việt Nam là trình độ, kỹ năng phục vụ của các tiểu thương bán hàng truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Vậy Bộ Công thương cần làm gì để đào tạo, nâng cao kỹ năng của các tiểu thương?

- Câu chuyện này được chúng tôi rất quan tâm thời gian qua. Chúng tôi có Đề án 23 phát triển thương mại nông thôn đến năm 2020, trong đó phần lớn nội dung là đào tạo cho các chủ nhiệm hợp tác xã, các tiểu thương, các chợ và ban quản lý chợ về kiến thức cơ bản đối với vấn đề quản lý ngành hàng bán lẻ, chất lượng hàng hóa trong hệ thống phân phối hiện đại cũng như hệ thống phân phối bán lẻ, để mọi người biết được vị trí để so sánh và cạnh tranh.

Chúng tôi cũng dạy cho các tiểu thương những kỹ năng để bán hàng, sắp xếp hàng hóa, kết nối hàng hóa đưa vào hệ thống, để khách hàng ở đâu cũng sẽ tìm đến nguồn hàng có nguồn gốc xuất xứ an toàn, giá thành hợp lý. Đồng thời mời họ tham gia vào chương trình kết nối cung - cầu để họ có nguồn hàng tốt nhất.

Thêm vào đó, chúng tôi vận động các doanh nghiệp đưa hàng hóa có giá ưu đãi nhất về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn… để bà con ở đây được mua giá ưu đãi mà hàng hóa chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ, chính hãng.

Vậy Bộ Công thương có dự báo nào về sự phát triển của phân khúc cửa hàng tiện lợi trong thời gian tới?

- Bộ Công thương đang đi theo hướng mở rộng đầu tư cả nước ngoài và trong nước ở lĩnh vực này, vì đây là kênh chúng tôi cho rằng có nhiều ưu việt so với những phân phối khác, phù hợp với khu đô thị, nơi cần phải có tiện ích về thương mại, gắn với các khu dân cư để tránh tắc đường khi phải đi chợ xa. Mà chợ có thể gây ra những mặt yếu về môi trường, rác thải, gặp vấn đề khó khăn việc đi xe vào chợ gặp bất tiện…

Đây là mô hình mới, chúng tôi sẽ mở rộng theo Nghị định 09 của Chính phủ do Bộ Công thương trình Chính phủ ban hành năm 2018, trong đó cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini mart dưới 500 m2 sẽ không phải xét thu hút vốn đầu tư nước ngoài…

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi