Các ông lớn kinh doanh kỹ thuật số liên tục 'bán những thứ chưa từng bán'

(thegioitiepthi.vn) - Từ đầu năm đến nay, hai hệ thống bán lẻ sản phẩm kỹ thuật số lớn là Thế Giới Di Động và FPT Retail liên tiếp gây bất ngờ cho thị trường khi nhảy sang kinh doanh ở những lĩnh vực hoàn toàn mới như đồng hồ, điện máy, mua hàng quốc tế…

Hàng nghìn sản phẩm đồng hồ được bán tại Thế Giới Di Động

Trong quý I/2019, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động gây bất ngờ khi tuyên bố thực hiện chiến lược tăng doanh thu thông qua việc “bán những sản phẩm chưa từng bán” tại chuỗi Thegioididong.com và Điện máy Xanh.

Cụ thể, mô hình “shop-in-shop” kinh doanh đồng hồ thời trang chính hãng được đưa vào thử nghiệm tại cửa hàng Thegioididong.com ở TP.HCM từ tháng 3/2019.

Với 2 cửa hàng ban đầu, Thế Giới Di Động bán trên 50 mẫu đồng hồ thông minh và trên 1.000 mẫu đồng hồ thời trang của hơn 20 thương hiệu, tập trung phục vụ nhóm khách hàng phổ thông và trung cấp với giá sản phẩm chủ yếu dao động từ 1 - 6 triệu đồng.

Tương tự với hệ thống bán lẻ kỹ thuật số FPT, sau khi gây chú ý khi mua chuỗi nhà thuốc Long Châu từ năm 2017, ngày 11/4/2019 đã kinh doanh thêm ngành hàng điện máy với tivi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, đồ gia dụng… trên website nhằm tận dụng lợi thế bán hàng online.

Đây là sự hợp tác cùng doanh nghiệp điện máy Nguyễn Kim, vốn có hoạt động lâu năm và có hệ thống trải rộng từ Nam ra Bắc.

FPT Shop bắt tay Nguyễn Kim kinh doanh điện máy

Chưa hết, trong tháng 4, website của FPT Shop còn có thêm mục mới “Hàng quốc tế”, cho phép người tiêu dùng đặt mua hàng tại Mỹ, Đức, Nhật. Dự án này do FPT Retail bắt tay với Fado - doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới với đối tác chính là Amazon thực hiện.

Thông tin từ FPT Retail cũng cho thấy, khác với các mặt hàng thuần công nghệ hay điện máy đang bán trên FPT Shop, khi kết hợp bán hàng của Amazon, khách hàng truy cập trang web của FPT Shop có thể mua hầu hết mọi mặt hàng phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Theo đánh giá được Nielsen, công ty chứng khoán Rồng Việt đưa ra gần đây, miếng bánh thị phần của mảng truyền thống đối với cả Thế Giới Di Động và FPT Shop là điện thoại di động đang ngày càng bão hòa, sức bật không còn như trước.

Như tại Thế Giới Di Động ghi nhận kết thúc quý I/2019, sản lượng điện thoại bán ra tăng trưởng chỉ 3% trong khi giá trị thậm chí đi ngang so với cùng kỳ năm trước.

Chính vì thế, các doanh nghiệp đang buộc phải chuyển hướng, thử nghiệm sang những lĩnh vực mới “chưa từng bán”. Với những bước đi nêu trên, câu chuyện bất ngờ “bán những thứ chưa từng bán” vẫn chưa dừng lại, các doanh nghiệp với tiềm lực cũng như hệ thống cửa hàng phủ rộng trên toàn quốc sẽ sẵn sàng thử nghiệm khi cơ hội đến.

Liên quan đến kết quả của những bước đi thử nghiệm đầu tiên, phía Thế Giới Di Động đánh giá “khá khả quan”.

Như nhóm gia dụng và dụng cụ nhà bếp, trong quý 1/2019 đã có hơn 10 triệu sản phẩm được bán ra và mang về doanh thu hơn 1.700 tỷ đồng. Con số tương đương với mức tăng trưởng 130% về sản lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó hệ thống Bách Hóa Xanh của doanh nghiệp này tiếp tục đa dạng hoá danh mục lựa chọn sản phẩm để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đẩy mạnh tiếp cận trực tiếp nguồn cung tại các vùng nuôi trồng, đánh bắt nhằm rút ngắn thời gian trung chuyển, nâng cao chất lượng và độ tươi của hàng hoá khi đến tay người tiêu dùng.

Trong quý II/2019, Bách Hóa Xanh sẽ tập trung xử lý việc mua hàng trực tiếp cho nhóm trái cây và bánh kẹo nhập khẩu.

Trong khi đó, dù nhảy sang lĩnh vực điện máy nhưng phía FPT Shop cho biết đang thận trọng tìm đường, tất cả mới chỉ đang ở trong giai đoạn thử nghiệm chứ chưa có kế hoạch đánh chiếm thị phần với hàng loạt tên tuổi khá đang hoạt động trong lĩnh vực điện máy.

Cùng đó, FPT Retail cũng cho hay sẽ tập trung vào ngành hàng dược phẩm. Thậm chí tại đại hội cổ đông thường niên của FPT Retail năm 2019, bà Nguyễn Bạch Điệp, CEO FPT Retail cho biết tham vọng của doanh nghiệp này đến năm 2022 sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm thông qua nhà thuốc.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : kỹ thuật số