Vì sao thanh toán bằng QR code đang trở thành xu hướng?

Tính đến hết tháng 6/2019, Việt Nam đang có 134,5 triệu thuê bao di động (trong đó có trên 51 triệu thuê bao sử dụng 3G, 4G) và có 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh nên việc sử dụng QR Code được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Việt Nam và Lào của Visa xung quanh vấn đề này

Bà đánh giá thế nào về tiềm năng của thanh toán QR Code tại Việt Nam? Hình thức thanh toán này sẽ phát triển thế nào khi so với các hình thức truyền thống như “cà” thẻ hay các dạng thanh toán bằng di động khác?

Như các bạn đang thấy, trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán không chạm (contactless) hay bằng mã QR đang trở nên phổ biến và dần được thay thế bằng hình thức thanh toán điện tử như “cà” thẻ qua máy POS, giao dịch thương mại điện tử.

no ro thanh toan bang qr code
Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Việt Nam và Lào của Visa

 

Ưu điểm của thanh toán bằng QR code là chi phí đầu tư thấp và thời gian triển khai nhanh, thích hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ quy mô nhỏ, dịch vụ di động, taxi... Ngoài ra, thanh toán với mã QR sẽ mang đến cho người dùng trải nghiệm hoàn toàn mới, an toàn, tiện lợi và nhanh chóng. Người dùng có thể thiết lập đơn giản thanh toán mã QR bằng cách tải xuống ứng dụng ngân hàng của họ, sau đó liên kết an toàn với tài khoản Visa ghi nợ, tín dụng hoặc trả trước của họ. Sau khi được kích hoạt, khách hàng sẽ dùng thiết bị di động quét mã QR để thanh toán, bắt đầu chuyển tiền từ tài khoản của họ sang tài khoản của nhà bán lẻ.

Theo Khảo sát về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á do chúng tôi thực hiện gần đây, số người biết đến các hình thức thanh toán bằng mã QR đã tăng đến 81%, và có 19% số người được khảo sát tại Việt Nam đã sử dụng hình thức thanh toán này. Nhìn chung, người tiêu dùng vẫn cần thêm thời gian để làm quen với phương thức thanh toán bằng mã QR.

Như bà đã chia sẻ thì hiện mới chỉ có 19% dân số sử dụng QR Code, vậy đâu là điểm nghẽn khiến hình thức này còn chưa phát triển? Bà có cho rằng hình thức thanh toán này sẽ “nở rộ” hơn trong thời gian tới?

Trong số những người biết đến nhưng chưa từng sử dụng QR code, thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm số đông. Bên cạnh đó, hình thức thanh toán bằng mã QR phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng Internet để truyền thông tin giao dịch đến đơn vị chấp nhận thanh toán và tốc độ xử lý không nhanh bằng thanh toán không chạm.

Tuy nhiên, đối với một số cửa hàng truyền thống nói riêng, các phiếu giảm giá di động và online tích hợp QR code là giải pháp giúp củng cố sự trung thành của khách hàng và tăng cường cạnh tranh với những cửa hàng online. Việc này không chỉ đơn giản duy trì mức độ nhận biết thương hiệu mà còn thúc đẩy thanh toán thông qua các thiết bị di động.


Thưa bà, thời gian qua Ngân hàng nhà nước đã ban hành quy chuẩn riêng về QR Code và đã có gần 20 ứng dụng của các ngân hàng có thể thanh toán bằng mã QR Code này. Vậy nền tảng của Visa có hỗ trợ thanh toán theo chuẩn QR Code này không hay sẽ phát triển các điểm chấp nhận thanh toán với chuẩn mã QR Code riêng?
Ở Việt Nam, chúng ta cũng chứng kiến sự tích hợp của tính năng quét mã QR vào các cơ chế hoạt động của các dịch vụ ví di động nhằm tạo thêm trải nghiệm cho người tiêu dùng ngay trên ứng dụng. Bên cạnh đó, việc sử dụng mã QR trên các thiết bị di động cũng tăng lên đáng kể vì được kích hoạt bởi những nhà sản xuất thiết bị cầm tay như tích hợp công nghệ quét mã QR vào các ứng dụng chụp ảnh và phát triển hệ sinh thái trao đổi mã QR để thanh toán nhanh. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tiềm năng phát triển của phương thức thanh toán mã QR tại Việt Nam nói riêng và thị trường Châu Á nói chung.

Việt Nam mới thực sự áp dụng hiệu quả xu hướng công nghệ thanh toán bằng mã QR nên chúng tôi sẽ không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những thị trường khác nhau để hiểu rõ cách họ tiêu chuẩn hóa hình thức thanh toán này. Tuy nhiên, dựa trên sự hiểu biết của chúng tôi về hành vi sử dụng thẻ của khách hàng, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngân hàng, đối tác Fintech để phát triển dịch vụ và giúp khách hàng, các đơn vị chấp nhận thanh toán quen dần với phương thức thanh toán bằng mã QR này. Chúng tôi hiện đang tập trung tích hợp công nghệ thanh toán mã QR vào hệ thống quản lý sẵn có của các đơn vị chấp nhận thanh toán, đặc biệt là đối với phân khúc thanh toán mới, nhỏ lẻ.

Hiện tại, nhiều điểm chấp nhận thanh toán cũng đã dùng mã QR để giới thiệu những chương trình giảm giá dựa vào số lượng hàng tồn kho. Chẳng hạn như một nhà bán lẻ giảm giá 50% cho 100 mặt hàng đầu tiên, nhưng có thể linh hoạt giảm còn 25% cho 100 mặt hàng kế tiếp. Việc quét mã QR cũng giúp tăng cường việc kiểm tra hàng tồn kho và điều chỉnh mã QR phù hợp theo thời gian thực tế. Mã QR còn là công cụ để xác định các tình huống trong kinh doanh, và có thể thay đổi phù hợp với mức độ phát triển của mô hình kinh doanh.

no ro thanh toan bang qr code
Thanh toán bằng QR code đã phổ biến ở các nước tiên tiến.

Vậy lộ trình thực hiện cụ thể như thế nào, thưa bà?

Chúng tôi đã có kế hoạch chi tiết phát triển dịch vụ thanh toán bằng mã QR cũng như các chính sách hỗ trợ các ngân hàng địa phương và đối tác Fintech để mở rộng thị trường và cải thiện dịch vụ này trong thời gian sớm nhất có thể. Với các ngân hàng, đây chính là cuộc đua để thu hút những điểm chấp nhận thanh toán thông qua các ứng dụng của họ.

Bên cạnh đó, chính phủ, các ngân hàng, những điểm chấp nhận thanh toán cũng đang nỗ lực để khuyến khích và quảng cáo những dịch vụ quét mã QR nhằm hướng đến nền kinh tế không tiền mặt. Mã QR cũng đã trở thành giải pháp được chính phủ xác nhận làm giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt. Mục tiêu chính là để hạn chế kinh tế đen (kinh doanh trốn thuế, bất hợp lệ), tăng thu thuế, chống nạn gian lận và rửa tiền.

Xin cảm ơn bà!

Mai Ca (thực hiện)

Theo congthuong.vn

 

Từ khóa : QR code, trở thành xu hướng, Đặng Tuyết Dung