Chuỗi cung ứng hiện đại lo ngại bị gián đoạn do căng thẳng thương mại toàn cầu

Nền kinh tế hiện đại hoạt động dựa trên sự vận hành thông suốt của nhiều chuỗi cung ứng phức tạp và tinh vi. Khả năng vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm kịp thời và đúng thời điểm đã mang lại rất nhiều lợi ích như: giảm chi phí sản xuất, cải thiện việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, giúp mở ra những thị trường mới với nhiều cơ hội kinh doanh mới cho nhà sản xuất. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại toàn cầu, sự thay đổi trong việc quản lý và các chính sách thương mại từ địa phương, quốc gia và quốc tế có thể làm đảo lộn nền kinh tế cơ bản của chuỗi cung ứng. 

Ông Julien Brun - Giám đốc điều hành - Công ty Tư vấn CEL Consulting - cho biết, việc vận chuyển trễ, trộm cắp, cướp biển, thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, tấn công mạng và những vấn đề không lường trước khác có thể làm gián đoạn dòng hàng hóa, hình thành thêm chi phí ngắn hạn và khó khăn trong giao hàng. Ngoài ra, sự thay đổi trong việc quản lý và các chính sách thương mại từ địa phương, quốc gia và quốc tế có thể làm đảo lộn nền kinh tế cơ bản của chuỗi cung ứng.

Cụ thể, sự căng thẳng thương mại toàn cầu đã dẫn đến việc áp dụng thuế nhập khẩu mới đối với một loạt các sản phẩm tiêu dùng và vật liệu công nghiệp. Trong khi cuộc chiến lớn nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, thì các quốc gia và khu vực khác, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng. Các công ty phải thích nghi và thay đổi chuỗi cung ứng để đáp ứng được sự tác động khi thỏa thuận chính thức bắt đầu.

Xu hướng này được dự đoán sẽ tăng tốc vào năm 2019, đặc biệt là khi Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa ra thêm các loại thuế; Anh và EU vẫn chưa đồng ý thông qua thoả thuận Brexit. Cụ thể, hãng xe BWM của Đức đã thông báo sẽ chuyển việc sản xuất dòng xe Mini từ Anh quốc sang Hà Lan do ảnh hưởng từ Brexit, và có kế hoạch sản xuất dòng xe SUVs tại Trung Quốc phục vụ chỉ cho thị trường Trung Quốc nhằm tránh việc bị áp thuế các loại từ ảnh hưởng các cuộc chiến thương mai.

Theo một cuộc khảo sát của Chartered Institute of Procurement and Supply tại châu Âu, sự chậm trễ của hải quan do vấn đề Brexit có thể làm tiêu tốn 10% lợi nhuận của các DN Anh sử dụng nguồn cung cấp từ châu Âu. Tháng 6/2019 vừa qua Apple cũng thông báo sẽ cắt giảm và di dời khoảng 15%- 30% việc sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc.

Hay trong xung đột thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc chủ yếu là quan hệ chuỗi cung ứng ngành điện tử, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giảm cán cân thương mại từ căng thẳng thương mại của hai quốc gia này. Trong một nghiên cứu công bố gần đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, hoạt động sản xuất, xuất khẩu và cán cân thương mại của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Các mặt hàng có liên quan đến chất bán dẫn và màn hình như máy vi tính, điện thoại và máy ảnh chiếm khoảng 35% tổng xuất khẩu; điện thoại linh kiện chiếm 20%. Do vậy, khi xuất khẩu các mặt hàng này bị ảnh hưởng, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam có thể giảm.

Nhìn vào thực tế tại Việt Nam, các chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn ít nhiều do căng thẳng thương mại toàn cầu - ông Julien Brun cho biết, về lý thuyết thì các nước trong khu vực châu Á sẽ có cơ hội bù đắp vào chuỗi cung ứng hàng hóa cho Mỹ thay Trung Quốc, thế nhưng trên thực tế, tình hình phức tạp hơn nhiều bởi đa số hàng hóa xuất đi của các nước này được Trung Quốc nhập khẩu rồi gia công bán sang Mỹ. Do đó, toàn bộ chuỗi cung ứng tại châu Á sẽ bị tổn thương. Riêng Việt Nam có quan hệ thương mại sâu rộng với cả hai nước thì vòng xoáy thương mại giữa hai cường quốc được dự báo sẽ tác động tới xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam theo cả hai chiều hướng tiêu cực và tích cực. Tác động tích cực sẽ có, tuy nhiên không nhiều. Theo đó, cả Trung Quốc hay Mỹ đều có thể lựa chọn dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuyển hướng đầu tư, sau đó xuất khẩu hàng hóa từ các nước trung gian như Việt Nam sang nước kia để không phải chịu mức áp thuế cao.

Theo ông Paul Lim - Đồng Chủ tịch Diễn đàn về chuỗi cung ứng châu Á 2019 - nhiều DN đang chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp một số thách thức về cảng biển và lao động có tay nghề vì thế những hạn chế này cần được cải thiện để nâng cao năng lực chuỗi cung ứng.

Theo Thanh Thanh

Từ khóa : Chuỗi cung ứng, thương mại toàn cầu