Thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt: Vẫn yếu và thiếu

Làm thương hiệu không phải để bán được nhiều sản phẩm hơn mà là để bán được giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, doanh nghiệp và nông dân. Do đó, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản và chiến lược phát triển thương hiệu ở các thị trường mục tiêu là nhiệm vụ trọng tâm cần đặt ra trong thời gian tới

Thiếu các thương hiệu mạnh

Sau mấy chục năm được coi là nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới mà không có thương hiệu nhận diện, cuối năm 2018, tại Festival lúa gạo lần 3 được tổ chức tại tỉnh Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức công bố logo thương hiệu gạo Việt, đánh dấu cột mốc gạo Việt Nam chính thức có thương hiệu, sau hàng chục năm tham gia vào thị trường xuất khẩu và giữ vị trí thứ hai, thứ ba trên thế giới. Các chuyên gia nhận định, việc có được thương hiệu là bước ngoặt tạo đà cho sản xuất và thương mại lúa gạo.

thuong hieu quoc gia cho nong san viet van yeu va thieu
Thiếu thương hiệu là một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt Nam dễ bị tổn thương khi thị trường có biến động

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít những nông sản đến thời điểm này có thương hiệu. Hiện, phần lớn nông sản Việt chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng không nhiều, công nghệ chế biến sau thu hoạch còn kém, sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam chưa được người tiêu dùng nước ngoài biết đến nhiều vì hàng hóa nông sản xuất khẩu vẫn còn phải thông qua các doanh nghiệp trung gian nước ngoài hoặc gia công chế biến cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Điều này thể hiện rõ nhất ở các ngành hàng cà phê, hồ tiêu… Thiếu thương hiệu là một trong những nguyên nhân làm nông sản Việt Nam dễ bị tổn thương khi thị trường có biến động.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân khiến việc xây dựng thương hiệu nông sản thực phẩm Việt Nam gặp khó khăn do chất lượng sản phẩm không đồng đều, ổn định, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường gây ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, do đó làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cần có chiến lược bài bản

Ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC), Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định, chiến lược bài bản xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản xuất khẩu chủ lực Việt Nam, đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong việc xuất khẩu nông sản.

Để làm được việc này, ông Đặng Đức Thành cho rằng, nhà nước cần sớm bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam đối với hàng hóa nông sản theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn thế giới; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý... đối với nông sản xuất khẩu chủ lực; nhân rộng mô hình sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP...

Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình quảng bá hình ảnh quốc gia, xúc tiến thương mại quốc gia với các thị trường trọng điểm và các thị trường tiềm năng sau khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết. Việc triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cần tập trung vào từng mặt hàng, từng thị trường, tránh tình trạng dàn trải, thiếu chiều sâu như hiện nay.

Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành nông sản Việt Nam trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng hiện nay, hướng tới xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu mục tiêu. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành trong công tác xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam. Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản Việt Nam thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại...

Muốn thúc đẩy xuất khẩu, cùng với việc làm tốt công tác sản xuất, chế biến, Việt Nam phải từng bước xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm, để thu hút khách hàng trong và ngoài nước.

Theo Thanh Hà (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Thương hiệu quốc gia, nông sản Việt, yếu và thiếu