Bảo vệ thương hiệu Việt: Doanh nghiệp cần chủ động

Trái với xu hướng xây dựng, phát triển và mua bán sáp nhập thương hiệu ở thị trường trong nước, việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn khá hiếm hoi.

Những bài học đắt giá

Thương hiệu đóng vai trò định giá trong các thương vụ mua bán và sáp nhập của DN. Tuy nhiên, nhiều DN trong nước vẫn chưa thực sự chú trọng tới việc bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá cũng như thương hiệu trên thị trường xuất khẩu. Thực tế đã có những bài học đắt giá trong vấn đề này. Cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam được định vị với mùi vị thơm ngon, chất lượng tốt, song nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” đã bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee., Ltd có trụ sở tại tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc đăng ký độc quyền tại Trung Quốc.

bao ve thuong hieu viet doanh nghiep can chu dong

Việc bảo vệ thương hiệu giúp doanh nghiệp an toàn tiếp cận thị trường xuất khẩu

Tại Hàn Quốc, ông Lee Mi Hyang - Giám đốc một DN vừa và nhỏ cũng đã đăng ký nhãn hiệu trong đó có từ “Buon” cho 30 nhóm sản phẩm cà phê. Nguyên nhân là do Đăk Lăk đã đăng ký chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột tai Viêt Nam nhưng không đăng ký ra pham vi toàn cầu theo Hệ thống Madrid. Thêm một minh chứng ở quy mô rộng hơn, Hoa Kỳ vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, thế nhưng hiện Việt Nam mới chỉ có 1.938 thương hiệu được đăng ký với Cục Sáng chế và bảo vệ thương hiệu Hoa Kỳ, trong đó chỉ có 1.090 thương hiệu đang tồn tại.

Đại diện Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ từng khuyến cáo, có không ít nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị đăng ký trước tại Hoa Kỳ. Việc lấy lại thương hiệu sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Thậm chí có trường hợp, DN phải bỏ tiền mua lại thương hiệu của chính mình với giá cao hoặc chấp nhận sử dụng một thương hiệu khác trên đất Hoa Kỳ.

Đại diện Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam cũng khẳng định, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc đăng ký thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu sẽ góp phần giúp DN nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc được bảo hộ về mặt pháp lý và gia tăng giá trị kinh tế cho hàng xuất khẩu.

Nhà nước định hướng, DN chủ động

Về nguyên nhân của tình trạng trên, chuyên gia cho rằng, bản thân DN thường chỉ quan tâm đến xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác xuất khẩu, nghiên cứu thị trường, tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu, văn hóa tiêu dùng nước sở tại, các rào cản thuế quan… mà chưa để tâm đến vấn đề về quy định bảo hộ nhãn hiệu. Thương hiệu hay dịch vụ của DN là hình ảnh đại diện của đất nước trong bối cảnh hội nhập. Yêu cầu đặt ra là DN phải đăng ký bảo hộ thương hiệu để tránh tranh chấp thương hiệu cũng là tránh thiệt hại về kinh tế.

Đồng hành với cộng đồng DN trong nước thực hiện công việc khó khăn này, nhiều năm qua, thông qua Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG), Ban Thư ký chương trình đã tích cực xây dựng quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới DN tầm quan trọng của việc đăng ký xác lập quyền sở hữu tại Việt Nam cũng như nước ngoài.

Với vai trò chủ trì thực hiện Chương trình THQG, Bộ Công Thương đã, đang va sẽ tiếp tục chỉ đaọ thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ, tư vấn cho DN thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại các địa bàn phụ trách. Thương vụ có nhiệm vụ cung cấp thông tin về pháp lý liên quan tới bảo hộ thương hiệu sản phẩm, thực thi công tác quản lý nhãn hiệu, thương hiệu tai thị trường. Thương vụ cũng là cơ quan kết nối các cơ quan thẩm quyền hai bên trong viêc thực thi và hợp tác chống giả mạo thương hiệu.

Mặc dù Bộ Công Thương, Hội đồng THQG Việt Nam đã sát cánh với DN trong công tác đăng ký và bảo vệ thương hiệu tại thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, sự trợ sức từ cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể dừng lại ở chủ trương, chính sách. Bản thân DN cần chủ động triển khai các hoạt động cụ thể. Theo đó, DN tự bảo vệ bằng cách đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam cũng như tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng; đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cuả mình càng sớm càng tốt; đảm bảo thông tin nhất quán đến người tiêu dùng.

Khi lên kế hoạch đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường ngoài nước, DN cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ cách thức đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại nước sở tại. Thiết lập hệ thống thông tin phản hồi và cảnh báo xâm phạm thương hiệu ngay tại nước sở tại. Xem xét thành lập văn phòng đại diện tại nước ngoài để thuận tiện theo dõi việc sử dụng thương hiệu của đối thủ cạnh tranh, nhằm ngăn chặn nguy cơ bị làm mất uy tín thương hiệu của mình tại nước ngoài.

Theo Hải Linh (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Bảo vệ thương hiệu Việt, cần chủ động