“Chìa khóa” xuất khẩu cà phê bền vững

Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta trong nhóm nông lâm thủy sản song xuất khẩu mặt hàng này đang gặp nhiều khó khăn. Đầu tư cho chế biến sâu là giải pháp giúp ngành hàng này tiến tới xuất khẩu bền vững.   

Chế biến sâu, nâng giá trị

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 295 nghìn tấn, trị giá 497 triệu USD, chỉ tương đương 93,4% về lượng và 90,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2020, dự báo giá cà phê trên thị trường toàn cầu sẽ chịu áp lực giảm giá khi nguồn cung toàn cầu được dự báo khả năng tăng.

chia khoa xuat khau ca phe ben vung
Xuất khẩu cà phê hướng đến mục tiêu 6 tỷ USD năm 2030

Tuy nhiên, đi ngược với xu hướng giảm giá trị toàn cầu, nhiều sản phẩm cà phê vẫn tìm được thị trường với giá trị cao. Đơn cử, không chủ trương sản xuất và xuất khẩu ồ ạt, từ khi mới thành lập, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã chủ trương liên kết với nông dân để sản xuất ra nguồn nguyên liệu cà phê sạch, từ đó đầu tư chế biến để cho ra đời các sản phẩm cà phê hoàn chỉnh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhờ đó, đến nay, tại các trang trại cà phê của Vĩnh Hiệp tại Gia Lai, hàng nghìn gốc cà phê giống được Vĩnh Hiệp trồng để “đo” độ thích ứng với biến đổi khí hậu, rồi cung ứng cho người dân. Đồng thời, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân để đảm bảo sản phẩm có đầu ra và doanh nghiệp có được nguồn cung chất lượng cho sản xuất.

Ông Thái Như Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho hay, nhờ đó, không những Vĩnh Hiệp đã cho ra đời thành công thương hiệu cà phê organic L’amant (Người tình) với chuỗi cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh mà sản phẩm cà phê của Vĩnh Hiệp đã được phía Hoa Kỳ công nhận là sản phẩm hữu cơ và được phép xuất khẩu sang quốc gia này, mở ra cơ hội cho hạt cà phê vươn rộng ra thế giới. Thực tế, trong bối cảnh giá cà phê giảm sâu nhưng cà phê organic của Vĩnh Hiệp vẫn được bán với giá gấp 3 - 4 lần, song cung không đủ đáp ứng nhu cầu.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, thời gian qua, lượng xuất khẩu cà phê đã qua chế biến, cà phê rang xay ngày càng tăng lên. Ở thị trường trong nước, Vinacafe, Trung Nguyên và Nestlé cũng đang là những doanh nghiệp chiếm giữ thị phần cà phê hòa tan lớn nhất. Cuối năm 2018, Công ty Cà phê Tín Nghĩa đưa thêm một dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan công suất 10.000 tấn/năm vào hoạt động tại Đồng Nai, nâng năng lực chế biến cà phê hòa tan nước ta lên cao hơn nữa.

“Mặc dù trong năm 2018, lượng cà phê chế biến bao gồm hoà tan và chế biến chỉ chiếm trên 7% nhưng giá trị đem về rất cao”, ông Lương Văn Tự cho biết. Hiện nay, Việt Nam đã chủ động được công nghệ rang xay, phân loại, đánh bóng… Thậm chí các cửa hàng cà phê nhỏ cũng có thể tự mua máy rang xay sản xuất trong nước với công suất 5 - 15 kg/mẻ với giá hấp dẫn. Trong tương lai, việc đầu tư công nghệ chế biến sẽ giúp nâng tỉ trọng cà phê chế biến lên 25% trong tổng sản lượng cà phê của cả nước. Trong 10 - 15 năm nữa, giá trị thị trường cà phê Việt Nam được nâng từ 3,5 tỉ USD lên 6 tỉ USD.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ), tạo ra nhiều cơ hội cũng như triển vọng cho ngành cà phê khi Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Đến nay, cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. Cà phê bột của Trung Nguyên, cà phê hòa tan của Vinacafe không những chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà còn được hoan nghênh ở nhiều thị trường trong khu vực, đồng thời đã bước đầu xây dựng được thương hiệu cà phê Việt.

Hướng tới mục tiêu 6 tỷ USD

Để đạt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt, theo Cục Xuất nhập khẩu, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với các giải pháp tổng thể.

Cụ thể, cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả, xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa, trong đó các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng thương hiệu của riêng mình. Các doanh nghiệp cần khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần - thị hiếu - chất lượng - giá cả, từ đó xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp (bao nhiêu % sản phẩm sơ chế; % sản phẩm tinh chế) để định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình.

Về công tác xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam cần chú trọng tuyển dụng và đào tạo cán bộ có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn; chủ động tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do các Bộ, ngành, Hiệp hội tổ chức; tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế ở cả trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm bạn hàng…

Ông Lương Văn Tự chia sẻ thêm, khác với nhiều loại nông sản khác khó xây dựng thương hiệu, hiện Việt Nam có nhiều thương hiệu cà phê đã được người tiêu dùng thế giới biết đến như Vinacafe, Trung Nguyên… Chưa kể, ngày càng nhiều doanh nghiệp cà phê trẻ được thành lập để đón đầu những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do ta đã ký kết. Những doanh nghiệp này có thế mạnh là đón đầu tốt các xu hướng thương mại hiện đại, tận dụng hiệu quả phương pháp bán hàng qua thương mại điện tử, chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu. Đây chính là thế mạnh của doanh nghiệp cà phê để phát triển bền vững ngành hàng này hơn trong tương lai.

Theo Lan Phương (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : xuất khẩu cà phê