Hành vi của người tiêu dùng Việt Nam thay đổi vì dịch Covid-19

Vào quý I/2020, người tiêu dùng Việt Nam đã có xu hướng giảm đáng kể trong việc chi tiêu tiền nhàn rỗi. Người Việt Nam thừa nhận rằng họ đã chi tiêu ít hơn cho: Tiết kiệm (-4%), quần áo mới (-9%), du lịch (-5%), nâng cấp/ trang trí nhà cửa (-4%), giải trí bên ngoài (-9%) và sản phẩm công nghệ mới (-6%).

Theo Khảo sát Niềm tin người tiêu dùng được thực hiện bởi The Conference Board® và Nielsen vừa công bố mới đây cho thấy, trong quý I/2020, Covid- 19 đã làm gián đoạn cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới bao gồm cả người Việt Nam và đang làm thay đổi thái độ, hành vi và mong muốn của người tiêu dùng một cách chóng mặt.

nguoi tieu dung viet nam giam dang ke viec chi tieu tien nhan roi
Người tiêu dùng Việt Nam giảm đáng kể việc chi tiêu tiền nhàn rỗi

Bà Louise Hawley - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam - cho biết, những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh này như giảm thiểu liên lạc, từ hạn chế tương tác xã hội đến cách ly bắt buộc và đóng cửa một số hệ thống cửa hàng nhất định đã cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng vì ngày càng có nhiều hơn số người dành thời gian ở nhà, đồng nghĩa với việc họ sẽ dành ít tiền và thời gian cho bên ngoài hơn trong suốt quý - tránh các tụ điểm giải trí như rạp phim, quán bar, nhà hàng và bất cứ hình thức du lịch nào.

Báo cáo cũng chỉ ra, vào quý I/2020, các gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp vượt qua giải trí bên ngoài để tiến đến vị trí thứ năm trong top 7 khoản sử dụng tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng. Mặc dù có một sự giảm nhẹ so với quý IV/2019, Việt Nam vẫn là quốc gia có tỉ lệ cao nhất số người dùng chọn sử dụng tiền nhàn rỗi cho các gói bảo hiểm cao cấp trên toàn thế giới với 38% (-2% so với quý IV/2019).

“Người Việt Nam vẫn luôn lạc quan. Trong khi chỉ 5% nói rằng họ không lo sợ dịch bệnh, gần một nửa số người được hỏi tin rằng tình hình dịch bệnh sẽ kéo dài từ 2 - 3 tháng. Mặc dù có sự lạc quan này, những hành vi được hình thành trong khoảng thời gian cách ly xã hội sẽ có xu hướng còn tiếp diễn, bao gồm việc tự chuẩn bị thức ăn và ăn tại nhà cùng gia đình. Thêm vào đó, những người có thu nhập bị ảnh hưởng sẽ tìm kiếm những phương thức để giảm chi tiêu và thời gian này cũng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp để truyền tải những giá trị hữu ích. Mặc dù vậy, tất cả những điều trên đã làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng một cách đáng kể”, bà Hawley bổ sung.

Khảo sát niềm tin người tiêu dùng cũng cho thấy, người tiêu dùng chủ yếu xem sự lây lan của Covid- 19 là một cuộc khủng hoảng sức khỏe thay vì kinh tế. Do đó, sức khỏe đã thay thế kinh tế trở thành mối quan tâm hàng đầu ở nhiều thị trường, với tỷ lệ người tiêu dùng xác định sức khỏe là mối quan tâm lớn nhất của họ trong vòng sáu tháng tới, bao gồm cả Việt Nam. Trong quý I/2020, người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục xếp hạng sức khỏe là 49% (tăng 4% so với quý IV/2019) là mối quan tâm số 1 với mức cao nhất trên toàn cầu, tiếp theo là Pakistan (47%), Latvia (40%) và Singapore (39%). Như vậy, tại Việt Nam, sức khỏe đã và đang là mối quan tâm hàng đầu trong bốn quý liên tiếp.

Mặc dù vẫn nằm trong Top 2, có một sự gia tăng đáng kể về số người Việt Nam quan tâm đến sự ổn định công việc trong khi tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến cân bằng công việc & cuộc sống giảm mạnh, từ 27% xuống 22%. “Khi mọi người ngày càng nhận thức được tác động của đại dịch Covid- 19 đối với công việc, thậm chí là ngay trong quý một, ý định chi tiêu của họ phản ánh sự không chắc chắn này. Mặt khác, khi các công ty bắt đầu thử nghiệm làm việc tại nhà, sự giao thoa giữa cuộc sống gia đình và công việc đặt ra những thách thức nhưng cũng giúp tiết kiệm thời gian thực sự đối với nhiều nhân viên”, bà Louise Hawley cho biết.

Đáng chú ý, trong quý I/2020, có một yếu tố mới xuất hiện trong 6 mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam đó là: Phúc lợi và An khang của phụ mẫu, với 10% số người được hỏi cho biết rằng họ lo lắng về điều đó. Các lĩnh vực quan tâm khác của người tiêu dùng Việt Nam là Nền kinh tế và Chi phí thức ăn gia tăng, với mức quan tâm gần như tương đương với quý trước (lần lượt là 21% và 9%).

Theo Nguyễn Hạnh (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Hành vi của người tiêu dùng, dịch Covid-19