Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó phòng vệ thương mại

(thegioitiepthi.vn) - Để chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) ngày một gia tăng, hơn lúc nào hết mỗi doanh nghiệp, ngành hàng phải tự nâng cao chất lượng, đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, việc tự do hóa thương mại một mặt giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, nâng cao giá trị và vị thế của hàng Việt trên thị trường quốc tế nhưng mặt khác cũng đặt ra những thách thức mới trong vấn đề bảo hộ thương mại ở các thị trường.

Cụ thể, theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các biện pháp phòng vệ thương mại đang tác động tới khoảng 1.500 tỷ USD kim ngạch thương mại toàn cầu.

Đối với Việt Nam, cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng nhanh chóng thì các vụ PVTM với hàng xuất khẩu cũng tăng cả về số lượng và quy mô. Tính đến hết tháng 9/2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Đa số hàng hóa bị điều tra PVTM là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất,...

Đáng lo ngại hơn, việc gia tăng số vụ PVTM còn trực tiếp ảnh hưởng đến thương hiệu của hàng hóa Việt. Cụ thể theo bà Phạm Châu Giang, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), những vụ kiện tụng về PVTM đã gây ra không ít tổn thất cho hoạt động xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Ảnh hưởng trực tiếp đến việc tạo dựng thương hiệu của hàng hóa Việt trên toàn cầu.

Gỗ, thép là những ngành hàng vướng nhiều vụ kiện PVTM trong thời gian qua. Ảnh minh họa. TL

Trước việc ngày càng nhiều các vụ khởi xướng PVTM đối với hàng hóa của Việt Nam. Trong thời gian qua, những doanh nghiệp dẫn đầu trong các ngành nghề của mình đã có những biện pháp chủ động ứng phó.

Điển hình như với ngành hàng thép. Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Tôn Đông Á chia sẻ, từ 4 năm nay doanh nghiệp này đã dùng nguyên liệu thép cán nóng mua từ Formosa và nhập một số nguyên liệu từ Nhật Bản nên không lo ngại về nguồn gốc xuất xứ khi xuất đi các nước EU hay Mỹ.

Hay với ngành gỗ, trong thời gian qua cũng đã có những biện pháp mạnh tay đối với những doanh nghiệp mập mờ trong nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu để bảo vệ ngành này trước sức ép của PVTM gia tăng.

“Cụ thể là thông tin về những trường hợp doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân mà bắt tay với các doanh nghiệp nước khác “mượn danh” gỗ Việt Nam để xuất khẩu tới lực lượng công an điều tra. Việc này nhằm nhanh chóng tìm ra những doanh nghiệp làm sai và có hướng xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Các vụ kiện PVTM ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Ảnh minh họa. TL

Trong khi đó với ngành hàng thủy sản, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc, quản trị doanh nghiệp… đã được nhiều doanh nghiệp đầu tư hiện đại. Và hiện tại hầu hết các cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản đều được các cơ quan kiểm định quốc tế cấp chứng nhận và các tổ chức này vẫn khảo sát đánh giá lại hàng năm. Đây là “vé thông hành” tốt cho thủy sản khi xuất khẩu đi các thị trường.

Cùng với những giải pháp trên, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khẳng định đang từng ngày theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương để có thể ứng phó kịp thời với những vụ kiện PVTM.

Bà Phạm Châu Giang, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, cho biết: “Chúng tôi sẽ luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời cập nhật vụ việc PVTM. Bên cạnh đó, Phòng xử lý PVTM nước ngoài cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài cũng như cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan”.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : phòng vệ thương mại