EVFTA sẽ là nhân tố thúc đẩy thị trường bán lẻ bớt ảm đạm

Lợi thế từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được dự báo sẽ là nhân tố giúp thúc đẩy thị trường bán lẻ sau thời gian ảm đạm kéo dài vì dịch bệnh.

Nhiều thương hiệu mở rộng bán lẻ bất chấp dịch bệnh

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả cùng với các FTA thế hệ mới như EVFTA đang giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Riêng trong lĩnh vực bán lẻ, dự báo trong thời gian tới, vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào thị trường này bởi bán lẻ Việt Nam được đánh giá hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.

3551-img-6055
Tháng 4/2020, Takashimaya - điểm đến mua sắm cho khách hàng có thu nhập khá và cao, đã công bố đạt lợi nhuận đầu tiên sau khoảng 4 năm gia nhập thị trường Việt Nam.

Lý do, hiện tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ hiện đại, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%... Trong khi đó chi tiêu hộ gia đình ở Việt Nam được dự báo tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020. Do đó thị trường bán lẻ vẫn còn rất tiềm năng để nhà đầu tư nước ngoài khai thác.

Thực tế sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đã thu hút hầu hết tên tuổi bán lẻ đình đám đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… đầu tư trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú ý, năm 2020 dù thị trường đang gặp nhiều thách thức từ dịch bệnh Covid-19 nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn đổ vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Có thể kể tới như hãng thời trang Uniqlo liên tục khai trương các cửa hàng và đến tháng 6/2020 đã đạt 4 cửa hàng - đặt tại các trung tâm thương mại lớn ở TP. Hồ Chí Minh lẫn Hà Nội.

Hay với Aeon, dù dịch Covid-19 vẫn còn khá phức tạp nhưng nhà bán lẻ này đã lên kế hoạch mở khu phức hợp thương mại thứ 6 tại Hải Phòng vào cuối năm nay với vốn đầu tư khoảng 190 triệu USD. Tương tự, các thương hiệu bán lẻ khác như Ministop, 7-Eleven, FamilyMart… vẫn tiếp tục các kế hoạch đầu tư dài hạn, tiếp tục mở rộng chuỗi tại Việt Nam.

Ngoài những thương hiệu hiện hữu, dự báo trong thời gian tới thị trường bán lẻ Việt sẽ đón nhận thêm nhiều thương hiệu thời trang và phụ kiện sang trọng gia nhập vì đây là phân khúc ít chịu tác động từ đại dịch. “Các thương hiệu nước ngoài sau một thời gian yên ắng có dấu hiệu quay trở lại tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Hầu hết các thương hiệu mới này tập trung vào mảng mua sắm mang tính trải nghiệm, thời trang thể thao, sức khỏe và sắc đẹp” - bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam cho biết.

Bất động sản bán lẻ kỳ vọng “ăn theo”

Những động thái nói trên được đánh giá sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam - trong đó TP. Hồ Chí Minh là trung tâm buôn bán sôi động của cả nước đã có những chuyển biến tích cực về nguồn cung mới cho thị trường. Trong một khảo sát vừa được công bố bởi Colliers International Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh có 5 trung tâm bán lẻ dự kiến có thể đi vào hoạt động vào năm 2021. Đặc biệt, khu Thủ Thiêm ở quận 2 sẽ trở thành khu trung tâm mới của thành phố trong vài năm tới với các dự án nhà ở, cao ốc văn phòng, đây là cơ hội cũng như yếu tố thúc đẩy các dự án bán lẻ mới mở cửa.

Đáng chú ý, theo ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers International tại Việt Nam, nếu kế hoạch hợp nhất 3 quận 2, 9, và Thủ Đức được thông qua, sẽ giúp thúc đẩy việc đầu tư dự án trung tâm bán lẻ quy mô lớn tiêu biểu như Aeon Mall, Giga Mall, Central Mall West Saigon, Sense City East Saigon, và Vincom Megamall Grand Park.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực trong tháng 8 vừa qua sẽ là nhân tố giúp thúc đẩy thị trường bán lẻ bớt ảm đạm sau thời gian dài chịu tác động từ đại dịch”, ông David Jackson nói.

Theo Mai Ca (báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : EVFTA, thị trường bán lẻ