Đà Nẵng: Đảm bảo hạ tầng, tạo cơ chế đủ “hấp dẫn” nhà đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện

Đà Nẵng là thành phố tiên phong trong xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện và sử dụng xe điện. Sở Công Thương và Điện lực Đà Nẵng cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện.

 
Đà Nẵng: Đảm bảo hạ tầng, tạo cơ chế đủ “hấp dẫn” nhà đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện
Xe điện và phát triển trạm sạc xe điện là xu hướng tất yếu

Phát triển xe điện và xây dựng trạm sạc xe điện là xu hướng tất yếu

Ông Lê Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Phát triển trạm pin, Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại & Dịch vụ Vinfast cho biết, thống kê, đến hết năm 2020, toàn thế giới có 10,8 triệu xe điện đã được bán ra. Riêng trong năm 2020, đã phát triển 3,2 triệu xe. Tuy nhiên, hiện xe điện mới có mặt ở 50 quốc gia (trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật, EU….), chỉ chiếm 0,18% tổng phương tiện cơ giới. Dự kiến, đến năm 2030, sẽ có 140 triệu xe điện được sử dụng trên toàn cầu.

Xe điện đang là lựa chọn được người tiêu dùng trên thế giới ưu tiên khi mua phương tiện đi lại bởi tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng. Nghiên cứu cho thấy sử dụng ô tô điện sẽ cắt giảm tới 52% khí carbon ra môi trường so với xe thông thường (chạy bằng xăng, dầu), tỷ lệ tai nạn khi điều khiển xe điện cũng thấp hơn hẳn so với phương tiện truyền thống.

Đi cùng với sự phát triển của xe điện là việc xây dựng, phát triển các trạm sạc xe điện các loại. Đến cuối năm 2019, trên thế giới có khoảng 73 triệu cổng sạc xe điện các loại.

Tại Việt Nam, năm 2020, nước ta tiêu thụ tới 25 triệu m3 xăng dầu, hơn 50% trong số đó tiêu thụ bởi các phương tiện giao thông. Nghiên cứu cho thấy nguyên nhân ô nhiễm môi trường có một phần rất lớn đến từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Dự án an ninh năng lượng đô thị Việt Nam (thuộc USAID) cho rằng những năm gần đây, chất lượng không khí tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đang xấu dần. Vì vậy, việc khuyến khích sử dụng xe điện và trạm sạc xe điện là điều tất yếu.

Xe điện và trạm sạc xe điện hiện vẫn còn là vấn đề khá mới đối với người tiêu dùng Việt Nam. Dù vậy, khảo sát của Vinfast cho thấy có tới 33% người dùng Việt Nam có thể mua xe điện trong lần mua đầu tiên. Đây là cơ hội cho những ông lớn trong ngành chế tạo bước vào “cuộc đua” chiếm lĩnh thị phần mới.

Đà Nẵng: Đảm bảo hạ tầng, tạo cơ chế đủ “hấp dẫn” nhà đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện
Hiện mới chỉ có TP. Đà Nẵng có kế hoạch cụ thể và cơ chế khuyến khích phát triển trạm xe điện

Xây dựng cơ chế, đảm bảo hạ tầng đủ “hấp dẫn” nhà đầu tư

TP. Đà Nẵng vừa ban hành cơ chế khuyến khích phát triển xe điện và trạm sạc điện trên địa bàn. Trong đó, khuyến khích việc mua sắm công, sử dụng ô tô điện, đồng thời, có lộ trình chuyển đổi xe buýt công cộng chạy bằng xăng dầu sang sử dụng xe buýt điện, đặt mục tiêu xây dựng 300 trạm sạc xe điện đến năm 2030 trên toàn thành phố để phục vụ người dân.

Cùng với sự ra mắt của các dòng ô tô điện, Vinfast là đơn vị đầu tiên công bố lộ trình xây dựng trạm sạc xe điện trên toàn quốc. Trong đó, TP. Đà Nẵng là 1 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương nằm trong lộ trình phủ trạm sạc của đơn vị này với mật độ cứ 2km sẽ có 1 trạm sạc đối với các quận nội thành. Kế hoạch xây dựng trạm sạc của Vinfast hiện phù hợp với cơ chế khuyến khích phát triển trạm sạc xe điện tại TP. Đà Nẵng.

Thành phố hiện đang khuyến khích xây dựng trạm sạc xe điện tại các bãi đỗ xe công cộng, các điểm công cộng, và được cam kết hỗ trợ điều kiện thuận lợi nhất để khảo sát vị trí, có phương án đảm bảo cấp điện cho trạm sạc.

Ông Nguyễn Đình Tuân – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho rằng xe điện đang là xu hướng chung để thay thế cho xe chạy bằng xăng, vì vậy, việc thành phố và các cơ quan ban ngành làm cần làm là phải tạo ra được hệ thống trạm sạc điện để phục vụ, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Về phía ngành điện, ông Tuân cho biết hệ thống lưới điện trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện đã đảm bảo tương đối việc phát triển, xây dựng trạm sạc điện trong giai đoạn 1 (đến năm 2025), cũng như một phần trong giai đoạn 2 (đến năm 2030).

Đà Nẵng: Đảm bảo hạ tầng, tạo cơ chế đủ “hấp dẫn” nhà đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện
Vinfast đã công bố lộ trình xây dựng trạm sạc xe điện với mật độ cứ 2km sẽ có 1 trạm sạc xe điện ở các quận nội thành tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có TP. Đà Nẵng

Theo ông Nguyễn Đình Tuân, trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn 2021 – 2025 cũng như 2025 – 2030, Điện lực Đà Nẵng sẽ lưu ý việc đảm bảo cấp điện cho các trạm sạc làm sao thuận tiện nhất, đơn giản nhất và gần nhất. Đối với thủ tục cấp điện, hiện thời gian thực hiện thủ tục này tại PC Đà Nẵng không quá 2 ngày. Để khảo sát điểm xây dựng và lắp đặt trạm sạc xe điện, PC Đà Nẵng luôn tạo điều kiện cũng như sẽ cử cán bộ phối hợp để tìm vị trí tối ưu nhất cho các chủ đầu tư thuận tiện khi lắp đặt trạm biến áp.

Về cung cấp điện, đối với những trạm sạc công suất nhỏ hơn 80 kW có thể cấp bằng lưới điện hạ thế. Nếu nhu cầu cao hơn như ở đường cao tốc, công suất lên tới 600 kW thì phải đặt trạm biến thế và có một mạng lưới trung áp. “PC Đà Nẵng cam kết sẽ hỗ trợ và phục vụ tốt nhất việc cấp điện cho các trạm sạc xe điện”, ông Tuân nói.

Về phía chính quyền TP. Đà Nẵng, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu, xây dựng chính sách vay vốn, hỗ trợ lãi suất khi xây dựng trạm sạc. “Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư để cùng thành phố thực hiện thành công đề án”, bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng nói.

Theo Vũ Lê (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Đà Nẵng, hạ tầng, nhà đầu tư, trạm sạc, xe điện