Sức sống làng nghề mộc truyền thống Đại Nghiệp

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, làng nghề Đại Nghiệp (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều khách hàng khi lựa chọn những sản phẩm gia dụng làm từ gỗ.

 Làng Đại Nghiệp là một làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống có từ lâu đời. Nguyên tên cũ là làng Già Cầu, sau đổi thành làng Tre. Từ năm 1948, làng có tên hành chính là thôn Đại Nghiệp, còn gọi là làng Đại Nghiệp, thể hiện mong ước một mảnh đất có “nghề lớn” sẽ được trường tồn và phát triển. Nghề truyền thống ở Đại Nghiệp đã có từ rất xa xưa, nhiều thế hệ thợ tài hoa của làng đã sản xuất đa dạng các sản phẩm mộc như sập gụ, tủ chè, bàn, ghế... Nhiều loại sản phẩm đặc sắc, quý giá xuất phát từ đôi tay người thợ làng Tre đã được cung tiến vua, dùng trong cung đình và các gia đình quyền quý.

Người thợ Đại Nghiệp quanh năm luôn bận rộn, làm không hết việc.

 Về thăm Đại Nghiệp, đặt chân đến đầu làng, hiện ra trước mắt tôi là khung cảnh nông thôn mới khang trang, hiện đại. Những con đường bê tông, những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, những cột đèn cao áp, những panô, biển hiệu hai bên đường tạo nên dãy “phố làng” hiện đại.   Nhưng nổi bật nhất chính là tiếng cưa, tiếng đục, tiếng bào lách cách, râm ran của các xưởng mộc vang lên rộn rã, vui tai. 

   Anh Nguyễn Xuân Thành, hội viên Câu lạc bộ làng nghề thôn Đại Nghiệp chia sẻ: Dựa vào thơ ca của làng, thơ ca từ các nơi thu thập được và theo các bậc cao niên trong làng kể lại, nghề mộc ở làng Tre xuất hiện từ khoảng thế kỷ 18. Sản phẩm chủ yếu của làng mộc Đại Nghiệp là các loại đồ gỗ cao cấp như sập, tủ quần áo, tủ thờ, khay, hộp, bàn, ghế, giường... với những hoa văn, đường nét chạm trổ tinh vi gắn với các tích truyện dân gian. Tất cả các sản phẩm đều được chăm chút rất cẩn thận, tỷ mỉ. Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm chủ yếu là gỗ gụ, ngoài ra còn có gỗ hương và các loại gỗ mới nhập khẩu từ Nam Phi, Lào, Căm-pu-chia... Với các mặt hàng đa dạng về chủng loại và mẫu mã, những sản phẩm gỗ gia dụng của người dân Đại Nghiệp đã và đang chiếm lĩnh thị trường tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, những sảm phẩm tinh xảo, chất lượng còn được xuất khẩu sang nước ngoài.

Sản phẩm gỗ gia dụng do đôi bàn tay người thợ Đại Nghiệp làm ra

 Nghề mộc truyền thống không chỉ giúp Đại Nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp độc đáo mà còn giúp giải quyết công ăn, việc làm cho lao động nông thôn. Ghé thăm xưởng phun sơn của ông Nguyễn Ngọc Thỏa, chúng tôi bắt gặp không khí lao động hăng say của những người thợ. Ông Thỏa chia sẻ, hiện trong xưởng có 20 thợ giấy ráp, 3 thợ sơn, công việc của họ là đánh giấy ráp khô và phun sơn các loại đồ gỗ mỹ nghệ, bàn ghế, giường tủ, sập gụ tủ chè, chạm khảm…

Hiện nay, Đại Nghiệp là một trong những làng nghề phát triển nhất Phú Xuyên. Đại Nghiệp có trên 600 hộ thì có đến hơn 80% số hộ làm nghề, thu hút hơn 1.000 lao động trực tiếp và nhiều hộ gia đình sản xuất vệ tinh quanh vùng.

Trải qua hàng trăm năm gìn giữ và phát triển, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, các nghệ nhân, thợ giỏi làng Đại Nghiệp luôn đau đáu với tình yêu nghề da diết, mong muốn giữ gìn và phát triển những nét tinh hoa của làng nghề truyền thống mà cha ông để lại.

Theo phuxuyen.hanoi.gov.vn(Xuân Cương/hanoi.qdnd.vn)

Từ khóa : nghề mộc