Giới Thiệu Táo Và Kiwi Pháp Tại Việt Nam
Hơn 1 năm - kể từ khi Việt Nam chính thức cho phép táo Pháp nhập khẩu trở lại sau lệnh cấm vận vào năm 2012, táo Pháp đã được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận nhiệt tình thông qua các kênh bán lẻ như siêu thị (Big C, Coopmart, Mega Market, Auchan, Satra,…), chợ truyền thống. Tuy nhiên hiểu về táo Pháp với cách trồng trọt, bảo quản sau thu hoạch,… vẫn còn khá mới và ít thông tin.
Nhân dịp Kiwi Pháp lần đầu tiên được phép nhập khẩu vào Việt Nam, mới đây, Hiệp hội trái cây và Bộ Nông Nghiệp Pháp tổ chức sự kiện “Trái cây Pháp, xin chào!” để giới thiệu một cách khái quát nhất đến người tiêu dùng và giới truyền thông về chất lượng và an toàn của Táo, Kiwi Pháp.
Táo Pháp
Pháp là nước sản xuất táo đứng thứ 3 Châu Âu, sau Phần Lan và Ý. Sản lượng táo tại Pháp là 1.620.000 tấn/năm. Phương pháp sản xuất chất lượng cao, thân thiện môi trường và an toàn thực phẩm được áp dụng trên tất cả nhà vườn tại Pháp. Quy trình thu hoạch và xuất khẩu của táo Pháp đều theo tiêu chuẩn châu Âu. 50% sản lượng táo được phân phối trong các kênh siêu thị vì yêu cầu nghiêm ngặt phải bảo quản lạnh từ 5-80C để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Các giống táo Pháp tiêu thụ nhiều nhất : Rein des Reinettes, Elstar, Honeycrunch, Tentation, Ariane, Jazz, Johagold , Braeburn, Pink Lady, Pomme du Limousin AOP, Gala, Golden, Les Rouges, Fuji, Granny Smith, Anteres, Belle de Boskoop, Belchard Chantecler,…
Kiwi Pháp
Pháp là nước có sản lượng kiwi đứng thứ 3 Châu Âu sau Ý và Hy Lạp. Kiwi là trái cây xuất khẩu của Pháp, cứ 3 trái kiwi thì có 1 trái dành cho thị trường xuất khẩu. Trong năm 2015, lượng xuất khẩu sang châu Á tương đương với 9100 tấn kiwi Pháp. Pháp có thể xuất khẩu sang nhiều nước khác nhau trong số đó có nhiều nước yêu cầu kiểm dịch thực vật cao.
An toàn cho người tiêu dùng và thân thiện môi trường là cam kết của các nhà vườn Pháp. Tôn trọng tự nhiên trong trồng trọt, nhà vườn Pháp áp dụng các phương pháp tích hợp để chống lại sự tấn công của sâu bệnh hoặc bệnh tật. Không can thiệp khi mới xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của sâu, bệnh, mà chỉ can thiệp khi sự tấn công này đã đạt đến một mức độ gây hại. Người trồng thường sử dụng bẫy côn trùng bằng nhựa thông để bẫy côn trùng.
Sau khi thu hoạch, trái cây sẽ được đưa về các trạm lưu kho được trang bị phòng lạnh hoặc phòng có kiểm soát áp suất khí quyển để có thể bảo quản cách ly từ 1 tuần đến vài tháng. Quy chuẩn Châu Âu và Pháp không cho phép bảo quản và đánh bóng Táo bằng hợp chất nhân tạo mà phải sử dụng hợp chất tự nhiên, do đó hình ảnh táo Pháp không bóng bẩy đẹp mắt và phải tuân thủ nhiệt độ bảo quản trong khâu bán hàng (táo Pháp khó đảm bảo chất lượng khi bán ở điều kiện nhiệt độ nắng nóng bên ngoài ở Việt Nam).
Dịp này, dưới sự hỗ trợ của Bộ Nông Nghiệp Pháp và Hiệp hội trái cây Interfel, Sopexa kết hợp với các siêu thị và nhà nhập khẩu tổ chức giới thiệu Táo & Kiwi Pháp tại các hệ thống siêu thị (Big C, Auchan, Mega Market, Aeon, Lotte, Satra) bằng cách mời khách dùng thử sản phẩm và có quà tặng kỷ niệm cho khách mua sản phẩm trái cây Pháp.
Để biết thêm thông tin vui lòng tham khảo www.lapomme.org
Theo Ngày Mới Sài Gòn - NXB Thanh Niên
Từ khóa : Lãnh sự Pháp