Nhà báo - doanh nhân Minh Thuý: Tôi khởi nghiệp khi bị “đuổi” việc nhiều quá!

BizLIVE - "Hồi làm phóng viên, lúc đó mức lương của tôi đạt mức ngàn đô. Nhưng mà cứ được một thời gian công ty tôi đang làm lại giải thể, vì các sếp muốn có lời ngay trong năm đầu tiên (đó là điều không tưởng với ngành báo in, báo mạng). Kéo theo đó là nhiều nhân viên như tôi khóc dở mếu dở vì bị nghỉ việc". 

Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Thuý.
 
Nhà báo Nguyễn Thị Minh Thúy – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trường Sơn Media đã chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện với BizLIVE dịp sắp bước sang năm Đinh Dậu 2017.
Năm 2016 vừa khép lại, bước sang năm mới 2017, chị đã có kế hoạch gì ấp ủ cho công việc chưa?
Năm 2016 có thể nói là một năm hài lòng của tôi với sự nghiệp phát triển, gia đình hạnh phúc. Năm qua, công ty chúng tôi đã ghi điểm trong sự tín nhiệm của nhiều đối tác. Để có được thành công này là nhờ rất nhiều vào sự ủng hộ từ bạn bè, đối tác, nhân viên và gia đình. 
Năm 2017 tôi dự định sẽ chuyển giao “quyền quyết định” nhiều hơn cho nhân viên để các bạn có vai trò hơn, vị thế hơn và đặc biệt có... nhiều tiền hơn.
Tôi muốn nhân viên của tôi cảm thấy đủ đầy và hạnh phúc khi làm chung. Bản thân tôi có nhiều thời gian dành cho bạn bè hơn, quan tâm và họp mặt bạn bè nhiều hơn. Tôi muốn cùng ông xã đi du lịch nước ngoài nhiều hơn.
Nhiều gia đình chọn đi du lịch vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình chị thì sao? Nếu không thì chị thường dành dịp này làm gì?
Tôi cực kỳ tán thành ý tưởng đi du lịch vào dịp Tết Nguyên đán! Đời người có mấy chục cái Tết, nên đi khắp nơi để biết nhiều, khám phá nhiều hơn phong tục tập quán Tết của nhiều nơi. V theo tôi, đi du lịch cũng là một cách “trốn” nếu cảm thấy Tết nhất quá rườm rà với nhiều lễ nghi của Việt Nam. Đây là cách “giải phóng” cho chính mình! 
Với bản thân tôi, từ khi lập gia đình, 6 năm nay Tết nào tôi cũng cùng ông xã về Hà Nội ăn Tết với mẹ chồng. Cả năm ở Sài Gòn rồi nên Tết ưu tiên mẹ chứ. Tôi được điều may mắn là ba mẹ chưa bao giờ cảm thấy phiền lòng vì việc con gái lấy chồng xa nên không ở lại Sài Gòn ăn Tết. Hơn nữa, tôi cũng là một cô dâu may mắn vì Tết là thời gian an dưỡng của tôi, tôi chỉ việc về Hà Nội tung tăng đi chơi, ăn ngủ nghỉ. Gia đình chồng chỉ mong nhìn thấy con dâu chứ không yêu cầu lễ nghi, bếp núc gì rườm rà.
Là một doanh nhân chắc hẳn gần Tết công việc sẽ rất bận rộn. Chị có phải quán xuyến công việc sắm Tết không? Chị có nghĩ chúng ta nên hoang phí cho Tết không, vì cả năm chỉ có một dịp mà?
Tôi có một may mắn là mấy năm nay không hề phải sắm Tết. Bạn bè, đối tác tặng cho tôi đủ đầy từ quả bưởi, dưa hấu quê không tiêm thuốc; đến con gà, cây chả, lạp xường; cả gạo sạch thơm; từng hũ củ kiệu, dưa mắm, tôm chua; bánh kẹo chẳng thiếu gì. Quà Tết của tôi đủ biếu bố mẹ ở Sài Gòn, mang về Hà Nội ăn Tết. Tôi cảm thấy hạnh phúc lắm! 
Về quan điểm cho rằng người Việt còn hoang phí cho Tết, một số khác lại cho rằng “cả năm chỉ có 3 ngày Tết” nên phải chu đáo, sung túc; tôi thấy cả hai đều đúng. Tôi nghĩ chúng ta đừng nên phản biện truyền thống quá nhiều! Chúng ta là người Việt, tôi nghe 3 từ “Tết cổ truyền” vẫn cảm nhận thiêng liêng lắm! Làm cả năm lo 3 ngày Tết là điều đương nhiên. Bạn biết không, ông bà, trẻ em mong lắm 3 ngày Tết được gặp mặt con cháu, được chúc Tết, được lì xì... Tại sao chúng ta lại muốn tước mất những niềm vui đó!
Ừ, cứ hoang phí chút đi, mà mang lại niềm vui cho gia đình, khi cảm thấy mình đang mang lại hạnh phúc cho nhiều người như thế bạn sẽ cảm thấy bớt áp lực về Tết vì tài chính, vì bộn bề lo toan.
Theo chị có nên gộp 2 dịp nghỉ Tết dương lịch và Tết âm lịch như một số nước châu Á khác? 
Tôi chưa một lần tham gia vào việc tranh luận này! Cá nhân tôi thực sự không thích việc một vài năm gần đây sự a dua trên mạng xã hội bởi việc tự do ngôn luận làm thay đổi một số vấn đề về “nhân sinh quan”. 
Tôi chỉ nói thế này: Dương lịch thể hiện năm tài khoá. Âm lịch là Tết truyền thống. Nếu muốn bỏ Tết cổ truyền thì bạn đừng sống trên lãnh thổ Việt Nam nữa! Còn muốn bỏ Tết Dương lịch thì bạn đừng làm việc với người nước ngoài nữa. Cái gì ra cái đó! Nhưng phải rõ ràng rằng Tết Dương lịch chúng ta chỉ nghỉ để hòa cùng thế giới, để các đối tác nước ngoài hưởng Tết của họ. Đừng làm rối lên chứ! Tết Dương đơn thuần chỉ là nghỉ làm 2-3 ngày thôi, có liên quan gì phong tục tập quán đâu mà!
Chị cảm nhận như thế nào về kinh tế năm vừa qua. Đâu là điểm sáng nổi bật, có sức lan toả đặc biệt đối với cộng đồng doanh nhân. Dự cảm của chị về 2017? 
Đây có phải là năm có nhiều tiền đề thuận lợi cho kinh tế phát triển tốt? Tôi nghĩ năm nào cũng có khó khăn nhưng càng khó khăn bao nhiêu thì càng tạo sức ép, huy động nội lực, động lực để tăng trưởng. 
Năm 2016 tôi thấy kinh tế có nhiều khởi sắc, tôi tin sẽ là tiền đề cho 2017, hơn nữa 2017 APEC được tổ chức tại Đà Nẵng sẽ là tiền đề có sức bật nhất cho mọi mặt của chúng ta kể từ đầu năm. Tin vui là báo cáo của chính phủ về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian “im ắng” có tăng và giảm số doanh nghiệp phá sản trong năm 2016. Đó là niềm tin cho cộng đồng doanh nhân để phát triển hơn trong 2017.
Xuất phát từ một phóng viên, bén duyên thế nào đã đưa chị đến với con đường kinh doanh? 
Tôi đang kinh doanh một ngành rất đặc thù. Vốn của tôi chỉ là con người và chất xám. Tôi bán “cái chữ”. Và tôi đang “truyền nghề” cho nhân viên của mình.
Nói ra thì khá buồn cười. Hồi làm phóng viên, lúc đó mức lương của tôi đạt mức ngàn đô. Nhưng mà cứ được một thời gian công ty tôi đang làm lại giải thể, vì các sếp muốn có lời ngay trong năm đầu tiên (đó là điều không tưởng với ngành báo in, báo mạng). Kéo theo đó là nhiều nhân viên như tôi khóc dở mếu dở vì bị nghỉ việc. 
Tôi rất ức nên bàn với chồng mở ra làm riêng, kéo các nhân viên đang thất nghiệp về làm, trước mắt cho họ có công việc, đủ sống. Và tôi mất 2 năm đi làm cho các công ty ngoài, 2-3 job (Thư ký tòa soạn, cố vấn nhân sự, điều hành kinh doanh...) để lấy lương về nuôi công ty, không cần nóng ruột về việc công ty phải có lời. 
Tôi nói với nhân viên làm văn hoá đừng khát tiền vội. Và đúng thế, hết giai đoạn đầu tư 2 năm, công ty tôi phát triển và phát triển mỗi năm một tốt hơn, tôi cứ tiếp tục mở rộng và sau 5 năm thì công ty tôi đã có vị thế như hôm nay!
Chị có thể chia sẻ đôi chút về những sự thú vị của một nhà báo kiêm vai trò người đứng đầu doanh nghiệp? 
Tôi chẳng được gì chỉ được cái rất tự hào về vai trò của mình trong công ty (cười lớn). Bất kể lúc nào tôi cũng có thể làm gương cho nhân viên ở bất kể vị trí nào năng suất của sếp cũng gấp 2-3 lần các bạn.
Sếp nhưng có thể viết, biên tập, thiết kế, đọc morass, design logo... Sếp có thể “ngọt như mía lùi” với khách, nhưng sếp này luôn sẵn sàng bỏ khách nếu khách xúc phạm nhân viên của mình.
Tôi luôn nói với phóng viên của tôi: Chúng ta bán chữ, làm văn hoá, nên trước tiên chúng ta phải có Tâm, có văn hóa trước; và yêu cầu khách phải tôn trọng chúng ta! Tôi luôn nghĩ nhân viên là gia đình thứ hai của mình! Và song song đó, tôi biết các bạn rất yêu tôi, không chỉ là nể sếp. Vậy là tuyệt vời rồi!
Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, chị có muốn dành tặng lời chúc đến độc giả của BizLIVE?
Tôi xin gửi lời chúc đến các độc giả BizLIVE một năm mới ngập tràn sức khoẻ và gặp thật thật nhiều may mắn.
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện này!
 

Theo N.MẠNH (BizLive.vn)

Từ khóa : Nhà báo - doanh nhân,khởi nghiệp