Doanh nghiệp Nhật vẫn “đỏ mắt” tìm nhà cung cấp Việt

BizLIVE - Nhật Bản vẫn coi trọng mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhưng tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật tại đây mới chỉ đạt 34,2%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Nhật Bản luôn nằm trong Top các nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam và có gần 70% các doanh nghiệp của đất nước Mặt trời mọc có kế hoạch tăng đầu tư tại đây. Tuy vậy, một trong những rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng là ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu.
Nhằm kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của hai nước, Triển lãm gia công phụ tùng Nhật Bản 2017 đã khai mạc sáng ngày 23/2 tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của 20 doanh nghiệp có tên tuổi của đất nước Mặt trời mọc như Canon, Honda, Mitsubishi Electric, Sony, RICOH và Toyota Motor.
Phát biểu tại triển lãm, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam, cho biết, 70% doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó khăn trong việc nội địa hóa nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện.
“Mặc dù tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam là 34,2%, có tăng so với các năm trước, nhưng “nội địa hóa” vẫn là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp Nhật hoạt động trong ngành công nghiệp chế tạo,” ông Kawada nhấn mạnh.
Tại triển lãm lần này, JETRO hỗ trợ 20 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia triển lãm với tư cách là bên mua hàng. Đồng thời đây là lần đầu tiên JETRO sử dụng kết hợp hệ thống Pre-matching để hỗ trợ các doanh nghiệp trao đổi và kết nối hiệu quả hơn.
Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2016 đạt 34,2%, tăng nhẹ so với mức 32,1% năm 2015. Tỷ lệ này cao hơn Phillipines (31,6%), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%), Indonesia (40,5%) và Malaysia (36,6%).
Do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn muốn tìm kiếm các nhà cung cấp tại Việt Nam để giảm giá thành sản xuất và tăng cường tính cạnh tranh. Thế nhưng, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn “đì đẹt” sau nhiều năm.
Trao đổi với BizLIVE, đại diện Honda Motor Việt Nam tại triển lãm cho biết tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp này trong ngành xe máy là 90%, còn tỷ lệ đối với ngành ôtô mới chỉ đạt 16%.
“Hiện tại, đối với các tiêu chuẩn chung của ngành công nghiệp ôtô, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm bắt hết các tiêu chuẩn đó. Chúng tôi cũng mong muốn tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nội nhưng đáng tiếc là họ chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của Honda Việt Nam”, vị đại diện nói.
Ông Nguyễn Ngọc Thiệu thuộc Bộ phận mua hàng của Công ty TNHH Sản phẩm RICOH Imaging Việt Nam (chuyên cung cấp thiết bị chụp ảnh) nói rằng, công ty có khoảng 100 nhà cung ứng. Tuy vậy, chỉ có khoảng 25 nhà cung ứng tại Việt Nam, trong đó không có doanh nghiệp Việt Nam nào cung ứng được linh kiện.
“Chỉ có một số rất nhỏ cung ứng được túi ni-lông và xốp. Ngày trước, một số còn cung ứng được bao bì các-tông, nhưng đến nay các-tông cũng không làm được do họ không duy trì được chất lượng, về cả kích thước lẫn độ sạch, khiến chúng tôi phải mua bao bì các-tông của doanh nghiệp Nhật”.
Một số doanh nghiệp Việt Nam thậm chí còn muốn có đơn hàng lớn, dù họ không phải là doanh nghiệp có quy mô lớn. “Chính vì thế họ mất đi khách hàng”, ông Thiệu nói thêm.
Một số hình ảnh tại buổi triển lãm:
 
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm gia công phụ tùng Nhật Bản 2017 và Hội chợ giao thương ngành chế tạo (FBC). Ảnh: Minh Tuấn
 
Một gian hàng của RICOH.
 
Một doanh nghiệp cơ khí chính xác trưng bày các phụ tùng để tìm kiếm đối tác Việt Nam.
 
Triển lãm có khu vực dành cho các đối tác tiềm năng trao đổi với nhau
 
Theo Minh Tuấn (BizLive.vn)

Từ khóa : Doanh nghiệp Nhật