Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần : Hiệu đính và chú giải - Hai công đoạn vô cùng quan trọng của mọi công trình dịch thuật

Mấy chục năm qua, xã hội rộng lớn đã quá quen thuộc với tiếng nói và ngòi bút của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần. Ông đã và đang sở hữu một kho tư liệu cổ học rất lớn, một kho trước tác phong phú và rất đáng nể.

Tuy nhiên, bước vào căn nhà của ông, ấn tượng đầu tiên lại là cây đàn Piano và một số nhạc cụ khác. Hóa ra ông và phu nhân của ông đều mê âm nhạc, lúc mệt nhiều cứ mở đĩa ra nghe, lúc mệt ít cứ tự mình thưởng thức tiếng nhạc của mình. Tuy chỉ là người hoàn toàn tự học nhưng nhạc lý của ông khá tốt, có thể ký âm không ít bài dân ca và một số bài ký âm ấy đã được cho in trong sách. Cũng chỉ là bắt chước cổ nhân, cố gắng theo đuổi đam mê thú vui tao nhã là cầm kỳ thi họa thôi mà. Ông vui vẻ giải thích cho tôi nghe như vậy. Tuy đã gặp và phỏng vấn ông đến mấy lần rồi nhưng đây là lần đầu tiên ông cho phép tôi được tham quan phòng làm việc của ông. Đó là một căn phòng rộng rãi với đầy đủ tiện nghi hiện đại. Tôi không nghĩ một người đã về hưu gần hai chục năm như ông vẫn có thể thực hiện các thao tác kỹ thuật trên các phương tiện tiên tiến vừa nhanh vừa chuẩn xác như vậy. Và tôi đã bắt đầu cuộc trò chuyện với ông trong căn phòng thoáng mát rất dễ chịu này.

Thưa ông, tôi có cảm giác như tôi đã thấy căn phòng này ở đâu đó rồi thì phải ? 

   Nghe có vẻ nghịch lý nhưng quả thật đúng là như vậy. Đài truyền hình Việt Nam (VTV), đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV), đài truyền hình BBC của Anh quốc, đài truyền hình nhiều địa phương, máy ghi hình của các Media và đài truyền hình VTV8 thực hiện chương trình Tự hào miền Trung cũng ghi hình tôi ở đây. Ắt vì lý do này, nhà báo mới có cảm giác quen quen khi bước vào. Hình như ở dưới phòng khách, cảm giác đó còn lớn hơn vì căn nhà này chí ít cũng đã có hàng trăm lần được ghi hình. Hãy thông cảm cho tôi, dẫu sao tôi cũng thuộc loại cao niên nên cất công đi đến các phim trường ngại lắm.

 

 

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần

Thưa ông, ông có thể cho phép tôi đếm từng quyển sách của ông đã được xuất bản và nhiều lần tái bản đang lưu trữ tại đây, đồng thời đo tổng chiều cao của sách ông được không ạ ?

   Nhà báo cứ tự nhiên. Trước đây, phóng viên đài truyền hình BBC của Anh quốc đã đếm rất kỹ nhưng hồi đó số sách của tôi được xuất bản và tái bản có phần ít hơn hiện nay một chút. Lý do cũng bởi có những cuốn hoàn toàn mới.

Thưa ông, tổng số sách tôi đếm được nhiều hơn chứ không phải 315 cuốn như các tài liệu đã giới thiệu. 

   Đơn giản thôi nhà báo ạ. Trong tổng số 315 cuốn đã được xuất bản và nhiều lần tái bản, tôi vẫn chưa kể đến sách sáng tác. Gần 50 năm trước tôi từng làm thơ, làm rất nhiều là đàng khác nhưng xin được thú tội, hồi đó tôi cố gắng làm để Ban Văn nghệ đài phát thanh Giải phóng giới thiệu và nghe thơ tôi, gia đình cũng như bạn hữu ở miền Bắc biết tôi còn sống. Các nhà xuất bản quý mến nên đã cho xuất bản thơ của tôi. Vì lẽ này, hồi đó cũng từng có nhiều người cao hứng gọi tôi là nhà thơ. Ôi, hú vía. Đến năm 1975, tôi cai hẳn chuyện làm thơ, chỉ làm câu đối, câu liễn bằng chữ Hán theo yêu cầu của Ban quý tế các đình và đền. Trong nước và ngoài nước đều có. Cách nay hơn 30 năm, tôi còn viết kịch bản phim Tài liệu Khoa học nữa. Phim Về những tấm bia mới dựng do tôi viết kịch bản được trao Huy chương Bạc liên hoan phim truyền hình toàn quốc. Nói chung những gì thích viết và có thể viết, tôi đều cố gắng viết chứ đâu phải chỉ viết sách khảo cứu.

Tôi đã cố gắng đo rất cẩn thận nhưng thấy tổng số sách của ông sắp lại cao gần 9 mét chứ không phải là hơn 8 mét ạ. 

   Nhà báo đo không sai nhưng nhà báo đã tiện thể đo luôn số sách do nhà tôi viết. Tính đến nay nhà tôi (Chuyên gia Tâm lý, Thạc sĩ Lý Thị Mai) đã có 39 cuốn được xuất bản. Chỉ tính riêng mấy tháng cuối năm 2016 tới nay, nhà tôi đã có 16 cuốn được xuất bản, tuy có số bản in rất lớn nhưng đều đem tặng cho cộng đồng chứ không thu về bất cứ một khoản tiền nào. Hôm chúng tôi làm lễ trao tặng sách, có người nói đùa rằng, hình như đam mê viết sách cũng là một căn bệnh lây nhiễm rất nhanh.

Thưa ông, trong kho sách của ông, tôi không thấy cuốn độc bản khổ lớn ?

   Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng hẳn nhà báo cũng rõ, sách độc bản tất nhiên chỉ có một bản và cuốn độc bản đó gia đình tôi đã trân trọng trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Từ Hà Nội, lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã vào đây để nhận. Hiện tại, sách đang trưng bày trang nghiêm ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Thực ra gia đình chúng tôi đã tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia không phải một cuốn mà là 3 cuốn :

  • Một là TỔNG TẬP SẮC PHONG VIỆT NAM (Tập 1). Cuốn này nếu kể cả giá đỡ nữa nặng 150 kg. Giá trị của một cuốn sách không phụ thuộc vào khổ lớn hay cân nặng nhưng đó là một cố gắng của chúng tôi. Sở dĩ tôi đề là tập 1 vì…nhà báo xem đây, trong computer này của tôi còn có hàng ngàn bản chụp sắc phong. Tập 2, tập 3 và nhiều tập nữa sẽ dành để giới thiệu kho sắc phong này. Không thể nói đây là công lao của riêng tôi mà là gia sản lớn của cả họ tộc. Tại sao chúng tôi làm sách khổ lớn như vậy. Cứ hỏi mười người, chắc chắn sẽ có chín người chưa một lần tận mắt thấy tờ sắc phong. Chúng tôi cho in theo tỷ lệ 1/1 để hậu thế còn biết tờ sắc phong xưa hình thù và kích cỡ ra sao. Do sách lớn lại để trong Bảo tàng, không ai được sờ vào nên chúng tôi cho in luôn cả đĩa CD để tặng. Ai muốn tham khảo cứ việc xin phép Bảo tàng Lịch sử Quốc gia xem đĩa CD.
  • Hai là áng sử thi Việt Nam viết bằng chữ Nôm thế kỷ XIX có tên ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA . Cuốn này cách nay gần 70 năm đã được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn phiên âm nhưng vì thấy có nhiều lý do chưa ổn nên tôi phiên âm lại, có in kèm chữ Nôm để các bậc uyên thâm có thể kiểm tra lại độ chuẩn xác của chúng tôi.
  • Ba là bộ binh pháp do Lộc Khê hầu Đào Duy Từ biên soạn, nguyên tác chữ Hán, tiêu đề là HỔ TRƯỚNG KHU CƠ. Đây là bộ binh pháp vẫn còn nguyên vẹn chứ không phải đã bị người đời sau tự ý sửa chữa như bộ BINH THƯ YẾU LƯỢC của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Hơn bốn chục năm trước, tôi là người được giao trách nhiệm hiệu đính và chú giải BINH THƯ YẾU LƯỢC. Ròng rã làm việc liên tục trong mấy tháng trời, tôi mệt rã cả người. Nhà báo biết đấy, hiệu đính và chú giải một tác phẩm binh pháp viết tay bằng chữ Hán vô cùng khó khăn, chỉ cần mất tập trung hoặc sơ ý một chút đã có thể tạo ra sai sót mới. Đây, đây là cuốn BINH THƯ YẾU LƯỢC do tôi hiệu đính và chú giải, xã hội trân trọng đón nhận nên sách đã được tái bản rất nhiều lần. Với bất cứ một người cầm bút của thời nào, đó cũng là hạnh phúc, nhất là với những người cầm bút viết sách khảo cứu như tôi.

Là người bận rộn với công việc, từ giảng dạy đến quản lý đào tạo ở bậc đại học, ông làm sao có thời gian để viết sách ? 

   Tất cả chúng ta đều bình đẳng trong vòng xoay của trái đất, chẳng ai có nhiều hơn 24 giờ trong một ngày. Vấn đề còn lại là khoa học sắp xếp của từng người. Ai biết sử dụng thời gian sao cho thật sự có ích, mức độ cao thấp tuy khác nhau nhưng người đó nhất định sẽ thành công. Ngoài ra ai cũng cần có chút may mắn nữa.

 

Vậy, may mắn của ông là gì ạ ? 

   Đại để tôi có sáu may mắn lớn sau đây :

  • Thứ nhất, được cụ thân sinh và bạn của cụ là hai bậc Nho học uyên thâm trực tiếp dạy dỗ nên ngay từ nhỏ, tôi đã có thể dễ dàng làm được nhiều việc chuyên môn mà giờ đây các vị đại khoa không mấy ai làm được. Họ giỏi, rất giỏi nhưng giỏi ở lĩnh vực khoa học khác chứ không phải ở lĩnh vực này.
  • Thứ hai, kho tư liệu lớn lao tôi đang sở hữu là của gia tiên để lại, không ai giành của tôi và nếu giành được họ cũng chẳng thể sử dụng. Có người đã khuyên tôi nên chọn một số người trẻ tuổi đến làm trợ lý hoặc thư ký nhưng họ có đọc được chữ nào và có đánh máy được chữ nào mà bảo họ làm trợ lý hay thư ký. Cũng có người từng du học nhiều năm ở Trung Quốc về nhưng họ chỉ sử dụng thành thạo bạch thoại còn văn ngôn hầu như chưa biết gì, thế là tôi đành thôi.
  • Thứ ba, nhờ viết mãi quen tay nên tôi viết rất nhanh. Ngày xưa máy đánh chữ là máy cơ nhưng nay xem lại, bản thảo cũ của tôi cũng đẹp chẳng khác bản đánh máy vi tính. Ngoài viết sách, tôi còn viết báo, mỗi tháng chí ít cũng hàng chục bài, đó là chưa kể tôi còn được mời đi diễn thuyết ở khắp nơi. Mỗi chuyến đi thường là một cơ hội để tôi thu thập thêm tài liệu cho mình, trong đó nhiều nhất là những tờ thần tích. Thần tích có giá trị bổ sung và điều chỉnh rất lớn lao cho sử liệu chính thống.
  • Thứ tư, tôi viết rất nhiều sách nhưng chưa bao giờ phải tự mình đi xin giấy phép in và cũng chưa bao giờ phải tự bỏ tiền ra in. Những nhà xuất bản dù lớn đến bao nhiêu nhưng nếu có biểu hiện thiếu tin cậy, tôi cũng không đưa bản thảo cho họ. Có lúc tôi viết chưa xong nhà xuất bản đã yêu cầu đưa bản thảo tới. Chuyện đời và chuyện nghề đôi khi cũng thấy vui vui. Cơ may này đã gắn bó với tôi suốt mấy chục năm khiến tôi trở thành…tôi.
  • Thứ năm, nhờ sách tiêu thụ rất nhanh (có những quyển được tái bản tới 30 lần dù được in với số lượng rất lớn) nên tôi và gia đình vẫn ung dung sống bằng tiếng nói, ngòi bút và những công việc chuyên môn tao nhã của mình.
  • Thứ sáu, tôi rất hạnh phúc khi luôn được sống trong bầu khí êm ấm của gia đình. Đó là dưỡng chất tốt nhất. Nhiều người nhận xét là lúc nào tôi cũng tươi vui. Xin phép được quay về với quá khứ một chút. Hơn 40 năm trước, Lương y Định Ninh nhờ tôi hiệu đính và chú giải bộ HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791). Cụ Lương y Định Ninh nhờ tôi vì cụ biết rõ tôi là người từng theo Hán học và lúc đó còn trẻ nhưng rất cẩn trọng về chữ nghĩa. Đặc biệt, cụ biết tôi từng võ vẽ học Đông y. Bộ HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác gồm 28 tập, chia làm 66 quyển nhưng cụ Lương y Định Ninh chỉ có 47 quyển. Khi tôi hoàn tất, Lương y Định Ninh rất vui, tiếc là sau đó không bao lâu, cụ qua đời, tôi không rõ số phận của Bộ HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH ra sao. Tất nhiên, trong danh mục 315 cuốn của tôi, không có 47 cuốn HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH. Kể mẩu chuyện này để nói Nho y lý số luôn gắn bó với nhau nên tôi cũng sơ bộ biết cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân và đặc biệt, tôi luôn nhận được sự quan tâm săn sóc của thân nhân. Chẳng ai lòng không thanh thản lại có thể khỏe mạnh. Trong đời thường tôi sống giản dị, không rượu, không bia, không thuốc lá và ăn uống cũng chừng mực. Cả gia đình tôi đều là những người lao động rất cần cù và nghiêm túc, luôn ứng xử chân thành và giàu tình cảm với nhau. Sống trong gia đình như vậy tôi đủ tỉnh táo gạt bỏ những điều không vui có thể do ai đó cố tình hoặc vô ý tạo ra. Vả chăng, tuổi tác và chút vị thế xã hội khiến chúng tôi phải luôn biết xây dựng và bảo vệ hình ảnh của mình.

Quan điểm của ông về việc hiệu đính trước tác của các bậc kỳ tài và đặc biệt hơn nữa là hiệu đính sắc phong của triều đình xưa ?

  

   Hiệu đính và chú giải là hai phần việc không thể thiếu của bất cứ một dịch giả nghiêm túc nào nên tôi cố gắng hiệu đính và chú giải là chuyện bình thường. Trước hết là dịch. Ai đó chỉ dịch cho đúng nghĩa, còn tôi luôn cố gắng dịch vừa đúng nghĩa lại vừa đúng với niêm luật của cổ văn và đây là phần khó nhất của dịch thuật. Kế đến, nếu không hiệu đính và chú giải, bạn đọc trẻ tuổi chắc chắn sẽ rất dễ phạm sai lầm khi đón nhận bản dịch. Ví dụ :

  • Giáo sư Hoàng Xuân Hãn khi phiên âm ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA đã tự ý thêm vào không ít câu chẳng hề có trong nguyên tác chữ Nôm. Tôi vừa phiên âm vừa cho in luôn cả nguyên tác chữ Nôm ở phía sau để rộng đường suy nghĩ. Không ai phủ nhận tài năng của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nhưng thời của Giáo sư có hệ thống phương pháp luận khác với ngày nay. Thông qua hiệu đính, tôi đã cố gắng làm rõ những gì chưa rõ của áng sử thi viết bằng chữ Nôm rất quan trọng này.
  • Giáo sư Trần Quốc Vượng đã dịch cuốn VIỆT SỬ LƯỢC (tức ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC), đó là một thành công lớn. Mấy chục năm trước, tôi có gặp và trao đổi với Giáo sư là bản dịch của Giáo sư có nhiều lỗi không nhỏ. Lúc đầu Giáo sư có vẻ giận nhưng đến khi nghe tôi nhẹ nhàng phân tích, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã ủng hộ tôi. Ông nói đùa nhưng rất chân thành rằng hồi dịch VIỆT SỬ LƯỢC tớ mới 25 tuổi, là người đẹp trai và tài hoa nhất so với những chàng trai giảng dạy khảo cổ và cổ sử. Giáo sư bảo tôi hãy mạnh dạn dịch và sửa những chỗ bất ổn do tôi phát hiện. Tôi dịch ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC và chú giải công phu vì đó là lời dặn của một người Thầy tài hoa nhưng rất rộng lượng và hóm hỉnh.

 

 

Cuốn ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC do Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải

 

  • Bảng nhãn Lê Quý Đôn rất tài giỏi nhưng cũng có chỗ Bảng nhãn Lê Quý Đôn sơ suất nên hiệu đính lại cho chuẩn là việc bình thường. Ví dụ 1, Bảng nhãn Lê Quý Đôn nhiều lần nói ở phía Bắc nước ta có những con sông chảy tới phía Tây rồi ra biển nhưng ở phía Bắc nước ta chẳng có con sông nào như vậy. Ví dụ 2, Bảng nhãn Lê Quý Đôn hiểu chưa đúng về Phật học nên nhiều nhà Phật học đã có ý kiến về hiện tượng này. Ví dụ 3, vì tác phẩm VÂN ĐÀI LOẠI NGỮ chẳng khác gì một bộ bách khoa toàn thư, kiến thức trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, nếu không chú giải, việc tiếp nhận sẽ vô cùng khó khăn nên tôi mạnh dạn chú giải. Trong thực tế, lời chú giải còn dài hơn cả chính văn vì đó là yêu cầu có thật của chuyên môn.
  • Cũng có người nghĩ sắc phong thần là tối linh nên không được phép hiệu đính. Quả đúng sắc phong thần thuộc hàng tối linh nhưng nếu không hiệu đính, người đọc, kể cả người có bằng cấp cao cũng không hiểu. Ví dụ, có một số tờ sắc phong ghi là Năm Thiệu Trị thứ 3 (năm Quý Mão, 1843) nhưng năm 1843 nhuận tháng 7. Sắc phong ban vào tháng 7 nhuận vậy mà nguyên bản Hán văn một số tờ sắc phong viết thiếu chữ nhuận (閏). Tháng chính và tháng nhuận khác nhau nhiều lắm, lẫn lộn không được. Vả chăng, làm sao triều đình có thể ban tặng sắc phong khi triều đình chưa có. Nhận tờ sắc phong ấy, các địa phương sẽ tổ chức cúng sắc phong vào tháng nào ?
  • Sửa sắc phong là có tội nhưng hiệu đính và chú giải lại có công. Tất cả các tờ sắc phong tôi đều cẩn trọng dùng kỹ thuật cao để chụp ảnh lại, sau đó phiên âm, dịch thuật, hiệu đính và chú giải. Những trang này được in riêng, cốt giúp bạn đọc trẻ tuổi chưa được trang bị vốn cổ học có thể hiểu những nội dung khó hiểu. Ví dụ 1, sắc phong Phi vận Tướng quân Trung đẳng thần là sắc phong cho ai. Từ kho tư liệu riêng của mình, tôi chỉ rõ để bạn đọc hiểu rằng Phi vận tướng quân nói đây là Nguyễn Phục người làng Đoàn Tùng (sau đổi là Đoàn Lâm) huyện Trường Tân (nay là huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương). Nguyên bản tờ sắc phong này đã viết sai vì Nguyễn Phục đỗ Hoàng giáp khoa Quý Dậu, năm Thái Hòa thứ 11 (1453) chứ không phải khoa Kỷ Vị như sắc phong viết vì năm Kỷ Vị không có khoa thi nào. Trong khoa thi Quý Dậu, triều đình Hoàng đế Lê Nhân Tông (1442-1459) lấy 9 Hoàng giáp và 16 Tiến sĩ. Năm 1470 Nguyễn Phục được Hoàng đế Lê Thánh Tông (1460-1497) giao phó trách nhiệm vận chuyển lương thực bằng đường thủy vào nam để đánh Chiêm Thành. Do gặp phải gió bão lớn, ông thà chết một mình chứ không nỡ để quân sĩ chết theo. Hoàng đế Lê Thánh Tông tức giận, xử ông tội chết nhưng sau thấy rõ ông bị oan nên phong cho ông là Trung đẳng thần, cho được thờ tự. Quân dân đều nể trọng đức nghiệp của ông nên lập đền thờ ông ở khắp nơi, kể cả Nam Bộ. Ví dụ 2, Hoàng đế Thiệu Trị đã qua đời ngày 4-10-1847, tại sao đến ngày 10 tháng 12 năm 1847 nhiều tờ sắc phong vẫn ghi rõ năm Thiệu Trị thứ 7. Lý do là khi ban sắc phong, Tự Đức tuy đã lên nối ngôi nhưng đến đầu năm 1848 mới đổi niên hiệu chứ lúc này vẫn còn dùng niên hiệu của cha là Thiệu Trị, vì thế ghi là năm Thiệu Trị thứ 7. Đây chỉ là một vài ví dụ trong số hàng ngàn ví dụ về hiệu đính và chú giải sắc phong. Các bậc uyên thâm đều khen ngợi và ủng hộ tôi. Về phần mình, tôi thật sự cảm động và hàm ơn họ - những tấm gương ứng xử rất tốt đẹp của các bậc thầy.
  • Vậy chẳng lẽ một tập thể các bậc đại khoa Nho học, đông như vậy, cẩn trọng như vậy vẫn không tạo được những văn bản hoàn chỉnh hay sao. Ngày xưa không có máy in, tất cả văn bản đều được viết tay, Hoàng đế duyệt lãm, sau đó giao cho người có tài viết chữ đẹp thể hiện thành tờ sắc phong rồi đóng ấn triện nữa là xong. Vấn đề chính là đây. Chữ viết dù rất đẹp không phải lúc nào cũng đều là chữ viết đúng. Vào cuối năm 1782, Trịnh Khải (tức Trịnh Tông) được kiêu binh đưa lên ngôi Chúa và để trả ơn, Chúa Trịnh Khải đã phát cho mỗi người có công phò tá một tờ sắc phong khống để họ đưa về ghi tên thân thích của mình vào. Tôi đọc không ít những tờ sắc phong loại này và thấy lính tráng viết sai chính tả nhiều vô số. Một lần nữa, tôi không đụng tới sắc phong (dù là sắc phong khống) chỉ chú giải để mọi người hiểu. Không hiệu đính và chú giải những ai chưa được trang bị vốn cổ học, cầm tờ sắc phong cũng như cầm một tờ giấy xanh đỏ ngồ ngộ. Năm mới hơn 10 tuổi, chính tôi đã phát hiện người họ Đỗ hý hửng với tờ sắc phong của gia tộc mình nhưng mở ra đọc mới biết đó là sắc phong ban cho Phạm Bạch Hổ tức Phạm Phòng Át (910-972) chứ không phải sắc phong tổ tiên người họ Đỗ. Một số người họ Đỗ đến nay hễ gặp tôi vẫn cười và nói là may, nếu không hưởng phúc ông bà thờ ma hàng xóm. Bạn đọc không phải chỉ cần bản dịch nghiêm túc, quan trọng hơn nữa, cần lời hiệu đính công phu và lời chú giải chính xác. Mấy chục năm qua, tôi đã từng giúp hiệu đính và chú giải cho khá nhiều người, dù trong số họ cũng có những người học vị và học hàm rất cao, lại thông thạo chữ Hán. Họ dịch được nhưng không hiểu được bản dịch của chính mình bởi có quá nhiều khái niệm cổ không biết tra cứu ở đâu. Tôi kính trọng đức khiêm tốn vô cùng đáng quý của họ.

Được biết ông đã từng được giao trách nhiệm thành lập, tổ chức và quản lý khá nhiều đơn vị đào tạo và nghiên cứu khác nhau. Xin ông cho biết đôi lời về vấn đề này.

   Lúc đầu, tôi là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam của trường đại học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh, khi trường đại học Tổng Hợp tách thành hai trường là đại học Khoa học Tự nhiên và đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, tôi tiếp tục làm Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam của trường đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn.

   Cuối năm 1999 tôi về hưu, ngoài việc được mời đến tham gia giảng dạy trên một chục trường đại học, tôi được Hiệu trưởng trường đại học Bình Dương mời về thành lập khoa Việt Nam học và làm Trưởng khoa của Khoa này. Sau đó, tôi vừa làm Trưởng khoa Việt Nam học vừa làm Phó phân hiệu trưởng của Phân hiệu Khoa học Xã hội. Trải mấy năm tận tụy làm việc, tuy gia đình có phương tiện đi lại nhưng vì đường xa cách trở nên tôi xin phép nghỉ. Tôi xin nghỉ khi khoa Việt Nam học đang trong thời kỳ phát triển và có uy tín rộng lớn.  

   Năm 2013, tôi được Hiệu trưởng trường đại học Nguyễn Tất Thành mời về làm việc. Nhiệm vụ của tôi là thành lập rồi làm Trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học. Vì gần nhà nên tôi đã vui vẻ nhận lời. Cùng một số ít cán bộ còn rất trẻ, tôi đã góp phần quan trọng vào quá trình khai sinh đơn vị đào tạo mới này. Hiện nay khoa Du lịch và Việt Nam học là một khoa có tầm vóc lớn của trường đại học Nguyễn Tất Thành. Kể ra tôi còn được giao đứng đầu một số tổ chức nghiên cứu và đào tạo khác như Viện trưởng Viện Châu Á học (ACT), Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội (NTTU) nhưng thôi, có lẽ chừng đó cũng tạm đủ.

   Hiện tại tôi tham gia giảng dạy tại một số trường và giữ chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kỷ lục. Đây là Viện ra đời trên cơ sở chấp thuận của Bộ Nội vụ, do Bộ Khoa học và Công nghệ ký quyết định thành lập, Bộ Công an cấp con dấu. Tại đây, tôi là Viện trưởng lại vừa là Chủ tịch Hội đồng Viện nên công việc cũng không phải ít.

 

Tượng đồng Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần do thế hệ sinh viên cũ đúc tặng

Thưa ông, đối tượng tiêu thụ sách chủ yếu của ông có phải là sinh viên không ? 

   Sinh viên tuy cũng có khá nhiều người đọc sách tôi nhưng đối tượng tiêu thụ sách tôi chủ yếu lại không phải là sinh viên. Loại sách mang ý nghĩa phổ biến kiến thức đại chúng tuy đọc dễ hiểu nhưng sinh viên không có tiền mua. Đối tượng tiêu thụ loại sách này thường là cộng đồng có tiền và cũng có lòng đam mê tìm hiểu lịch sử hoặc văn hóa nước nhà. Loại sách mang ý nghĩa dùng để tham khảo, do lượng kiến thức chuyển tải trong đó phong phú nên các nhà nghiên cứu trẻ tiêu thụ rất mạnh. Loại sách này từng bị in lậu. Trong lần Talksow ở HTV, MC Quỳnh Hương hỏi tại sao không nghe tôi lên tiếng. Tôi trả lời là tôi tuy có thiệt một chút nhưng bạn đọc có sách để đọc cũng vui. MC nói tôi đã coi mọi chuyện nhẹ như lông hồng và tôi nói vốn dĩ từ lâu đã nhẹ hơn lông hồng rồi. Loại sách mang ý nghĩa tra cứu do tính tiện lợi và độ tin cậy cao nên bạn đọc đã đón nhận mạnh mẽ. Cuối cùng là sách chuyên sâu. Loại này tuy cần thiết nhưng nếu không phải là nhà khoa học thực thụ, chẳng phải ai cũng tìm đọc.  

Xin ông nói rõ hơn về việc ông được nhận bằng Tiến sĩ ?

   Sau một thời gian thẩm định rất công phu và nghiêm túc, Trường đại học Kỷ lục Thế giới đã cấp bằng Tiến sĩ cho tôi. Quá trình thẩm định tập trung vào hai tiêu chí lớn. Thứ nhất, người được cấp bằng phải có những công trình khoa học được xã hội trân trọng ghi nhận và phải có tóm tắt công trình bằng Anh ngữ. Thứ hai, người được cấp bằng nhất thiết phải là Kỷ lục gia. Tôi là người có nhiều công trình lớn lại là người hai lần được trao kỷ lục nên đáp ứng đầy đủ cả hai tiêu chí quan trọng này. Từ Anh quốc, Hiệu trưởng của Trường đại học Kỷ lục Thế giới đã tới tận thành phố Hồ Chí Minh làm lễ trao bằng và tôi rất hạnh phúc với sự kiện này.

Cuối cùng, xin ông cho biết nguyện ước của ông là gì ?  

    Từ mấy chục năm nay, nguyện ước của tôi vẫn không thay đổi, đó là nơi nào tôi từng sống và làm việc, tôi nhất định sẽ đưa nhà tôi tới thăm. Bây giờ, chúng tôi đã đi khắp các địa phương của đất nước ta cùng rất nhiều quốc gia khác nữa.

 

Xin chân thành cám ơn ông

                                                                                          

Hồ Trúc Mai

(thực hiện) 

Theo NgàyMới Saigon - NXB Thanh Niên

Từ khóa : Nguyễn Khắc Thuần