Hợp tác thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố: Hiệu quả, thực chất

Với việc tăng cường hợp tác thương mại cùng 22 tỉnh, thành phố, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, quảng bả sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, những năm gần đây, thành phố mở rộng chương trình hợp tác thương mại với các địa phương trong vấn đề cung cấp hàng hóa cũng như hỗ trợ DN. Đến nay, chương trình ngày càng phát huy hiệu quả, đi vào chiều sâu, được cộng đồng DN đánh giá cao. 

Tính đến đầu tháng 9/2017, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với Sở Công Thương 22 tỉnh, thành phố, gồm: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận,  Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai.

Thông qua liên kết, các Sở Công Thương đã chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của mỗi địa phương; hướng đến xây dựng thương hiệu đối với mặt hàng đặc trưng vùng, miền; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu...

Là DN hưởng lợi từ việc hợp tác thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Đình Thái - Giám đốc kinh doanh Công ty Vĩnh Thành Đạt - chia sẻ, công ty đang đầu tư 3 trang trại chăn nuôi gia cầm ở Bình Dương và Tiền Giang, cung cấp cho thị trường 500.000 - 700.000 quả trứng/năm. Việc đầu tư trang trại chăn nuôi tại các tỉnh giúp DN tận dụng được nguồn lực địa phương, tạo chuỗi sản xuất hoàn chỉnh, giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm. 

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, chương trình liên kết hợp tác thương mại và đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Tháp đã tạo thuận lợi cho DN hai địa phương trong việc tiêu thụ hàng hóa. Một số đơn vị tiêu biểu của tỉnh thành công nhờ chương trình hợp tác như: Cơ sở sản xuất Bàu Hút cung cấp các loại khô heo, nem xông khói và mặt hàng đông lạnh cho chợ đầu mối Phạm Văn Hai và hệ thống Co.opmart; Công ty TNHH Nam Thành Thanh Bình cung cấp bột cho Cơ sở chế biến thực phẩm Uyên Nguyên; Cơ sở sản xuất nem Hoàng Khánh cung cấp nem, bì các loại vào hệ thống Satra…

Tương tự, tỉnh Đồng Nai đã hợp tác chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là heo. Nếu như đầu tháng 5/2017, lượng heo tại tỉnh dư thừa, giá heo hơi trên 110 kg chỉ dao động từ 16.000 - 18.000 đồng/kg, heo từ 80 - 110 kg giá từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, đến nay. lượng heo trên 110 kg tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã được tiêu thụ hết, heo loại từ 80 - 110 kg được bán với giá 37.000 đồng/kg, tạo phấn khởi cho người chăn nuôi. 

Việc hợp tác giữa Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai và Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã giúp ngành chăn nuôi Đồng Nai có đầu ra ổn định, bớt phụ thuộc vào thương lái, đem lại lợi nhuận tốt hơn cho người chăn nuôi. 

Theo Vĩnh - Dương (baocongthuong.com.vn)

Từ khóa : Hợp tác thương mại