Tân Tiến sĩ Lý Thị Mai: Cần có Tâm thành và Đức nghiệp với nghề

Chuyên gia Tư vấn Tâm lý, Thạc sĩ Lý Thị Mai, Giám đốc - Công ty Tâm lý học ứng dụng TPHCM - một trong những cộng tác viên thân thiết của ấn phẩm Ngày Mới Sài Gòn vừa được Trường đại học Kỷ lục Thế giới cấp bằng Tiến sĩ danh dự. Đây là vinh dự của Thạc sĩ Lý Thị Mai, đồng thời cũng là niềm vui của mọi đồng nghiệp. Nhân dịp này ấn phẩm Ngày Mới Sài Gòn có cuộc trò chuyện với Tân Tiến sĩ Lý Thị Mai.

Được biết, bà vừa từ Ấn Độ trở về. Bà có thể cho biết những thông tin liên quan đến chuyến đi này được không ?                      

Tôi cùng đoàn đại biểu Kỷ lục gia Việt Nam vừa tham dự cuộc Hội ngộ Kỷ lục gia Thế giới lần thứ nhất tổ chức tại New Delhi (nước Cộng hòa Ấn Độ) trở về. Cuộc Hội ngộ này tiến hành trong hai ngày (11 và 12/11/2017), quy tụ đông đảo Kỷ lục gia của nhiều châu lục khác nhau. Từ Hội ngộ và thông qua Hội ngộ, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, giao lưu với các Kỷ lục gia, những người chúng tôi rất ngưỡng mộ về cống hiến của họ. Mỗi Kỷ lục gia là một bức chân dung rất sinh động khác nhau nhưng điểm chung cho tất cả là họ đã lao động không mệt mỏi, vì họ là họ (những người giàu nghị lực và sự đam mê), vì họ luôn yêu kính đất nước của họ, Kỷ lục mang tên họ nhưng vinh dự là của chung gia đình, quê hương và Tổ quốc họ.

 

 

Đoàn đại biểu Kỷ lục gia Việt Nam trước Tòa Đại sứ Việt Nam tại New Delhi                 

Nhân dịp đến New Delhi, đoàn đại biểu Kỷ lục gia Việt Nam đã vinh dự được ngài Đại sứ cùng phu nhân và tập thể cán bộ công nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ ân cần tiếp đón và tổ chức chiêu đãi trọng thể.

 

Đại sứ Tôn Chí Thành (người đứng thứ ba từ trái sang) tặng quà cho các Kỷ lục gia Việt Nam.

               

Thú thực chúng tôi chưa hiểu rõ về đặc trưng và tính chất của Trường đại học Kỷ lục Thế giới. Vì vậy, bà có thể giới thiệu đôi nét về Trường đại học này?.           

Chúng tôi nghĩ đây là chuyện bình thường bởi cả thế giới chỉ có một Trường đại học Kỷ lục duy nhất. Trường không tổ chức đào tạo (vì cũng chẳng ai đào tạo được đội ngũ các Kỷ lục gia) nhưng đây lại là đơn vị chịu trách nhiệm cao nhất về việc xác nhận thành công của từng cá nhân Kỷ lục gia trên toàn thế giới. Hội đồng Giáo sư của Trường phối hợp rất chặt chẽ với Hội Kỷ lục gia từng nước và khu vực để tiến hành xét duyệt. Họ luôn làm việc công phu và nghiêm túc nên ở đây không bao giờ có bằng giả. Lý do đơn giản vì trước khi Hội đồng Giáo sư xét duyệt, các phương tiện thông tin đại chúng cùng xã hội ở trong và ngoài nước đã có cơ hội để thẩm định rồi.

 

Toàn cảnh hội trường cuộc Hội ngộ Kỷ lục gia Thế giới lần thứ nhất tại New Delhi

Hiện nay, Trường đại học Kỷ lục Thế giới có ba trụ sở lớn. Trụ sở thứ nhất đặt tại New Delhi (thủ đô nước Cộng hòa Ấn Độ). Trụ sở thứ hai đặt tại London (thủ đô Vương quốc Anh). Trụ sở thứ ba đặt tại tiểu bang California (Hoa Kỳ). Ở những nước đang có Hội Kỷ lục gia được tổ chức chặt chẽ và hoạt động có hiệu quả, Trường đại học Kỷ lục Thế giới đặt thêm văn phòng đại diện và Việt Nam là một trong những nước như vậy. Được nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Trường đại học danh tiếng này, ai cũng coi đó là hạnh phúc lớn lao của cuộc đời mình. 

 

Những tiêu chí nào là quan trọng nhất để được Trường đại học Kỷ lục Thế giới xét cấp bằng Tiến sĩ danh dự, thưa bà?

Tiêu chí quan trọng đầu tiên và không thể bỏ qua là Trường đại học Kỷ lục thế giới chỉ xét để cấp bằng Tiến sĩ danh dự cho một loại đối tượng duy nhất là các Kỷ lục gia. Nhưng không phải bất cứ Kỷ lục gia nào cũng đều được xét cấp bằng Tiến sĩ danh dự. Công trình của các Kỷ lục gia phải được giới thiệu rất rộng rãi, được giới khoa học đánh giá có chất lượng cao và được xã hội xác nhận có những tác dụng thực tiễn tích cực và to lớn. Nói khác hơn, công trình của Kỷ lục gia tuy gồm rất nhiều quy mô và thể loại khác nhau nhưng phải thật sự giàu chất nhân văn và giàu khả năng ứng dụng thực tiễn.

 

Xin bà vui lòng cho biết quy trình để cử và xét duyệt bằng Tiến sĩ danh dự như thế nào?

 

Trên thế giới hiện nay có hai hệ thống cấp bằng Tiến sĩ khác nhau.

  • Hệ thống thứ nhất phản ánh kết quả đào tạo lâu dài của các Trường đại học hoặc các Viện nghiên cứu. Tất nhiên, các Trường và Viện chính quy này đều phải được cơ quan quản lý cấp trên chấp thuận cho đào tạo.
  • Hệ thống thứ hai là Tiến sĩ danh dự. Hai từ danh dự khiến cho không ít người đánh giá thiếu công bằng nhưng thực ra không phải vậy. Tiến sĩ danh dự có niềm tự hào riêng của Tiến sĩ danh dự. Hiện tại, Tiến sĩ danh dự có hai nguồn xét và cấp bằng khác nhau :

+  Nguồn thứ nhất chỉ dành cho các nhà khoa học được mời đến giảng dạy tại một số Trường đại học hay Viện nghiên cứu nào đó. Do tạo lập được uy tín và thiện cảm trong cán bộ và sinh viên nên lãnh đạo Trường và Viện cùng với Hội đồng Giáo sư nhất trí cấp bằng Tiến sĩ danh dự cho họ. Phần lớn các nhà khoa học này đều đã có học vị Tiến sĩ hoặc học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư. Đối với họ, bằng Tiến sĩ danh dự chỉ mang ý nghĩa tôn vinh thêm tên tuổi và cống hiến của họ. Nhiều Trường đại học và Viện Nghiên cứu còn tiến hành phong tặng luôn học hàm Giáo sư và Phó Giáo sư danh dự nữa.

+  Nguồn thứ hai chỉ duy nhất có ở Trường đại học Kỷ lục Thế giới. Tại đây, văn bằng Tiến sĩ danh dự chính là sự xác nhận một quá trình lao động không mệt mỏi với những thành công to lớn của một số Kỷ lục gia xuất sắc. Nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Trường đại học Kỷ lục Thế giới là một vinh dự lớn lao, bởi vậy có khá nhiều Tiến sĩ được các Trường đại học chính quy đào tạo hẳn hoi, nay mong có thêm bằng Tiến sĩ danh dự của Trường đại học Kỷ lục Thế giới nhưng không thể thỏa nguyện. Chúng tôi không có ý khẳng định đây là bằng Tiến sĩ cao nhất, chỉ muốn nói là mọi bằng Tiến sĩ đều rất khó khăn và mỗi nguồn luôn có tính đặc trưng riêng.

  

Chuyên gia Tâm lý Lý Thị Mai nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Trường đại học Kỷ lục Thế giới

 

Quy trình xét duyệt đại để gồm có các bước sau đây. Bước thứ nhất là lời đề cử của lãnh đạo Hội Kỷ lục gia. Bước thứ hai là các ứng viên phải làm hồ sơ, trong đó quan trọng nhất là trình bày luận án của mình bằng bản ngữ và bằng Anh ngữ. Với tôi, hướng nghiên cứu từ nhiều năm nay là Tâm lý học – lý luận và ứng dụng thực tiễn, nhưng đề tài của luận án là Những kỹ năng sống cần có và nên có của xã hội Việt Nam hiện đại. Bước thứ ba là lãnh đạo Hội Kỷ lục gia sẽ trình hồ sơ của từng ứng viên đến Trường đại học Kỷ lục Thế giới. Bước thứ tư là Hội đồng Giáo sư của Trường đại học Kỷ lục Thế giới xem xét cẩn trọng từng hồ sơ và báo cáo với lãnh đạo Trường về kết quả xét duyệt này. Cuối cùng, bước thứ năm là lãnh đạo Trường đại học Kỷ lục Thế giới xem xét thêm một lần nữa rồi ra quyết định cấp bằng cho những ai đạt chuẩn.

 

Được biết, bà đã liên tục học hỏi và nhờ vậy mới có kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay. Bà có thể chia sẻ vài lời về quá trình học tập của mình không ?

Tôi nghĩ là ai cũng giống như tôi, luôn thích được học hỏi để mở rộng và nâng cao kiến thức cho bản thân. Hạnh phúc lớn nhất là được đi học bởi hiện tại vẫn còn có nhiều người không đủ điều kiện để tới trường. Gia đình tôi tuy có đời sống bình thường nhưng từ nhỏ đến giờ tôi vẫn luôn luôn được đi học. Khi còn ở tuổi vị thành niên, tôi đã làm thêm bằng nghề gia sư, thu nhập chẳng nhiều nhưng dù sao cũng góp phần trang trải chi phí học tập. Muốn làm gia sư tất nhiên phải học thêm mới đủ kiến thức và muốn học thêm tất nhiên phải có tiền. Sự tương tác giữa học và làm đã khiến tôi bị cuốn vào vòng xoáy của việc học. Từ năm 1976, tôi chính thức trở thành một cô giáo và với cương vị mới, nhiệm vụ học tập càng trở nên nặng nề hơn. Tôi có thêm các văn bằng mới nhưng khác với khá nhiều người, hễ học tới đâu, tôi tham gia nghiên cứu tới đó :

  • Vì có bằng Cử nhân văn chương nên tôi đã viết Tao đàn Chiêu Anh Các, sách giới thiệu về sự thành lập, quá trình hoạt động, các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của Tao đàn này. Ngoài ra tôi còn có một số báo cáo khoa học về văn học và ngôn ngữ học được in trong các kỷ yếu.
  • Vì đã hoàn tất tốt đẹp chương trình Cao học Khoa học Lịch sử nên tôi đã viết một loạt bài khảo cứu Sử học, tất cả đều được đăng tải trên Tạp chí Khoa học Xã hội. Ngoài ra, tôi là đồng tác giả của một số tác phẩm Sử học khá bề thế, trong đó nổi bật nhất là ba cuốn Đàm đạo chuyện xưa, Lần giở trước đèn Thức cùng thiên cổ…Hai cuốn đầu nay đã được tái bản.
  • Từ hơn 25 năm trước, tôi trở thành Chuyên gia Tư vấn Tâm lý. Nhận thấy sự trải nghiệm trên bục giảng và lòng thành của nhà giáo không đủ để hoàn thành trọng trách của mình nên tôi lại học. Năm 2006, tôi hoàn thành chương trình đào tạo Tâm lý trị liệu gia đình (vương quốc Bỉ và bệnh viện Tâm thần TPHCM tổ chức). Năm 2009, tôi nhận bằng Đại học Tâm lý trị liệu của Pháp và đến năm 2014, tôi được trao bằng Thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Tâm lý Y khoa cũng là của Pháp, chưa kể tôi còn có thêm khá nhiều chứng chỉ sau đại học do Singapore và Mỹ cấp. Học tới đâu ứng dụng tới đó, ứng dụng trong hoạt động tư vấn, ứng dụng trong biên soạn sách. Trong 39 quyển sách đã xuất bản có hơn 30 cuốn thuộc chuyên ngành Tâm lý học ứng dụng và tôi rất hạnh phúc vì xã hội đã ưu ái dành cho tôi thật nhiều thiện cảm khi đọc những sách này.

 

Bằng Tiến sĩ danh dự do Trường đại học Kỷ lục Thế giới cấp có giá trị như thế nào, thưa bà?

 

Giá trị lớn nhất chính là sự công khai xác nhận và mạnh mẽ tôn vinh những kết quả lao động công phu, nghiêm túc và chỉ hoàn toàn vì lý tưởng tốt đẹp của từng Kỷ lục gia. Đây là sự xác nhận có tầm vóc thế giới và được chính thức quảng bá trên toàn thế giới chứ không phải chỉ hạn hẹp trong phạm vi một quốc gia nào. Không ít Tiến sĩ danh dự của trường đại học Kỷ lục Thế giới vốn đã là giảng viên của các trường đại học, họ từng tham gia giảng dạy ở bậc trên đại học nên không phải lấy bằng này để hưởng thêm quyền lợi gì.

Tất nhiên, với bất cứ Tiến sĩ danh dự nào của Trường đại học Kỷ lục Thế giới, niềm vinh dự đặc biệt lớn lao này sẽ suốt đời cổ vũ họ, tăng thêm sinh lực và khả năng tiếp tục sáng tạo cho họ khiến họ ngày càng xứng đáng với niềm tin cậy của cộng đồng.

 

Được biết, ngoài hoạt động Tư vấn Tâm lý với nhiều dạng thức khác nhau, bà còn tham gia không ít events và chương trình talk show, viết báo, viết sách…đặc biệt, bà còn được mời tư vấn trên nhiều đài phát thanh và đài truyền hình. Bà làm sao để có thể sắp xếp thời gian cho cân đối và hài hòa ?

Đúng là tôi đã và đang có khá nhiều việc cần làm và nên làm nhưng ở tuổi tôi, được làm và làm được là may mắn lớn. Tôi yêu nghề nghiệp cao quý của mình và thật sự hạnh phúc khi được xã hội gọi là Người bạn tin cậy của mọi nhà. Hễ nồng nàn yêu tổ ấm và luôn giàu lòng kính trọng nghề nghiệp, bất cứ ai cũng đều có thể tự tìm được cách sắp xếp mọi việc trong ngoài ổn thỏa chứ chẳng riêng gì tôi. Tuy liên tục cộng tác với hàng loạt các đài phát thanh và truyền hình như VOH, HTV, BTV, BRT, BPTV, ĐN, VTV, THVL, VTVC…và gần đây tôi còn nhận lời hợp tác với đài truyền hình quốc gia Israel trên cương vị Chuyên gia Tâm lý, đã thế còn phải viết khá nhiều nhưng gia đình chúng tôi vẫn sắp xếp được thời gian để cùng đi du lịch. Chúng tôi đã đi khắp các địa phương của Việt Nam và ra nước ngoài cũng khá nhiều lần nữa. Tất cả mọi người đều chỉ có 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, điều bận tâm còn lại là tìm cách sử dụng sao cho có ích. Thực ra, sự hơn thua luôn bắt đầu từ quá trình xây dựng nghệ thuật sử dụng quỹ thời gian. Đời vẫn dạy rằng thời gian là vàng bạc nhưng khác với vàng bạc, một khi thời gian đã bị phung phí, không ai có thể tìm lại được nữa.

Chi ly ra, tôi còn được mời làm cố vấn cho một số Tạp chí và Ấn phẩm nhưng một khi đã đọc quen mắt và làm quen tay, tất cả sẽ dễ dàng trôi chảy. Chính nhờ sự nhẹ nhàng trôi chảy này, tôi đã hai lần xác lập Kỷ lục. Tất nhiên, sự nhẹ nhàng trôi chảy đã gắn bó mật thiết với tôi chỉ vì tôi luôn được gia đình, bạn hữu và đồng nghiệp ủng hộ. Ai đó đã nói rất đúng rằng, nếu chẳng có tâm thành và đức nghiệp với nghề, việc dẫu rất ít cũng dễ khiến người ta lúng túng.

 

Nguyện ước lớn nhất hiện nay của bà là gì ?

Nguyện ước lớn nhất của tôi vẫn như xưa là mong sao được mạnh khỏe để được tiếp tục học và tiếp tục được ứng dụng những kiến thức đã học, tiếp tục được vui hưởng những niềm vui nho nhỏ của mình và…tiếp tục được cộng tác với ấn phẩm Ngày Mới Sài Gòn.

Nhân đây, xin cho phép tôi được gửi tới Ban Biên tập cùng toàn thể độc giả của Ngày Mới Sài Gòn lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

 

Chân thành cảm ơn bà. Kính chúc bà và gia quyến tiếp tục gặt hái được thật nhiều thành công.

 

 

Nhà báo Hồ Trúc Mai

(thực hiện)

Theo Ngày Mới Saigon

Từ khóa : Lý Thị Mai