«Chuyển mình hứng khởi»

Viện Pháp tại TPHCM giới thiệu Triển lãm sắp đặt «Chuyển mình hứng khởi » của 3 nghệ sỹ Pierre Larauza, Emmanuelle Vincent và Trương Minh Thy Nguyên và các sinh viên trường Đại học Mỹ thuật TPHCM sẽ được khai mạc từ 18h, thứ năm 21/12/2017, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97 Phó Đức Chính, Quận 1, TPHCM).

Thời gian mở cửa: từ thứ ba đến chủ nhật hằng tuần, từ 8h đến 18h
Bế mạc: 12/01/2018 - 18h. Vào cửa tự do.

Triển lãm “Chuyển mình hứng khởi” mang một cái nhìn đậm chất thơ về đất nước Việt Nam trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ thông qua các tác phẩm của ba nghệ sỹ Pháp, Bỉ và Việt Nam, các sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh và một không gian thực nghiệm dành cho khách tham quan. Ba nghệ sĩ khai thác chủ đề biến đổi hình thái không gian đô thị một cách mới mẻ, sử dụng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau để đặt ra những câu hỏi liên quan đến sự chuyển đổi giữa quá khứ và tương lai như : Chúng ta mất gì? Chúng ta được gì?

Triển lãm “Chuyển mình hứng khởi” nằm trong khuôn khổ dự án giữa ba nước Bỉ-Việt Nam-Pháp có tên gọi « Máy xay sinh tố », được khởi xướng bởi các nghệ sĩ Emmanuelle Vincent và Pierre Larauza (t.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e), Trương Minh Thy Nguyên cùng ông Nguyễn Văn Minh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh. Dự án mong muốn đề cập những chủ đề liên quan đến văn hóa, tính đa dạng, sự tác động qua lại giữa các nền văn hóa để từ đó đề cao sự giao thoa văn hóa. Dự án xoay quanh hai phạm vi hoạt động chính, đó là sáng tác và giảng dạy cùng với các sinh viên và nghệ sĩ Việt Nam.

Trong khuôn khổ dự án « Máy xay sinh tố », từ tháng 10 đến tháng 11 vừa qua, các nghệ sỹ Pierre Larauza và Trương Minh Thy Nguyên đã được trường Đại học Mỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh mời giảng dạy thông qua các buổi workshop. Pierre dạy môn «Nghệ thuật video và sắp đặt», Thy Nguyên dạy môn «Chạm khắc trên kim loại / kỹ thuật aquatint và etching». 

Tại triển lãm « Chuyển mình hứng khởi », ngoài các tác phẩm của ba nghệ sĩ nói trên còn có tác phẩm của các sinh viên trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Đây là thành quả các em làm được sau 2 tháng tham gia workshop và một số là tác phẩm cá nhân của các em.

Đặc biệt, tại triển lãm, ngoài các không gian trưng bày tác phẩm, còn có một không gian trải nghiệm dành cho  khách tham quan, mở cửa hằng ngày trong suốt thời gian triển lãm. Các sinh viên trường Đại học Mỹ thuật và các nghệ sỹ sẽ đón tiếp, gặp gỡ và trò chuyện với bạn. Bạn có thể tương tác với các mô-đun vui nhộn, có liên quan đến các tác phẩm trưng bày để hiểu hơn về chủ đề triển lãm: sự chuyển biến đô thị đang diễn ra tại Việt Nam hôm nay. Bạn có thể dừng chân dành thời gian để quan sát, trải nghiệm và để lại dấu ấn về chính trải nghiệm của mình. Những dấu ấn này sẽ được giới thiệu vào đêm bế mạc triển lãm ngày 12 tháng 1 năm 2018.

Ngoài ra, song song với triển lãm, sẽ có workshop « Múa lai trộn » về đối thoại giữa múa truyền thống Việt Nam và múa đương đại vào lúc 14h30 ngày 23/12/2017 cũng như workshop « Vẽ bản đồ về hữu hình và vô hình » về thể hiện các hiện tượng biến đổi đô thị thông qua đồ họa và câu chữ vào lúc 14h30 ngày 30/12/2017. Tham dự miễn phí (yêu cầu đăng ký trước).

Giới thiệu nghệ sĩ :

Trương Minh Thy Nguyên - họa sĩ và nhà sư phạm chuyên về các dự án nghệ thuật xoay quanh chủ đề đa văn hóa. Anh tốt nghiệp ngành Nghệ thuật tạo hình, thị giác và không gian tại trường Nghiên cứu Đồ họa Bỉ. Sinh tại Bruxelles, ba mẹ là người Việt Nam, nên anh quyết định sinh sống giữa Bruxelles và Tp.Hồ Chí Minh. Anh chịu ảnh hưởng giáo dục từ cả hai nền văn hóa và luôn bị cuốn hút bởi những đô thị cũng như người dân sinh sống nơi đây.

Emmanuelle Vincent - biên đạo múa, vũ công và đạo diễn của đoàn múa t.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e. Cô còn điều hành trường múa và nghệ thuật sân khấu La Confiserie và giảng dạy về múa tại trường Đại học Công giáo tại Louvain-la-Neuve (Bỉ). Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Nghệ thuật sân khấu tại Đại học Sorbonne-Nouvelle (Pháp), Emmanuelle phát triển sự nghiệp múa của mình khi làm việc ở nhiều nước khác nhau, nơi cô thường gặp gỡ và cộng tác với các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện nay cô sinh sống và làm việc giữa Bruxelles và TPHCM.

Pierre Larauza là nghệ sĩ đa ngành. Anh cũng đang thực hiện các nghiên cứu đại học. Sau nhiều năm theo học hội họa, kiến trúc và nghệ thuật video, anh khám phá nghệ thuật sân khấu sau khi gặp Emmanuelle Vincent và cả hai cùng thành lập đoàn nghệ thuật múa t.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e. vào năm 2003. Anh đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như đạo diễn sân khấu, đạo diễn phim, thiết kế sân khấu và biểu diễn trong các bộ phim và buổi trình diễn của họ. Đồng thời, trong vòng 3 năm trở lại đây, anh còn phát triển thêm dự án phim tài liệu về điêu khắc.

Triển lãm được thực hiện với sự hỗ trợ của Wallonie-Bruxelles International.

Theo Ngày Mới Saigon

Từ khóa : Viện Pháp tại TPHCM, Pierre Larauza, Emmanuelle Vincent, Trương Minh Thy Nguyên, Đại học Mỹ thuật