Lý Ngọc Bạch- Giám đốc, Công ty gốm sứ Cường Phát - làm việc và sống được với nghề là niềm hạnh phúc

Có thể nói, hiện nay trong lĩnh vực gốm sứ tại Việt Nam, tên tuổi của Cường Phát do ông Lý Ngọc Bạch sáng lập - chỉ đứng sau thương hiệu Minh Long 1 (do anh trai của ông là Lý Ngọc Minh sáng lập từ năm 1970).

Không chỉ cá nhân thành đạt mà cả gia đình đều thành đạt, nhưng nếu có dịp trò chuyện sẽ thấy ông Lý Ngọc Bạch là một người hoà đồng và sống chan hòa. Ông sẵn sàng chia sẻ những kiến thức của mình với bạn và ông cũng sẵn lòng lắng nghe bạn dù một chuyện nhỏ.  Có lẽ đây chính là một trong những yếu tố quan trọng đã giúp ông đưa tên tuổi Cường Phát ngày một phát triển vững mạnh như hiện nay.

Sáng lập thương hiệu Cường Phát từ năm 1983 và cũng đã nhận được danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” khẳng định tay nghề của mình. Nhìn lại mấy mươi năm hoạt động đã qua, ông đánh giá thế nào?

 Sau gần 35 năm hoạt  động, hiện nay, Cường Phát có 45.000m2 nhà xưởng, khoảng 90%  các mặt hàng gốm sứ mỹ nghệ cao cấp được xuất khẩu sang gần 20 nước, như Nhật, Châu Âu, Đài Loan, Đức, Pháp, Ý,...Chúng tôi đã vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng Nhất (2015), Huân chương Lao động hạng Nhì (2009), Huân chương Lao động hạng ba (2002) do Chủ tịch nước trao tặng. Năm 2010, nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Cường Phát đã dâng tác phẩm gốm sứ nạm vàng ròng mang tên “Quốc Bình Thăng Long” và được ghi tên vào Kỷ lục Việt Nam.

 Nhưng điều ý nghĩa hơn nữa là Cường Phát đã giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho gần 1.000 công nhân, đảm bảo thực hiện đầy đủ chính sách về y tế - xã hội cho họ. Bên cạnh các công tác thiện nguyện, chúng tôi còn nhận phụng dưỡng suốt đời 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chúng tôi đóng góp được cho xã hội như thế là do được làm việc và sống được với nghề. Đó chính là niềm hạnh phúc rất to lớn.

Nhiều người cho rằng, ông là người rất chăm chỉ nhưng cũng “ tàn nhẫn” với bản thân mình vì cứ mãi cần cù làm việc.  Ông nói gì về điều này?

Khi khởi nghiệp vào năm 1979, lúc đó tôi chỉ có 3 lượng vàng để làm vốn. Nhưng  5 năm sau, công ty tôi phát triển nhanh vì khi có tiền tôi không mua xe hơi hay đua đòi sắm sửa cho bản thân mà tập trung đầu tư  mới, mua đất, xây nhà xưởng để đáp ứng theo yêu cầu của những khách hàng tiềm năng có đơn hàng lớn. Nhờ thế mới có được một Cường Phát phát triển bền vững như hiện nay.

Tôi nghĩ, người thành đạt không chỉ có tầm nhìn mà biết làm chủ cách sống của mình cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi cũng biết cân bằng cuộc sống và giữ gìn sức khoẻ  bằng cách không làm việc quá sức và sắp xếp thời gian đi du lịch.

Theo ông, Cường Phát phát triển bền vững là nhờ  những yếu tố nào?

Trước hết, tôi xác định năng lực chuyên môn của mình trong lĩnh vực gốm sứ và cố gắng trau giồi cho thật tốt.  Trong quá trình làm việc, dù dù khó đến đâu cũng phải cố gắng tìm tòi, học hỏi để có cách giải quyết.

Tôi luôn tuân thủ theo đúc kết của người làm gốm thế hệ trước: Thứ nhất là nguyên liệu, thứ hai là kỹ thuật nung, thứ ba là tạo hình sản phẩm và thứ tư là

trang trí cho sản phẩm được thăng hoa. Đến nay, tôi vẫn là người trực tiếp thu

mua nguyên liệu để đảm bảo yếu tố then chốt này.

 Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời hội nhập, bên cạnh việc đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị (như lò nung bằng điện, dây chuyền tráng men tự động,..) từ năm 2003, chúng tôi đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 (sau này là 9001- 2008) để đảm bảo toàn bộ hoạt động của công ty luôn được kiểm soát và không ngừng cải tiến.

Để cải tiến năng suất, chất lượng, Cường Phát cũng đã thực hiện chương trình Kaizen, sử dụng 7 công cụ quản lý cải tiến trong quản lý sản xuất - được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và giới thiệu trong các hội thảo chuyên đề của tỉnh Bình Dương.

Chúng tôi cũng kết hợp với một số khách hàn g như IKEA, H&M, Mark& Benser, Conner để xây dựng các bộ tiêu chuẩn về chất lượng và các chính sách xã hội- môi trường theo chuẩn mực quốc tế với mục tiêu đạt chuẩn nhà cung cấp thân thiện và phát triển bền vững. Là một nhà máy sản xuất phải đặc biệt chú trọng việc xử lý nước thải, nguồn nguyên liệu đầu vào phải có chứng nhận xuất xứ và không độc tố trước khi sản xuất...

Để quản lý gần 1.000 nhân viên, trước hết phải xây dựng một nội bộ tốt, môi trường làm việc thông thoáng và chính sách đãi ngộ thật tốt.

Một khi môi trường làm việc thông thoáng, máy móc chạy tốt và nhân viên đồng lòng thì chắc chắn sẽ cho ra những sản phẩm thật chất lượng và mang đến nhiều thành công.

Ông có thể chia sẻ cụ thể cách chăm sóc nhân viên để giúp họ gắn bó với nghề của mình?

Bên cạnh việc thăm hỏi, tôi thường nói với các cộng sự quản lý: Muốn công việc có kết quả tốt phải chỉ việc chứ đừng giao việc- phải biết rõ công việc thì mới chỉ đạo nhân viên làm tốt được.

 Về phiá công nhân tôi cũng luôn động viên họ: Không thể so sánh tôi với bạn hay bất cứ ai vì mỗi người có một cá tính và sở trường, sở đoản riêng. Khi bạn làm đúng với khả năng của mình, một lòng tận tụy với công việc thì chắc chắn sẽ được trân trọng (chứ  không chỉ người nổi tiếng hay học cao mới được tôn trọng). Xác định được điều này, bạn sẽ thấy rằng: khi làm việc và sống được với nghề nghiệp của mình chính là một niềm hạnh phúc.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề gốm sứ. Ông  nghĩ thế nào về thế hệ kế thừa?

Với sự phát triển của xã hội hiện nay, có rất nhiều nghề để giới trẻ muốn khám phá, thử sức mình, và các con của tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tôi rất vui vì có 2 người con trai du học ở Canada về đang theo nghề của mình. Tôi đang từng bước hướng dẫn vì gốm sứ là nghề của nhiều nghề (do bùn đất cũng có tính nết, lửa củi cũng có lúc tăng lúc giảm, men màu thì muôn vàn bí ẩn) và cần khá nhiều thời gian để cọ sát.

 Hy vọng, trong tương lai, thế hệ trẻ trong gia đình sẽ tiếp nối tôi và anh trai giữ gìn cũng như phát huy nghề gốm sứ - một trong những nghề truyền thống đáng tự hào của người Việt.

Cám ơn những chia sẻ của ông.

Theo Ngày Mới Saigon

Từ khóa : Lý Ngọc Bạch, Cường Phát, gốm sứ