Sài Gòn Kỳ Án

Hài hước, chân thật, Sài Gòn Kỳ Án của Phạm Gia Trang - cái tên mới toanh trong lĩnh vực văn học lôi cuốn người xem ngay từ những trang đầu tiên. Chứa trong đó là câu chuyện của một người trẻ nhập cư, tìm kiếm cơ hội khẳng định bản thân ở Sài Gòn. Lạ lùng là, câu chuyện ấy, mang đầy tính phiêu lưu, kỳ ảo.

Có thể ví von, Phạm Gia Trang là một Châu Tinh Trì trong văn học. Bởi, cây bút trẻ này có thừa độ “tửng” để kể cho độc giả nghe một câu chuyện lý thú bằng những câu chữ khoáng đạt, tự do nhưng không kém phần sâu sắc.

Đó là hành trình của một cậu bé sinh trưởng ở vùng sâu, vùng xa, đến Sài Gòn với ước mơ thoát nghèo, thoát những cơ cực thường nhật của những người nông dân được mùa, mất giá và ngược lại. Đón chân cậu nhóc ấy, có ngay một cú lừa to, có những đêm co ro ở trạm xe bus, có những ngày bán sức kiếm cơm và cô đơn trong căn phòng trọ nhỏ húm nơi xóm nghèo... Đây là hiện thực mà rất nhiều người, cả trẻ và những người không còn trẻ nữa đã trải qua, trước khi có những bước chân vững vàng hơn ở các đô thị lớn. Do vậy, đâu đó trong cuốn sách, người đọc có thể bắt gặp chính mình của ngày hôm qua hay những ngày đang sống. Để rồi, thắp lên hy vọng cho những ngày tiếp theo.

Một đề tài cũ nhưng Sài Gòn Kỳ Án có những góc nhìn rất mới. Tác giả không mang đến người đọc một kỳ án theo nghĩa trinh thám, khám phá mà là hành trình của những giấc mơ đậm chất phiêu lưu. “Sài Gòn xa hoa giống như giấc mơ của nhiều người. Cuộc đời mỗi con người là tập hợp của những “sự việc xảy đến với họ” và mỗi người đều phải đi tìm lời giải cho những điều đó.”, Phạm Gia Trang nói vậy. Anh gọi, chuỗi ngày mà mỗi người đang sống là một chuyến hành trình thú vị, ai nhiều háo hức, nhiều sáng tạo thì càng gặt được nhiều niềm vui sống.

Hành trình khẳng định bản thân mà Phạm Gia Trang nói đến nhiều khốc liệt để những người trẻ phải nhiều lần rơi nước mắt. Nhưng, độc giả sẽ không bị lây lan những cảm xúc tiêu cực. Thay vào đó, là những nụ cười “bá đạo”. Chuyện tình bạn, tình yêu hay những va vấp trong đời sống trong Sài Gòn Kỳ Án được hóa giải bằng những bông đùa, khiến cái lẽ ra đắng đót, u ám vẫn thường thấy trên nhiều trang viết của các tác giả trẻ khác trở nên nhẹ tênh, phóng khoáng, quá chừng hào sảng!

Người trẻ biết cười như một phương thế hòa giải với thực tế, điều đó đáng quý biết bao trong văn chương và cả cuộc đời. Sách do First News thực hiện, NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành.

Phạm Gia Trang tên thật là Phạm Văn Sang, sinh năm 1988, tại Eakar – DakLak. Tuy tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tài chính, nhưng với niềm đam mê, yêu thích đi, đọc và viết anh đã sớm bén duyên với việc viết lách. Năm 2012 anh bắt đầu viết sách, Sài Gòn Kỳ Án là tác phẩm đầu tay mà anh ấp ủ suốt nhiều năm qua.

Hiện, cây bút trẻ này đang làm công việc mà anh yêu thích nhất: Marketing cho một công ty thương mại điện tử, đồng thời là Admin của một số cộng đồng nổi tiếng trên mạng xã hội: Đọc sách hay là chết và các Fanpage về sức khỏe: Liên minh nông sản, Sức khỏe là vàng…

Theo Ngày Mới Saigon

Từ khóa : first news