Mong muốn hợp tác bền vững với Việt Nam

Tháng 9/2015,  Pháp sẽ khởi động mạng xã hội dành cho các cựu sinh viên đã từng du học tại Pháp. Song song đó, Chương trình tài trợ cho dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ Việt Nam tại Pháp và Ngôi nhà Pháp tại Việt Nam cũng đang được hình thành…

Đó là những thông tin mới được ông Emmanuel Ly - Batallan – Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM chia sẻ cùng Ngày mới Sài Gòn vào một buổi sáng đầu tuần tại tổng lãnh sự quán Pháp. Đây là một công trình độc đáo với kiến trúc Đông dương, tiêu biểu cho một di sản mang đậm sự kết hợp văn hóa giữa Pháp và Việt Nam đã hiện diện tại TPHCM từ rất lâu đời, và tình hữu nghị này cũng đang ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực khác.

Ông có thể chia sẻ về quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt- Pháp trong thời gian gần đây?

Pháp và Việt Nam đã có quan hệ lâu đời về kinh tế - chính trị, được đánh dấu bằng Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược, thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Trong năm vừa qua, quan hệ này được cụ thể hóa thông qua các chuyến thăm chính thức cấp Bộ giữa hai quốc gia và trong thời gian tới sẽ còn những chuyến thăm khác ở cấp cao nhất.

Quan hệ kinh tế giữa 2 nước cũng càng thắt chặt hơn khi vừa qua, công ty Airbus đã bán cho Vietjet Air 66 chiếc máy bay. Mới đây, tại Pháp, tôi được hân hạnh có mặt trong buổi lễ Vietjet ký kết mua thêm  6 chiếc máy bay nữa.

Hiện nay, có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) Pháp đang làm ăn tại Việt Nam, tập trung tại TPHCM và ba tỉnh thành lân cận: Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu.

Năm 2014, cán cân thương mại giữa 2 nước tăng 8% (chiếm 3,8 tỷ Euro). Nhiều công ty Pháp đã đầu tư tại Việt Nam tăng trưởng rất tốt như Big C với 37 siêu thị trên toàn quốc (phần lớn bán sản phẩm của Việt Nam). Vừa qua, công ty mẹ của Big C  cũng tổ chức tuần lễ bán hàng Việt Nam tại Pháp rất thành công vì đã tạo được ấn tượng rất tốt cho người dân Pháp về những hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam.

Các thương hiệu khác như siêu thị Simply Mart của tập đoàn Auchan , ngân hàng Pháp BNP Paribas cũng đã mở thêm chi nhánh tại Hà Nội.

Về hợp tác, Pháp cũng đã tài trợ vốn ODA 15 triệu Euro cho tuyến Metro Hà Nội và 19,5 triệu Euro để trang bị cho dự án Bệnh viện Cần Thơ.

Về giáo dục, hàng năm luôn có nhiều bác sĩ và sinh viên Việt Nam sang Pháp tu nghiệp và du học. Tháng 9 tới đây, Pháp sẽ khởi động mạng xã hội www.francealumni.fr . Đây là một nền tảng hoàn chỉnh cho phép hàng trăm nghìn sinh viên nước ngoài đã và đang theo học tại Pháp hay tại nước ngoài – chẳng hạn như tại Việt Nam trong các chương trình của Pháp, giữ mối liên hệ với nước Pháp cũng như giữa các sinh viên với nhau. Đây cũng là nơi các sinh viên có thể kết nối với các chuyên gia hay gửi sơ yếu lý lịch - để từ đó các công ty Pháp có thể dể dàng tuyển chọn nhân sự  cho nhu cầu phát triển doanh nghiệp của họ. Tại Việt Nam, chúng tôi đã triển khai một trong những phiên bản địa phương đầu tiên của nền tảng này. Do đó, chúng tôi quyết định chọn năm nay là năm tôn vinh các cựu sinh viên (alumni). France Alumni Vietnam sẽ chính thức được triển khai tại TPHCM vào ngày 19/ 9/2015 với sự hiện diện của Tiến sĩ  Ngô Bảo Châu, nhà toán học Pháp -Việt nổi tiếng.

Thời gian gần đây, có thêm nhiều đoàn doanh nghiệp Pháp sang Việt Nam. Theo ông, họ quan tâm thế nào về môi trường đầu tư tại Việt Nam?

 Theo tôi, các DN Pháp quan tâm nhiều đến sự phát triển của Việt Nam khi nước này ký các hiệp định thương mại với nhiều nước trên thế giới; và trong khối ASEAN, Việt Nam là nước đông dân đứng thứ hai với tiềm năng mua sắm, tiêu dùng rất lớn.

Bên cạnh các DN Pháp đang làm ăn tại Việt Nam hiện nay, nhiều DN mới cũng đang muốn xây dựng nhà máy, đặt văn phòng đại diện tại TPHCM để phụ trách phát triển thị trường tại Việt Nam  như công ty Andros - là tập đoàn gia đình có 25 nhà máy trên toàn thế giới, hoạt động trong ngành nông sản thực phẩm hay công ty Olmix sản xuất thức ăn gia súc, thuốc thú y với 2.500 nhân viên,…

 Tháng 4/2015 vừa qua, nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đã có nhiều DN Pháp hoạt động trong các lĩnh vực y tế, cơ sở hạ tầng, hàng không,,…tháp tùng. Trong đó có công ty quản lý sân bay ADP Management  chuyên xây dựng cơ sở hạ tầng tại Pháp  , công ty năng lượng GDF-Suez.

Tại Hà Nội, Pháp đã tham gia tuyến Metro số 3. Tại TPHCM, nhiều công ty Pháp cũng tham gia trong tuyến Metro TPHCM, như  cung cấp hệ thống báo hiệu tàu điện, vật tư, vận tải, thiết kế xây dựng,..Riêng công ty Bachy Solétanche làm nền móng cấu trúc chống thấm, đến nay đã thực hiện được hơn 500 dự án tại Việt Nam.

Với những công ty chưa đầu tư tại Việt Nam, đại sứ quán Pháp và tổng lãnh sự quán Pháp sẽ hỗ trợ gì cho họ, thưa ông?

Đại sứ quán Pháp và Tổng lãnh sự Pháp tại Việt Nam có nhiều bộ phận chức năng  theo dõi những thông tin có liên quan về luật lệ, đầu tư - thương mại tại Việt Nam để hỗ trợ, cung cấp cho các DN Pháp. Chúng tôi cũng kịp thời cung cấp những thông tin tìm kiếm được cho Bộ ngoại giao Pháp, tiếp đón các đoàn DN Pháp sang Việt Nam, thậm chí bản thân tôi cũng sẵn sàng tư vấn nếu họ muốn tìm hiểu thêm về thị trường Việt Nam.

Trong Tổng lãnh sự quán tại TPHCM có Business France – với chức năng nghiên cứu thị trường Việt Nam để mời các DN Pháp sang Việt Nam buôn bán hay mở văn phòng hoặc tìm kiếm đối tác. Ngoài ra, phải kể đến Phòng Thương mại- Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cũng có chức năng này, thậm chí các DN Pháp chưa làm ăn tại Việt Nam cũng có thể đặt 1 văn phòng nhỏ trong Phòng Thương mại- Công  nghiệp Pháp để tiện cho việc tìm hiểu về thị trường .

Ông kỳ vọng gì về mối quan hệ Việt- Pháp trong thời gian tới?

Dựa trên quá khứ  chung giữa hai quốc gia, chúng ta có nghĩa vụ làm cho quá khứ ấy sống mãi và phát huy rực rỡ hơn nữa. Điều tôi mong muốn cũng như các vị lãnh đạo cấp cao của 2 nước mong muốn là làm sao phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác bền vững giữa Pháp và Việt Nam về mọi mặt, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Hiện nay, với chính sách thu hút khá thành công tại Khu công nghệ cao TPHCM, đã có nhiều công ty nước ngoài hoạt động tại đây, trong đó có 2 công ty  của Pháp là Cap Gemini - tư vấn tin học, Gameloft sản xuất ứng dụng game cho thiết bị di động.

Tương tự như thế, Pháp cũng đang có chương trình French Tech Ticket.  Đây là dự án tài trợ cho những bạn trẻ Việt Nam (và các nước khác) muốn phát triển các dự án khởi nghiệp hay làm ăn tại Pháp.

Chúng tôi cũng dự định thành lập Ngôi Nhà Pháp, nơi sẽ là trụ sở của Phòng Thương mại - Công nghiệp Pháp tại Việt Nam và Viện Pháp tại Việt Nam (IFV) - phân viện TPHCM. Hoạt động của IFV sẽ bổ sung cho hoạt động của IDECAF- viên đá tảng của quan hệ hợp tác văn hóa giữa 2 nước từ hơn 30 năm qua. Ngôi nhà Pháp sẽ là công cụ mới nhằm nâng cao hình ảnh và tính năng động trong các hoạt động của Pháp tại Việt Nam.

Cám ơn những chia sẻ của ông.

Theo Ngày mới Saigon- NXB Thanh Niên

Từ khóa : hợp tác bền vững