Nguyễn Trung Tín - "Rich kid" của Tập đoàn Trung Thủy: Cái gốc gia đình và những nhánh cây in hằn dấu ấn cá nhân

Trước khi có mối quan hệ thân thiết với Hoa hậu Đặng Thu Thảo, Nguyễn Trung Tín không phải là một nhân vật ồn ào trước truyền thông như nhiều "cậu ấm" khác. Anh cũng không nghiễm nhiên được gia đình đặt vào ghế CEO nếu không thực sự chứng minh được năng lực của mình và có được niềm tin từ cha mẹ.

Tuổi 20 của Nguyễn Trung Tín là hành trình tìm kiếm cái tôi của riêng mình với những tháng ngày du học trời Tây, bay nhảy cùng những dự án khởi nghiệp táo bạo. Giờ đây, ở tuổi tam thập nhi lập, CEO Tập đoàn Trung Thủy đang từng bước hòa cái tôi riêng vào cái chung của gia đình lớn, an nhiên bên gia đình nhỏ và những trăn trở vì cộng đồng, xã hội.

Nếu như TTG là cái gốc do vợ chồng doanh nhân Dương Thanh Thủy gầy dựng, thì co-working space Dreamplex hay những dự án nông nghiệp ở Củ Chi chính là nhánh cây ghi dấu ấn đậm nét của thế hệ thứ hai như Nguyễn Trung Tín. 

Dreamplex là nơi đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016, hiện đang hoạt động như một co-working space chuyên nghiệp, nhưng ít ai biết, trước đó đây là một... spa.

"Đó là năm 2015, tôi mới điều hành Tập đoàn Trung Thủy, còn Dreamplex lúc ấy là một spa. Tuy nhiên, việc kinh doanh spa không hiệu quả nên phải di dời. Rất tình cờ, tôi thấy mặt bằng trống nên đã cho thuê", Trung Tín nhớ lại.

Doanh nhân 8X khi đó trăn trở với suy tính, liệu có một mô hình kinh doanh khác, mới lạ và tạo thêm giá trị cho tòa nhà, cho môi trường xung quanh. 

"Tôi lên Google để tra cứu và thấy xu hướng không gian làm việc chung đã phát triển trên thế giới. Nhiều nơi trên thế giới đã rất thành công với mô hình này. Tôi đã dành thời gian nghiên cứu thị trường. Và may mắn, tôi có nhiều bạn làm startup mảng công nghệ để tham khảo ý kiến", Trung Tín kể về những ngày đầu đến với mô hình coworking space.

Sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng, tham khảo ý kiến bạn bè và nhận về những phản hồi tích cực, Trung Tín quyết định phát triển mô hình này. 

Công việc thiết kế và thi công hoàn thành rất nhanh chỉ trong 2 tháng. Ngay sau khi khai trương, khách đến ủng hộ rất đông, Dreamplex liên tục kín chỗ. Cùng thời điểm đó, Toong cũng khai trương tại Hà Nội.

Sau 3 năm vận hành, Dreamplex đã có 2 địa điểm tại TP HCM. Tín cho biết, trong vòng 1 tháng tới, anh sẽ đưa 2 địa điểm mới sẽ đi vào hoạt động (1 tại Hà Nội, và 1 tại TP HCM).

Dreamplex là một trong nhiều lĩnh vực mà Nguyễn Trung Tín đang đảm trách. Sau 3 năm vận hành dự án này, Tín quyết định chuyển giao vị trí CEO Dreamplex cho một cổ đông trong công ty, mà theo lời anh là "để nâng Dreamplex lên một tầm cao mới tới vị trí dẫn đầu của thị trường".

Chào Trung Tín, việc Dreamplex sẽ có CEO mới có phải vì anh đang quá bận rộn chăng?

Thời gian vừa rồi, tôi một mình 2 chân, cả TTG và Dreamplex. Tôi đang tham gia vào các dự án bất động sản (bao gồm Dreamplex), nông nghiệp và dịch vụ. 

TTG đang có 5 dự án bất động sản với 2.300 căn hộ. Đây là mảng tốn nhiều thời gian nhất. Mảng dịch vụ như Sen Spa đang hoạt động khá tốt. Còn dự án nông nghiệp ở Củ Chi mới đang ở giai đoạn sơ khai. Vùng đất này trước đây trồng cao su, đất hư và không hiệu quả. Giờ đây chúng tôi dự định trồng dưa lưới, chanh dây, rau quả an toàn. Chúng tôi đang thiết kế mặt bằng. Mục đích của chúng tôi là đem trải nghiệm nông nghiệp đến cho các gia đình, các em học sinh. Chúng tôi sẽ tạo ra các nông trại xanh có các loại rau thơm, cà chua…. Ba vợ tôi có vườn nhỏ xíu nhưng trồng được rất nhiều cây. Thực sự không phải là nhiều đất hay không mà cách họ làm và đam mê thôi. Một mảnh vườn của ba vợ trồng mà 2 bên gia đình không cần mua rau.

Về Dreamplex, dự án cần một người không phải là Trung Tín để dẫn dắt thương hiệu này lên vị trí tốt nhất của thị trường. CEO sẽ đảm nhiệm vị trí vào đầu tháng 8. Anh là cổ đông của Dreamplex và sẽ toàn tâm toàn ý với dự án này. 

Nhiều người làm CEO của nhiều doanh nghiệp giỏi thật. Họ có thể điều hành 5-6 công ty cùng một lúc. Tôi không hiểu là họ làm như thế nào mà lại được như vậy (cười). Nếu làm một dự án nào, thường phải chi tiết từng ly từng tí, toàn tâm trí thì mới tốt được. Họ thực sự rất giỏi.

Tín vừa đảm đương nối nghiệp và khởi nghiệp nhiều công ty. Vậy anh dành nhiều thời gian nhiều hơn cho khởi nghiệp hay nối nghiệp?

Một tuần của tôi dành 4-5 ngày cho bất động sản, 1 ngày với team Dreamplex. Thứ 7 là cho các công ty tôi đầu tư như công ty về nội thất, logistics, giới thiệu việc làm, ứng dụng quy hoạch thành phố…. Chủ nhật, tôi dành thời gian cho gia đình.

Vậy đối với những chiến lược của Trung Thủy, anh có phải đệ trình lên người sáng lập không?

"Cô chú" giao quyền quyết định cho tôi rồi. Tuy nhiên, những quyết định quan trọng dù không chính thống đệ trình nhưng tôi vẫn hỏi, kiểu như: "Ba mẹ, giá bán, sức bán như vậy, ba mẹ thấy như thế nào?"

Những câu hỏi thường xoay quanh tài chính và pháp lý. Còn về nhân viên, triển khai như thế nào thì tôi quyết định.

Mẹ tôi rất chi tiết về dịch vụ. Do đó, nếu mẹ thấy không vui thì cần phải có điều gì đó cần cải thiện. Mẹ tôi vẫn tích cực lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng để góp ý cho tôi.

Vậy làm bất động sản có phải là định hướng của ba mẹ anh không?

Tôi học kinh tế và xây dựng. Khi làm bất động sản thì tôi thấy rất "đã". Ba mẹ tôi cảm thấy tôi thích thú với bất động sản nên càng có động lực để làm.

Nếu không thích bất động sản thì chắc tôi chỉ làm dự án nào đó thôi rồi dừng. Nhưng tôi thích nên ba mẹ tôi lại tích cực mở rộng kinh doanh hơn.

Có một nền tảng gia đình vững chắc như vậy, nhưng lúc ra trường, anh có ý định xây dựng sự nghiệp cho riêng mình để tự khẳng định bản thân?

Lúc tôi mới ra trường thì khủng hoảng kinh tế đang diễn ra. Khi còn học bên Úc, tôi cũng làm thực tập sinh cho gia đình.

Sau đó, tôi mở quán kinh doanh và thành công nên cũng kiếm được ít tiền để đầu tư cho Dreamplex bây giờ.

Thời gian tiếp đó, do thấy ba mẹ tôi lớn tuổi nên tôi làm giám đốc điều hành của Trung Thủy. Làm CEO một công ty cũng "đã" rồi nên tôi đã cho dừng việc kinh doanh quán.

Tôi thích làm việc liên quan đến không gian nên cũng khởi nghiệp với mô hình không gian và dịch vụ. Nông nghiệp cũng là không gian và dịch vụ. Đó là đam mê của tôi.

Vậy khi làm cho công ty gia đình có những lợi thế và hạn chế gì?

Khi làm công ty gia đình, có cả ưu điểm và nhược điểm. Tôi nói về nhược điểm trước.

Thứ nhất là công ty gia đình thường không rõ ràng. Làm sai cũng la mắng đấy nhưng không quy trách nhiệm rõ ràng. Thứ hai, tính quản trị không cao, kiểu như: Có tiền là được rồi, đằng nào cũng là của chung. Thứ ba, không có nhiều cơ hội làm cổ phiếu cho nhân viên, dẫn đến việc khó giữ chân người tài.

Tuy nhiên, công ty gia đình cũng có ưu điểm rất lớn. Đầu tiên là nền tảng tốt thì sự tự hào rất lớn. Nếu công ty có trả lương cho CEO 50.000 USD thì họ cũng không quý công ty bằng con cháu trong nhà. Thứ hai, vì là công ty gia đình nên họ không phải hoạt động vì cổ phiếu, chứng khoán mà vì đam mê. Thứ ba, tính thừa kế rất cao. Nhìn các tập đoàn lớn như Heineken hay Mercedes, họ vẫn có ban quản trị chuyên nghiệp nhưng ban quản trị đó vẫn là công ty gia đình. Và tính trường tồn của công ty gia đình rất cao. Tuy nhiên, gia đình phải như thế nào đó thì mới có nền tảng tốt được.

Xen lẫn trong chia sẻ của Nguyễn Trung Tín là những lần nhắc đến hoa hậu Thu Thảo - vợ anh, và cô con gái đầu lòng mới 3 tháng tuổi. Mỗi lần nhắc đến vợ con, CEO 8X đều nở nụ cười rạng rỡ.

Với những ưu điểm lớn của công ty gia đình, anh có định hướng cho con làm cho công ty "của nhà" hay không?

Tôi sẽ cho con tiếp cận công việc gia đình sớm để con biết rằng ba đang làm như vậy, mẹ đang làm như vậy (Tín vừa nói vừa khoe ảnh con gái 3 tháng tuổi - PV). Mục đích là để con có cảm hứng và không ép buộc con theo suy nghĩ của cha mẹ.

Cha ông ta thường có câu: "Dẫn con ngựa tới hồ nước nhưng không bắt ngựa uống nước được". Tín thấy câu đó rất đúng.

Tôi sẽ dẫn con gái đi tới công trường, tới những dự án mà gia đình đang làm để truyền cảm hứng cho con.

Còn về bà xã của anh, hoa hậu Thu Thảo thì sao, công việc có nhiều thay đổi sau khi kết hôn?

Thảo có ít hợp đồng hơn vì không có nhiều quảng cáo. Bà xã than dạo này không kiếm được tiền. Thảo ít xuật hiện hơn mà gương mặt đại diện thì phải có tần suất gặp gỡ, giao lưu nhiều hơn.

Một số nhãn hàng muốn ký hợp đồng với Thảo đưa ra điều kiện là phải có Tín tham gia nữa (cười).

Vậy Thảo có tham gia vào công việc trên công ty không?

Rút kinh nghiệm từ bố mẹ, vợ chồng nếu làm chung một công ty thì sẽ lôi cả việc về nhà. Khi đi ăn, vẫn nhắc đến hợp đồng. Mà tôi đảm bảo rằng, vợ chồng giận nhau trên công ty thì về nhà vẫn giận, không thể rời công ty là hết giận được.

Cảm ơn anh!

Lan Đỗ

Theo Trí Thức Trẻ

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : Nguyễn Trung Tín, Trung Thủy, Rich Kid