Japan ICT Day lần thứ 9

Ngày 14/10/2015, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Câu lạc bộ Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) đã tổ chức Ngày CNTT Nhật Bản (Japan ICT Day) lần thứ 9 năm 2015. Đây là một trong những sự kiện thường niên quan trọng của ngành CNTT Việt Nam được tổ chức từ năm 2007 nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp CNTT hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Sự kiện được Bộ Thông tin & Truyền thông bảo trợ và có sự phối hợp của các tổ chức Nhật Bản như JISA, JETRO…

Với chủ đề: “Hợp tác trong phát triển ứng dụng IoT cho hạ tầng xã hội và gia công phần mềm & dịch vụ”, hội thảo đã thu hút sự tham dự của trên 50 đại biểu đến từ Nhật Bản và gần 200 đại biểu từ các doanh nghiệp CNTT Việt Nam.

Ông Nguyễn ThànhHưng Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông cho biết: Việt Nam đứng thứ 10 trong số các quốc gia hấp dẫn về CNTT và được các quốc gia đặc biệt là Nhật đánh giá cao. Theo Quyết định 392/QĐ-TTg, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ ngành có các chính sách ưu đãi hơn về thuế cho các công ty CNTT đặc biệt là phần mềm; nâng cao chuẩn hoá trình độ CNTT của các kỹ sư công nghệ,…

Hiện tại các doanh nghiệp CNTT làm việc với Nhật Bản đều đạt được sự tăng trưởng về doanh thu trong những năm gần đây. Cụ thể, Vinasa vừa công bố danh sách 40 doanh nghiệp ICT hàng đầu Việt Nam năm 2015. Trong đó, FPT Software là doanh nghiệp số 1 trong lĩnh vực BPO, IT Outsourcing, KPO xét trên cả quy mô doanh thu và nhân lực. Về quy mô doanh thu, năm 2014, FPT Software đạt 3.035 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần so với doanh nghiệp đứng thứ 2 và chiếm gần 22% tổng doanh thu của 40 doanh nghiệp ICT hàng đầu. Còn về quy mô nhân lực, FPT Software cao gần 2,3 lần so với DN xếp vị trí thứ 2.

Buổi hội thảo cũng đề cập đến xu hướng công nghệ mới như SMAC & IoT và vấn đề năng lực doanh nghiệp CNTT Việt Nam với Nhật Bản. Phát biểu về việc hợp tác phát triển trong các ứng dụng IoT, ông Hatakeyama Tsutomu, Phó Giám đốc FPT Nhật Bản cho rằng:

Cần có định hướng xây dựng chiến lược IoT rõ ràng hơn. Cụ thể, nên phát triển kỹ thuật nhúng bao gồm các cencor hướng đến dịch vụ cá nhân, dịch vụ công ty và cộng đồng; phát triển giải pháp IoT E2E kết nối từ các cencor đến big data và phản hồi kết quả lại cho thiết bị bằng Analytics; xây dựng các mối quan hệ đối tác với các tổ chức bên ngoài để phát triển HUB/ Giao thức IoT để nhập/ xuất dữ liệu sang big data; mở rộng các dịch vụ từ công ty đến cá nhân và cho cả cộng đồng; tạo ra các giá trị mới cho một xã hội IT rộng khắp.

Để đáp ứng kỳ vọng của hai phía doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software: Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang có những phát triển vượt bậc. Trong đó, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực CNTT là một trong những mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt là trong chiến lược Trung Quốc + 1 của Nhật Bản.

Còn đại diện công ty CAC Nhật Bản thì cho rằng: Có 3 điều kiện để triển khai thành công là : Giao tiếp – cụ thể là trao đổi các vấn đề chuyên môn, quản trị dự án nhắm đảm bảo dự án được thực hiện đúng, không bị chậm so với kế hoạch, giải quyết các phát sinh kịp thời - do đó, Việt Nam cần có kế hoạch đào tạo cho kỹ sư và đối tác Nhật - đây là chìa khoá vô cùng quan trọng; Năng lực SE quản lý của các kỹ sư Việt Nam đảm bảo thành công cho dự án; Năng lực soạn thảo, biên soạn tài liệu cho dự án.

Đồng quan điểm này, với kinh nghiệm 13 năm làm việc với đối tác Nhật Bản, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ: Để hoàn thành cần có sự hợp tác của cả 2 bên và cần có sự bình đẳng trao đổi ý kiến. Nhật Bản yêu cầu rất cao về chất lượng và thời gian đúng thời hạn, do đó, DN Việt Nam cần hiểu và quán triệt ngay từ đầu và phải đào tạo kỹ sư biết tiếng Nhật vì đối tác Nhật bản thường mong muốn trao đổi trực tiếp với các kỹ sư CNTT các vấn đề chuyên môn, quản trị dự án nhằm đảm bảo dự án được thực hiện đúng, không bị chậm so với kế hoạch hay giải quyết các phát sinh kịp thời. Ngoài ra, khi đã nói với Người Nhật thì phải làm được, đã hứa thì phải thực hiện được.

Để giải quyết bài toán nhân lực cho sự hợp tác CNTT với Nhật bản, ngoài chiến lược kết hợp onsite và off shore, FPT Software đã công bố thực hiện chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối BrSE từ tháng 11/2014. Chương trình này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm thành công của chương trình đào tạo kỹ sư cầu nối, được FPT Software triển khai trong nhiều năm qua. Theo đó, dự kiến sẽ có khoảng 5.000 kỹ sư của chương trình được đào tạo theo hình thức du học tại Nhật Bản, số còn lại sẽ được đào tạo tại Việt Nam theo chương trình đào tạo cử nhân CNTT của trường Đại học FPT và chương trình đào tạo kỹ sư cầu nối của FPT Software.

Đối tượng mà chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối hướng tới là các kỹ sư CNTT hoặc sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học, chuyên ngành CNTT. Tùy theo trình độ tiếng Nhật đầu vào, sẽ tham gia chương trình đào tạo tiếng Nhật khoảng 6 tháng đến 1 năm tại Việt Nam hoặc tại Nhật Bản để đạt trình độ tiếng Nhật N2. Sau khi được đào tạo, số lượng kỹ sư này sẽ được giới thiệu làm việc trong các dự án với đối tác Nhật Bản của FPT tại thị trường Việt Nam hoặc làm việc trực tiếp cho các công ty tại Nhật Bản.

 

Theo Ngày mới Saigon- NXB Thanh Niên

Từ khóa : Japan ICT Day