TP.HCM: Nông dân dài cổ chờ hỗ trợ giữa một 'rừng' quyết định

TP.HCM đã ban hành nhiều chương trình khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nhưng đến nay, không ít doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các chính sách.

Chiều ngày 27/8, Sở NN-PTNT TP.HCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ và trao đổi với doanh nghiệp về việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Các doanh nghiệp, HTX lại tiếp tục nêu lên các khó khăn mà trước đó đã từng được đề cập không ít lần.

Chờ hỗ trợ quá lâu

Năm 2017, ông Ngô Văn Đức, Giám đốc HTX Tân Đức (quận 9) thuê đất tại xã Trung An (huyện Củ Chi) để làm trang trại sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng. HTX tiến hành làm hồ sơ xin hỗ trợ lãi suất theo quyết định số 21 và đề án được phê duyệt hỗ trợ hơn 228 triệu đồng.

Đến cuối năm 2017, thành phố ban hành tiếp Quyết định số 62 khuyến khích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Theo đó các dự án có tổng vốn đầu tư dưới 2 tỷ sẽ chuyển từ Sở NN-PTNT sang UBND cấp huyện thụ lý giải quyết.

Ông Ngô Văn Đức cho rằng đối tượng thụ hưởng là người làm nông nghiệp rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thế nhưng, khi trao đổi với UBND huyện Củ Chi, ông Đức nhận được đề nghị phải làm lại toàn bộ hồ sơ từ đầu. Bản thân UBND huyện Củ Chi cũng không nhận được hồ sơ đề nghị hay chuyển giao từ Sở.

Theo ông Đức, quá trình thẩm định hồ sơ để được duyệt hỗ trợ tốn nhiều thời giờ, công sức. Quá trình HTX làm theo QĐ 21 không có sự phối hợp giữa Sở ngành và địa phương. Sau 2 năm chờ đợi, HTX Tân Đức quyết định nghỉ... xin và không theo đuổi nữa.

Ông Đức cho rằng TP.HCM cũng có nhiều chương trình khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. “Thế nhưng đối tượng thụ hưởng là người làm nông nghiệp rất khó tiếp cận các chính sách này. Quá trình xét duyệt chưa thông thoáng và còn cứng nhắc trong giải quyết hành chính”, ông Đức đánh giá.

Chia sẻ điều này, ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc HTX rau an toàn Hải Nông (xã Phước Vĩnh An, Củ Chi) kể đơn vị của mình mới thành lập nên gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư ban đầu.

HTX rất cần vốn để mở rộng mô hình sản xuất, sắm sửa vật tư và nhà sơ chế rau. “Bản thân HTX có tài sản thế chấp để vay ngân hàng. Tuy nhiên, đã gần 3 tháng nộp hồ sơ xin vay vốn theo Quyết định 655, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm từ ngân hàng”, ông Hải kể

Ông Lê Thế Khải, Giám đốc HTX bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi) cũng thừa nhận, thành phố có nhiều chính sách tốt. QĐ 655 khiến nhiều tỉnh thành phải ganh tỵ với nông dân TP.HCM. Tuy nhiên giữa văn bản và thực hành vẫn còn một khoảng cách.  

Thiếu hỗ trợ, vướng thủ tục

Ông Khải thì kể câu chuyện nhiều thủ tục hành chính còn làm vướng chân HTX. Cụ thể như việc xét nghiệm nguồn nước làm bánh tráng phải đáp ứng 109 chỉ tiêu, kinh phí gần 20 triệu đồng, và cứ 3 năm phải làm lại một lần. Ông Khải đặt vấn đề có cần thiết hay không khi số lượng chỉ tiêu này quá nhiều và rất tốn kém.

HTX Nấm Việt đánh giá trong nước chưa liên kết để cho ra công nghệ tối ưu, hỗ trợ nông dân giảm giá thành. Ảnh: Thuận Hải

Ngay tại HTX Phú Hòa Đông, có nhiều xã viên làm ăn khấm khá đã đầu tư hệ thống máy sấy bánh tráng. “Một hệ thống có thể lên tới 6 – 7 tỷ đồng và chúng tôi đang rất cần các nhà khoa học hỗ trợ công nghệ để giảm giá thành”, ông Khải nói.

Đồng tình, bà Lê Hà Mộng Ngọc, Giám đốc HTX Nấm Việt cho rằng nhà sơ chế gắn liền với công nghệ chế biến sau thu hoạch đang là vấn đề khó khăn đối với nhiều HTX hiện nay.

Sau nhiều năm cung cấp hàng cho đối tác Nhật Bản, bà Ngọc nhận ra nếu không có nhà sơ chế đường hoàng rất khó cạnh tranh với các đối thủ khác. “Trong nước chưa liên kết để cho ra công nghệ tối ưu. Mua công nghệ nước ngoài thì giá cao nên đội giá thành lên. Lúc đó sản phẩm chỉ có 1 ít người dùng”, bà Ngọc băn khoăn.

HTX rau Phú Lộc là một trong nhiều đơn vị gặp khó khi muốn xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Ảnh: Thuận Hải

Thêm một nan giải nữa là vấn đề xin phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp ngay trên đất nông nghiệp. Tại Củ Chi, HTX rau Phú Lộc được chọn làm HTX tiên tiến. Thế nhưng, vấn đề xin phép xây dựng nhà sơ chế trên đất nông nghiệp, phục vụ cho nông nghiệp nhưng vẫn giải quyết được trong khi cơ sở đang xuống cấp không đảm bảo vệ sinh ATTP.

Theo Dân Việt

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết Sở đã nhiều lần tiếp nhận các đề nghị về việc xây dựng trên đất nông nghiệp. “Rõ ràng phải có cơ sở ban đầu mới nuôi trồng được ổn định. Tuy nhiên Luật Đất đai và Luật Xây dựng hiện vẫn chưa thống nhất. UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng tập hợp giải quyết các đề xuất của Sở NN-PTNT nhưng vẫn còn chậm. Cũng như chuyện vay vốn ngân hàng, Sở NN-PTNT sẽ kiến nghị để tìm cách tháo gỡ”, ông Trung chia sẻ.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : nông dân, trợ giá