Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX đến năm 1930

Cuốn sách Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX đến năm 1930 giới thiệu đến bạn đọc những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào phong trào công nhân Sài Gòn cũng như phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ XX... 

Ra mắt vào dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cuốn sách Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX đến năm 1930 (NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành - ảnh), giới thiệu đến bạn đọc những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào phong trào công nhân Sài Gòn cũng như phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ XX cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào năm 1930.  

Theo chia sẻ của tác giả Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, tiền thân của cuốn sách là luận văn cao học được chị thực hiện vào năm 2001, đến năm 2008 được NXB Chính trị Quốc gia xuất bản thành sách. Năm 2018, cuốn sách một lần nữa tái ngộ với bạn đọc qua NXB Tổng hợp TPHCM, có bổ sung thêm nhiều nguồn tư liệu và hình ảnh.

Cuốn sách chứa đựng tình cảm của một người làm công tác sưu tầm, lưu giữ và tuyên truyền phát huy những di sản của Bác Tôn suốt gần 30 năm, từ khi tác giả bắt đầu công tác tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng vào năm 1989. Sau 19 năm, tác giả chuyển sang Bảo tàng TPHCM, nhưng chị vẫn có cơ duyên được tiếp xúc với rất nhiều nhân chứng lịch sử, các đồng chí lão thành cách mạng, từ các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đến những người dân bình thường đã có thời gian sống và làm việc cùng Bác Tôn, dành cho Bác Tôn một tình cảm hết sức trân trọng. 

Xuất phát từ tình cảm đó, tác giả Thu Huyền đã nung nấu để viết nên cuốn sách này với không ít khó khăn, nhất là trong quá trình đi tìm tư liệu. Tác giả Thu Huyền cho biết: “Đã có nhiều tác phẩm, công trình, kỷ yếu về Bác Tôn từ dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác nhưng chưa có một cuốn sách nào chuyên sâu vào nghiên cứu vai trò của Bác Tôn đối với công nhân thành phố cũng như đối với giai cấp công nhân Việt Nam, đặc biệt là từ những năm đầu thế kỷ XX cho đến trước khi thành lập Đảng. Thêm vào đó, những người cùng sống với Bác trong phong trào công nhân còn sống rất ít”.

Cuốn sách Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX đến năm 1930 được ra đời từ tình cảm và những nỗ lực không nhỏ của tác giả. Sách được bố cục thành 3 chương. Chương 1: Tôn Đức Thắng - Tuổi trẻ và chí hướng. Chương 2: Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn thời kỳ 1920 - 1930. Chương 3: Một vài nhận xét về vai trò của Tôn Đức Thắng đối với phong trào công nhân Sài Gòn. 

Với gần 200 trang, cuốn sách đã tái hiện một cách sinh động những sự kiện, những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đặc biệt, đã làm nổi bật mối quan hệ giữa Tôn Đức Thắng - người lãnh đạo - với quần chúng công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng và phong trào công nhân Việt Nam nói chung; qua đó góp phần bổ sung vào kho tư liệu lịch sử về Bác Tôn những kiến thức mới mẻ, có tính chuyên sâu với những chi tiết đắt giá. Ngoài ra, bạn đọc còn bắt gặp nhiều tư liệu và hình ảnh quý giá, liên quan đến cuộc đời và hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng mà một số cuốn sách trước không có

HỒ SƠN

Theo www.sggp.org.vn

Từ khóa : công nhân, tôn đức thắng