TS Trần Du Lịch: Nỗ lực cải cách nhưng còn ngổn ngang

Những vấn đề đặt ra cho kinh tế Việt Nam đã tồn tại từ khá lâu dài chứ không phải phát sinh mới nhưng chúng ra không giải quyết dứt điểm được...

6 tháng, GDP đã đạt mức tăng 7,08%, cao nhất trong 7 năm qua. Trên thực tế, nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, số lượng các doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động và giải thể không giảm; sản xuất trong nước từ công nghiệp đến nông nghiệp chưa thực sự bền vững... Vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, cũng như đơn giản các thủ tục hành chính… diễn ra khá chậm. Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra cho kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm và chuẩn bị cho năm tiếp theo là gì? Liệu năm 2018 GDP có đạt được mức tăng 6,7% như kỳ vọng.

PV Báo SGGP đã trao đổi với TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, để làm rõ những vấn đề nêu trên.

* PV: Thưa tiến sĩ, ông có thể đánh giá khái quát tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2018?

- TS Trần Du Lịch: Sau 2 lần thực hiện kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế vào các năm 2011 và 2016, đến quý 2-2017, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi và đạt mức tăng trưởng cao và kéo dài đến quý 1-2018. Tuy nhiên, đến quý 2-2018, tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu giảm lại. Đáng lo ngại nhất hiện nay là chúng ta đang kỳ vọng một nền kinh tế tăng trưởng đảo chiều giai đoạn 2017 - 2018 đến 2020 nhưng với các dấu hiệu hiện nay cho thấy, xu hướng đảo chiều có phần khó khăn.

Để đánh giá tình hình trong một thời gian dài như vậy, có thể xét trên các khía cạnh.

Thứ nhất so thời điểm hiện nay với đầu nhiệm kỳ này, có các điểm sáng như chỉ tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, thanh khoản của hệ thống thương mại, lãi suất, nhất là xuất khẩu sáng sủa hơn.

Thứ hai, tuy có một số khó khăn nhưng xuất khẩu cũng đã đi vào các ngành, lĩnh vực như nông sản, các mô hình sản xuất từ nông nghiệp công nghệ cao. Thứ 3, trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch có tăng trưởng khá tốt.

Về chất lượng tăng trưởng giai đoạn 2016 đến nay, năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động tăng, yếu tố sử dụng vốn như tổng đầu tư xã hội ở mức 31% - 32% GDP, trong khi trước đây có thể lên đến hơn 40%, hay tăng tín dụng ở mức 17% trong khi trước đây hơn 20%, cá biệt 2007 lên tới 53%... Đây là những dấu hiệu tích cực. Nhưng từ quý 2-2018, ảnh hưởng quốc tế đến nền kinh tế Việt Nam tương đối lớn, nhất là từ tháng 7 khi diễn ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì những lo ngại của thị trường tác động đến nền kinh tế đã xuất hiện trên đại bộ phận DN, cũng như những lo lắng tác động đến các chính sách tiền tệ, khiến giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đang có dấu hiệu tăng, gây bất lợi cho DN.

Đi vào cụ thể, GDP có dấu hiệu chựng lại nên khó đạt mục tiêu tăng trưởng cao như 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, những động lực thúc đẩy tăng trưởng chưa rõ nét. Nông nghiệp có khởi sắc nhưng cũng chưa dự liệu hết thiên tai và đóng góp vào tăng trưởng không lớn. Du lịch tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng chưa tăng tương xứng. Nay đi vào cuộc cách mạng 4.0, cần một nguồn lực mới thì lại bị hụt hẫng vì cái nền xây không được chắc.

Chúng ta cũng đặt ra vấn đề quy hoạch kết cấu hạ tầng rất lớn nhưng tất cả các dự án đều bị chậm trễ. Đường cao tốc, xe lửa tốc độ cao không biết đến bao giờ mới xong. Các đô thị đang xuất hiện vấn nạn kẹt xe, ngập nước… Đây là những vấn đề nóng bỏng nhưng dư địa để huy động nguồn lực lại không nhiều. Hiện nay các hình thức hợp tác như BT, BOT đều bị tắc, trong khi ngân sách thu không đủ chi thường xuyên và trả nợ thì làm sao nói đến chuyện đầu tư. Bài toán tái cơ cấu đầu tư, giảm chi thường xuyên đã không đạt được, bộ máy không tinh gọn… Tất cả nỗ lực cải cách là rất lớn nhưng vẫn còn ngổn ngang.

* Đâu là vấn đề làm cho ông băn khoăn, trăn trở nhất?

- Theo tôi, chúng ta đã rất nỗ lực trong vấn đề cải cách lĩnh vực đầu tư công nhưng thủ tục để giải ngân lại rất vướng, rất khó khăn. Trên thực tế, những vấn đề đặt ra cho kinh tế Việt Nam đã tồn tại từ khá lâu dài chứ không phải phát sinh mới nhưng chúng ra không giải quyết dứt điểm được.

Cụ thể như tái cơ cấu đầu tư công, như tổ chức sắp xếp lại DN nhà nước. Cải cách hành chính công đang thực hiện theo kiểu lồng ghép trung ương và địa phương nên không tạo sự minh bạch, bộ máy chồng chéo đã “đẻ” ra rất nhiều công cụ, nhưng lại không có lĩnh vực nào thiết lập được trật tự, kỷ cương. Trách nhiệm này thuộc về ai? Nói cách khác, những vấn đề cơ bản cần hoàn thành trong giai đoạn 2011 - 2015 thì cho đến nay vẫn phải làm. Điều này đã làm giảm niềm tin từ người dân và cộng đồng DN.

Hiện nay xuất hiện một vấn đề mới, đang có sự không công bằng giữa DN trong nước và DN FDI. Công bằng mà nói, việc thu hút vốn FDI sau 30 năm qua đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế đất nước, không chỉ là giải quyết việc làm, xuất khẩu, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới mà còn chuyển giao về công nghệ và quản lý. Nhìn lại đội ngũ lao động làm việc trong DN FDI nay chuyển qua DN trong nước, đó cũng chính là sự chuyển giao nguồn nhân lực. Mục tiêu thu hút FDI để phát triển công nghệ, xây dựng tiềm lực nền kinh tế trong nước là không đạt được nên một số ý kiến cho rằng, FDI đi thì chúng ta chẳng còn lại gì. Nếu giải quyết không khéo, không thay đổi tư duy cũng như cơ cấu thu hút thì sẽ tạo mâu thuẫn giữa kinh tế trong nước và FDI.

Theo tôi, không nên để chuyện này xảy ra vì chúng ta đã xác định DN FDI là một bộ phận của nền kinh tế VN. Nhưng cách chúng ta thu hút DN DFI mới chỉ là DN làm gia công, thu hút lao động rẻ nên không tạo ra sức lan tỏa, làm thay đổi tính chất của nền kinh tế.

* Là thành viên của tổ Tư vấn, ông có thể cho biết Chính phủ đã và đang điều hành nền kinh tế như thế nào?

- Với ý kiến cá nhân tôi thì trước tình hình này, Chính phủ đã đặt ra các chỉ tiêu vĩ mô rất cụ thể, như tập trung củng cố tỷ giá đồng tiền để tránh tác động từ bên ngoài. Ý kiến về phá giá đồng tiền không còn phù hợp trong tình hình hiện nay và ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý DN. Hiện xung đột pháp lý đang diễn ra ở khá nhiều lĩnh vực. Ví dụ nhiều đạo luật mới ban hành vừa qua đã phải tập trung để sửa như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công… Những đạo luật này đang có nhiều xung đột nên phải sửa ngay để đảm bảo nguồn vốn trong đầu tư được thông suốt, tránh tình trạng chúng ta có vốn nhưng vẫn không hấp thụ được.

Với cá nhân tôi cho rằng Chính phủ phải quyết tâm xử lý nghiêm việc lạm dụng điều kiện kinh doanh để cản trở sự thâm nhập, khả năng gia nhập thị trường của DN. Hiện chúng ta còn hơn 5.000 điều kiện kinh doanh thì phải giảm ít nhất 50% trong số này. Tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, tập trung khuyến khích các ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nên xem đây là một trong những vấn đề đột phá của nền kinh tế, do vậy cần xây dựng chính sách tốt để thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp. Chính các DN này sẽ là con sếu đầu đàn để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo quy mô lớn, hiện đại. Đối với các chính sách về tài chính, để tạo sức đề kháng với các tác động từ bên ngoài thì tập trung củng cố nền tài chính và hệ thống tín dụng, không tăng tín dụng quá cao, tỷ giá đồng tiền linh hoạt và giữ lãi suất chấp nhận được, để tạo niềm tin rằng kinh tế vĩ mô ổn định.

Ngoài ra, cần xây dựng một chương trình riêng về nâng cao năng suất lao động, xem đó như một trong những biện pháp đột phá có cơ sở nhất để nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, tập trung nghiên cứu các chính sách cho mô hình khởi nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm tốt những vấn đề trên sẽ tạo điều kiện tốt cho những tháng cuối năm 2018 và hy vọng nền kinh tế sẽ đi vào ổn định, làm cơ sở từ năm 2021 trở đi tăng trưởng đạt mức 7% - 7,5%.

THÚY HẢI (thực hiện)

Theo www.sggp.org.vn

Từ khóa : cải cách