Ngành nội dung số và nút thắt bảo hộ ngược

Doanh nghiệp nội dung số trong nước bị quản lý rất chặt, trong khi các doanh nghiệp xuyên biên giới cung cấp dịch vụ thoải mái, có nhiều ưu đãi. Nhà nước vẫn chưa tạo được chính sách công bằng để các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh.

Vấn đề bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp nội dung số - nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (nước ngoài) một lần nữa lại được xới lên trong buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Thông tin và Truyền thông, cuối tuần trước tại Hà Nội.

Lần này, đề xuất không chỉ đến từ các doanh nghiệp nội dung số mà ngay cả lãnh đạo cao nhất của ngành tuyên giáo, ông Võ Văn Thưởng cũng lên tiếng khi tham dự buổi làm việc này. 

“Làm sao phải khắc phục được tình trạng bảo hộ ngược đối với các doanh nghiệp cung cấp nội dung số, các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội xuyên biên giới. Chúng ta quản lý đối với các công ty trong nước khắt khe hơn các công ty nước ngoài và điều này làm cho các công ty trong nước không phát triển được”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nên thực trạng.

Ông cũng cho biết từng có lần đề cập đến vấn đề này và cho biết quan điểm, những giải pháp đưa ra có thể là trong ngắn hạn chúng ta chấp nhân sự sụt giảm về lợi nhuận để xử lý vấn đề bảo hộ ngược và sau đó doanh nghiệp và ngành dịch vụ nội dung sẽ phát triển lại như một mảng đầu tư cho các các doanh nghiệp trong nước.

Trên thực tế, vấn đề bảo hộ ngược cho các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Google/YouTube, Facebook…) đã được đề cập từ nhiều năm nay. Tuy nhiên tính thời sự của nó vẫn nóng hổi bởi những giải pháp khắc phục vẫn còn nằm ở… thì tương lai. Các doanh nghiệp nội dung số trong nước. Vì thế, hàng ngày hàng giờ phải cạnh tranh không bình đẳng và chịu nhiều thiệt thòi so với các công ty nước ngoài.

Số liệu từ từ Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, quy mô phát triển của ngành nội dung số trong nước hiện còn rất nhỏ, chưa xứng với tiềm năng của thị trường. Hiện cả nước có khoảng 3.200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội dung số, nhưng tổng doanh thu năm 2017 mới đạt khoảng 800 triệu USD, mức tăng trưởng hàng năm bình quân khoảng 18%/năm. 

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói, nếu so với tỷ trọng ngành viễn thông thì mới chỉ được khoảng 10%, trong khi ở các nước khác ngành này chiếm khoảng 25-30%. Và Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu sẽ có những chính sách để ngành nội dung số đạt 20-30% doanh thu ngành viễn thông.

Quy mô phát triển của ngành nội dung số trong nước hiện còn rất nhỏ, chưa xứng với tiềm năng của thị trường.

Đó là kỳ vọng trong tương lai. Còn hiện tại, sự bảo hộ ngược các công ty nước ngoài,  khiến các doanh nghiệp nội dung số trong nước phải chịu sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới, theo ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC. Doanh nghiệp trong nước bị quản lý rất chặt, trong khi các doanh nghiệp xuyên biên giới cung cấp dịch vụ thoải mái, có nhiều ưu đãi. Nhà nước vẫn chưa tạo được chính sách công bằng để các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh.

Theo ông Lưu Vũ Hải đây là lý do khiến các doanh nghiệp nội dung số trong nước chưa lớn lên được, chưa tương xứng với tiềm năng.

“Chính sách bảo hộ ngược” cho các công ty nước ngoài – theo các doanh nghiệp nội dung trong nước (từng rất nhiều lần chia sẻ, bức xúc) - ở chỗ: trong khi các doanh nghiệp nội dung trong nước làm các trang thông tin, khi đưa thông tin lên thì hết cơ quan này đến đơn vị khác hỏi, trong khi cũng như thông tin đó đưa lên Facebook thì không ai hỏi cả. 

Hay ngành game online, Nhà nước quy định Game G1 phải phê duyệt nội dung kịch bản, với các thủ tục hành chính giấy tờ rất nhiều, bị quản lý rất chặt (chưa kể những người phê duyệt không chơi game nên không đọc được hồ sơ), trong khi đó, mỗi ngày trên các kho ứng dụng (store) ra hàng chục, hàng trăm game mới không sao kiểm soát được.

Tình trạng “bảo hộ ngược” đặc biệt còn thể hiện ở chỗ, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đóng tất cả các loại thuế, còn các doanh nghiệp xuyên biên giới lại không (không thuế thu nhập cá nhân VAT, không thuế thu nhập doanh nghiệp, không bảo hiểm…). 

Sự cạnh tranh không bình đẳng trên khiến các doanh nghiệp làm nội dung trong nước bất lợi trong việc phát triển dịch vụ, sản phẩm, bị mất cơ hội trên thị trường… khiến các doanh nghiệp nội dung Việt ngày càng teo tóp, bất lợi trong việc giữ chân và thu hút các nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng. Các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không phải đóng các loại thuế, không chịu sự quản lý, lại có tiềm lực tài chính lớn mạnh nên đã lôi kéo, thu hút nhân lực của các doanh nghiệp nội.

Cũng vì thế mà nhiều doanh cho biết họ không muốn đầu tư dài hạn cho dù ngành này muốn phát triển phải đầu tư tương đối dài hạn và một nền tảng tốt cần được đầu tư từ 3 - 5 năm, và quay ra chỉ khai thác các dịch vụ ngắn hạn, không đầu tư dài hạn.

Ngành nội dung số - xu hướng phát triển tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, lĩnh vực game online - theo Bộ Thông tin và Truyền thông và nhiều đơn vị tổ chức, đơn vị khác nhau, là còn rất nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, từ tực tiễn như phân tích trên, để khai phá được “mảnh đất màu mỡ” này thì việc làm thiết yếu và cấp bách ngay bây giờ là phải xóa bỏ cơ chế bảo hộ ngược và xây dựng các chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nội dung số trong nước phát triển.

TRUNG ĐỨC

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : doanh nghiệp, nội dung số