Khởi nghiệp vì sao 90% thất bại?

Vài năm trở lại đây, khởi nghiệp đã tạo thành làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng người dân. 2016 được xem là năm “Quốc gia khởi nghiệp”. Thế nhưng tỷ lệ thất bại ở các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp vẫn chiếm tới 90%. Làm thế nào để DN khởi nghiệp vượt qua được các thách thức để đi tới thành công? 

Tạo khí thế khởi nghiệp cho giới trẻ

Được thành lập từ năm 2008, CTCP Tri thức DN quốc tế, nay là Học viện Khởi nghiệp Thành Công, đã có nhiều hoạt động trong các lĩnh vực như đào tạo, phát hành sách và tổ chức sự kiện. Riêng trong mảng đào tạo, Học viện định hướng tập trung phát triển nguồn lực trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng cho người khởi nghiệp.

Các DN khởi nghiệp/startup của Việt Nam có khá nhiều ý tưởng hay và độc đáo, nhưng điểm yếu là thiếu hoạch định và chiến lược kinh doanh khả thi. Chính điều này đã làm chết yểu tỷ lệ không nhỏ DN khởi nghiệp ngay trong 1-2 năm đầu tiên. Vì thế, ngoài nỗ lực của DN khởi nghiệp, vai trò hỗ trợ của Nhà nước hết sức quan trọng.TS. NGUYỄN TRÍ THÀNH, nguyên Phó Viện trưởng CIEM

Có những chương trình đã trở thành thương hiệu của học viện như “khởi nghiệp thành công phải bắt đầu từ đâu”; “hoạch định chiến lược kinh doanh”; “định cao thương hiệu”… Cùng với đó Học viện cũng thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp Thành Công với mục đích hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp khả thi.

Không dừng lại ở đó, Học viện Khởi nghiệp Thành Công còn hợp tác với các trung tâm, viện, trường nhằm hỗ trợ phong trào khởi nghiệp trên khắp các tỉnh/thành. Cụ thể, cuối tuần trước tại TPHCM, Học viện và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018-2023. Theo đó, 2 bên sẽ phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền và tổ chức các chương trình đào tạo khởi nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, nhấn mạnh thông qua hợp tác lần này Viện sẽ mở rộng chương trình hỗ trợ cho DN, tạo khí thế khởi nghiệp cho giới trẻ TPHCM, những người muốn dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh. Qua đó hình thành các DN mới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, giúp TP nói riêng, Việt Nam nói chung tiến tới có vị thế mới trong khu vực và thế giới. 

Chia sẻ với các bạn trẻ về con đường khởi nghiệp, CEO Đặng Đức Thành, Giám đốc Học viện Khởi nghiệp Thành Công, khẳng định: “Muốn khởi nghiệp, muốn kinh doanh thành công trước hết phải có kỹ năng kinh doanh, phải học cách kinh doanh, phải vận dùng chữ “thời” trong kinh doanh một cách hiệu quả, đúng đắn và sáng tạo”.

Dù có nhiều ý tưởng hay và độc đáo nhưng thiếu hoạch định và chiến lược cũng như kỹ năng kinh doanh ...sẽ đưa các bạn trẻ muốn khởi nghiệp dễ thất bại. Suốt những năm làm CEO tại nhiều DN, tập đoàn, ông Đặng Đức Thành luôn trăn trở làm sao để các DN nhỏ của Việt Nam có thể thành công và phát triển bền vững. Theo phân tích của ông Thành, nguyên nhân khiến DN khởi nghiệp Việt Nam những năm gần đây gặp nhiều khó khăn do phải đương đầu trong một cuộc cạnh tranh không cân sức, khi đối thủ là những gã khổng lồ - các DN quốc tế - còn DN Việt chỉ như những người tí hon. 

Nhận diện khởi nghiệp và startup 

Hiện nay vẫn có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup). Khi nhắc đến startup là nói đến tính đột phá, sáng tạo. Tạo ra điều gì đó chưa hề có trên thị trường hoặc một giá trị tốt hơn nhiều cái đang có. Chẳng hạn có thể tạo ra một phân khúc mới trong sản xuất, một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, hoặc một loại công nghệ độc đáo chưa hề có. Ngoài ra khi nhắc đến startup là nói đến tham vọng tăng trưởng cùng độ rủi ro cao chưa thể tính toán hết được.

Để khởi nghiệp thành công, DN phải bắt đầu bằng việc xây dựng đề án kinh doanh khả thi. Đây là kim chỉ nam cho hoạt động và chiến lược của công ty sau này. Có đề án kinh doanh khả thi, DN sẽ dễ huy động vốn từ nhiều nguồn như gia đình, bạn bè, những nhà đầu tư, ngay cả phương án góp vốn hình thành CTCP…Ông LƯU TRƯỜNG BÁCH, Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ đầu tư Sông Ngân

Trong khi đó, khởi nghiệp là một người/nhóm người kiếm tiền bằng cách bắt đầu công việc kinh doanh hoặc vận hành công việc kinh doanh. Song cả 2 khái niệm khởi nghiệp và startup đều đáng quan tâm vì đều mang lại cho bản thân, xã hội những giá trị nhất định, và cần có những hỗ trợ để tránh thất bại.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay những bạn trẻ khởi nghiệp thường thiếu khả năng làm việc theo nhóm nên họ thường cô đơn.

Để hạn chế các điểm yếu này, cần tạo vốn xã hội cho họ thông qua tăng cường kết nối. Ngoài ra vai trò của đội ngũ cố vấn (mentors) với bề dày kinh nghiệm là cực kỳ quan trọng. Thực tế chứng minh, đằng sau thành công của một startup thường có bóng dáng của cố vấn. Giải quyết xong 2 vấn đề lớn này, cái startup cần tìm kiếm là nguồn vốn đầu tư.

Về việc gọi vốn đầu tư, nhiều quỹ đầu tư và cả chuyên gia đều cho rằng các DN khởi nghiệp phải học hỏi nhiều hơn để có thể thực sự thuyết phục nhà đầu tư rót vốn cho dự án của mình.

Có 4 yếu tố thường được quỹ đầu tư đánh giá trước khi quyết định rót vốn: giải pháp của DN có giải quyết được nhu cầu và vấn đề của xã hội; độ lớn của thị trường DN có thể chiếm lĩnh; lợi thế cạnh tranh so với đội nhóm khác; cách thức tổ chức phân nhóm để thực thi được dự án để chiếm lĩnh thị trường.

Khi tìm kiếm các giải pháp giải quyết nhu cầu của xã hội, có một thực tế DN khởi nghiệp không được bỏ qua, là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Bởi CMCN 4.0 có tác động vô cùng sâu sắc đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nó là nguồn vô tận cho sáng tạo sản phẩm mới, đáp ứng tốt nhất cho xu hướng thị trường và cách mạng tiêu dùng hiện nay với các xu hướng chủ đạo: xanh hơn, thông minh hơn, văn hóa hơn, tích hợp hơn và cá tính hơn.

Hiện theo báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015/2016, dựa trên phương pháp tiếp cận GEM của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số đổi mới của các hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam thuộc loại thấp, xếp thứ 50/60 các nền kinh tế. Trong giai đoạn khởi nghiệp ở Việt Nam, các định hướng “mới” có chỉ số cực thấp khi chỉ 4,8% sản phẩm được xem là mới, 4,4% công nghệ mới, 2,2% thị trường mới. Thậm chí khi đã bước vào giai đoạn kinh doanh ổn định, 3 yếu tố chính là sản phẩm, thị trường và công nghệ của DN Việt Nam còn tụt thấp hơn nữa.

Cần những giải pháp thiết thực

Hiện nay Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp, song tìm được những giải pháp thực sự hữu ích và thiết thực không đơn giản. Trước hết là tài chính cho đổi mới của khởi nghiệp, nhất là trong giai đoạn đầu. Bởi DN khởi nghiệp đòi hỏi nhiều nguồn tài chính khác nhau khi dịch chuyển từ thử thách của giai đoạn triển khai ý tưởng sang thành lập và niêm yết.

Học viện Khởi nghiệp Thành Công và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018-2023.  Ở đây đánh giá rủi ro rất quan trọng, nhưng theo các DN khởi nghiệp các tổ chức trung gian ở Việt Nam còn thiếu năng lực này. Ngoài tài chính, một vấn đề khác luôn được nhấn mạnh là các ưu đãi như miễn giảm thuế, trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Điều này rất cần thiết với các DN khởi nghiệp khi có các hoạt động đổi mới sáng tạo. 

Bàn về vai trò của hệ sinh thái khởi nghiệp, ngoài vai trò của Nhà nước cũng cần bàn tới nhiều vai trò khác. Dưới góc nhìn của bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn khá mới và có rất nhiều đối tượng trong hệ sinh thái cần được phát triển, hoặc hỗ trợ phát triển.

Startup là đối tượng quan trọng và thiết yếu, nhưng không phải đối tượng duy nhất và startup không thể thành công nếu thiếu các đối tượng khác trong hệ sinh thái. Một trong những đối tượng chưa được tập trung nhiều nguồn lực là các nhà đầu tư cá nhân/thiên thần, những người sẽ cung cấp vốn ban đầu, hỗ trợ startup từ lúc còn mới phôi thai.

Hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân/thiên thần chủ yếu hoạt động tự phát, chưa có nhiều liên kết với nhau và chưa có chuyên nghiệp hóa trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp. Chính vì còn thiếu nhiều yếu tố, nên dù khởi nghiệp được quan tâm nhiều nhưng sức hút của các DN khởi nghiệp Việt so với khu vực và thế giới vẫn còn khá khiêm tốn. 

Tuy có các thương vụ trị giá vài chục triệu USD, nhưng tính chất của thương vụ lại thiên về việc thâu tóm startup, có chút khác biệt với đầu tư để tăng trưởng. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế dù các startup Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, nhưng sức hút của startup Việt vẫn còn hạn chế hơn so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, cũng không phải bi quan, vì mỗi hệ sinh thái khởi nghiệp đều phải trải qua những giai đoạn mới hình thành còn non trẻ, nên việc thu hút nguồn vốn đầu tư vẫn chỉ mới bắt đầu. Vấn đề là các startup và tác nhân khác trong hệ sinh thái cần hợp tác nhiều hơn, cố gắng rất nhiều mới có thể tạo nên những thương vụ ngang tầm với startup khu vực và quốc tế. 

THÁI HÀ/ĐTTCO

Theo www.sggp.org.vn

Từ khóa : khởi nghiệp