Thị trường ô tô tháng 8/2018: Xe nhập khẩu trở lại, dự báo sôi động cuối năm
(NTD) - Doanh số tăng 66% so với tháng 7/2018 là dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc thực sự của dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc. Đó cũng là chỉ dấu cho sự trở lại đường đua đầy ngoạn mục của ô tô nhập khẩu sau thời gian bị lép vế trước xe lắp ráp, như dự đoán của nhiều chuyên gia hồi đầu năm.
Sự trở lại của xe nhập khẩu
Theo báo cáo doanh số của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 8/2018 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh của ô tô nhập khẩu. Đáng chú ý, thị trường ô tô tháng 8 bị ảnh hưởng mạnh bởi tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn), song dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc vẫn tăng vọt 66% so với tháng trước.
Tổng số lượng xe bán ra trong tháng 8 của toàn thị trường là 20.504 chiếc, giảm 4% so với tháng 7, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, so với tháng trước, doanh số xe du lịch giảm 2%, đạt 13.815 chiếc; xe thương mại giảm 9%, đạt 6.313 chiếc và xe chuyên dụng giảm 4%, đạt 376 chiếc.
Ở từng thị phần, xe lắp ráp trong nước có số lượng bán ra đạt 14.875 chiếc, giảm 18% so với tháng trước trong khi doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 5.629 chiếc, tăng 66% so với tháng 7/2018.
Sự sụt giảm số lượng của toàn thị trường trong tháng 8 là điều đã được lý giải, vì tâm lý của người tiêu dùng Việt muốn tránh tháng 7 âm lịch. Trong khi đó, sự gia tăng của lượng xe nhập khẩu trong tháng này đã được dự báo từ trước. Theo giới chuyên môn, ảnh hưởng của Nghị định 116 khiến thị trường ô tô nội địa gần như chỉ là sân chơi riêng của ô tô lắp ráp. Tuy nhiên, khi đã vượt qua “rào cản” tiêu chuẩn của Nghị định 116, lượng xe nhập khẩu tung ra thị trường sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, một phần do tâm lý cân nhắc mua hàng chất lượng. Nói như chuyên gia ô tô Võ Quốc Bình: “Tâm lý chờ và sự lên ngôi của nhận thức người tiêu dùng đã ảnh hưởng đến thị trường ô tô giai đoạn cuối năm”.
Thị trường ô tô sôi động giai đoạn cuối năm
Nhìn tổng thể, bức tranh về thị trường ô tô tháng 8 vẫn mang một gam màu ảm đạm. Sự sụt giảm của toàn thị trường, trong ảnh hưởng của tháng 7 âm lịch là điều phản ánh rõ nhất tâm lý mua hàng của người tiêu dùng Việt. Con số tăng trưởng dương 66% (5.629 chiếc) của ô tô nhập khẩu không đủ để bù đắp sự sụt giảm của thị trường. Nhìn tổng quát thị trường ô tô nội địa từ đầu năm, doanh số bán hàng của xe nhập khẩu vẫn giảm 41%, còn xe lắp ráp trong nước tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong khoảng thời gian cuối năm. Xe nhập khẩu dần trở lại “đường đua” trong khi xe lắp ráp cũng không hoàn toàn chịu lép vế. Nhiều chuyên gia và người tiêu dùng đã nhìn về thị trường ô tô Việt với con mắt đầy hy vọng.
Sự ra đời của Vinfast, dòng xe ô tô do người Việt tự sản xuất đầu tiên đã tạo nên những hiệu ứng đáng kể. Nhìn một cách tích cực, việc có thêm đối thủ cạnh tranh sẽ khiến thị trường thêm đa dạng và hấp dẫn. Trong khi, chiếc xe đầu tiên do người Việt tự sản xuất chắc chắn sẽ mang lại niềm tự hào đáng kể cho người Việt và giữ vững thị phần trên “sân nhà”.
Cùng với THACO, Vinfast hứa hẹn về một cuộc cạnh tranh đúng nghĩa với dòng xe ngoại nhập. Người tiêu dùng sẽ có nhiều điều kiện để đưa ra lựa chọn tối ưu nhất cho mình. Các hãng xe cũng sẽ phải chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng nếu không muốn mất thị phần.
Nhìn chung, thị trường ô tô giai đoạn cuối năm sẽ thực sự sôi động, sau thời gian đầu khá mất cân bằng. “Khi các mẫu xe nhập khẩu trở lại, cuộc đua doanh số và chiếm giữ thị phần sẽ trở nên khốc liệt hơn. Không loại trừ sẽ có một cuộc đua giảm giá gay cấn không kém gì năm 2017. Ngoài việc giảm giá, các hãng xe có thể sẽ có thêm nhiều phiên bản khác nhau để phủ sóng toàn bộ các phân khúc do việc nhập khẩu đã trở nên dễ dàng hơn”. - Chuyên gia Võ Quốc Bình đúc kết.
Đăng Kiệt
Theo www.nguoitieudung.com.vn
Từ khóa : ô tô