Phong thủy học – Thực tế và những nỗi bận tâm

Cách đây mấy chục năm, khi làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào nước ta ngày càng lớn, tôi là một trong số những người liên tục được các dDoanh nhân đề nghị đến xem phong thủy giúp. Tôi đã vui vẻ nhận lời.

 

Lúc đầu gần như chỉ có doanh nhân của Đài Loan và Hồng Kông, sau đến doanh nhân người Hàn, người Nhật, người Malaysia và cuối cùng còn có một số Tiến sĩ người Anh và người Pháp xin được đi theo tôi để quan sát và cũng để học được gì cứ học. Họ rất lấy làm ngạc nhiên trước kho kiến thức vô cùng phong phú và uyên bác do xã hội phương Đông cổ đại tích lũy được nhưng khi còn ở chính quốc họ chưa từng biết tới

 

 Thế rồi một thời gian sau, các lớp đào tạo Phong thủy học được mở ra và đương nhiên tôi là một trong những giảng viên được mời tới giảng bài. Nhưng tất cả các lớp tôi tới giảng dạy đều chỉ dừng lại ở trình độ sơ cấp bởi lý do đơn giản là không ai đủ năng lực để nghe bài giảng ở trình độ cao hơn. Học viên đều là những tấm gương sáng về tinh thần hiếu học và nói chung họ rất giỏi nhưng giỏi ở các lĩnh vực khác chứ không giỏi ở lĩnh vực này. Tôi đành cáo lỗi và xin ngưng giảng dạy bởi ba khiếm khuyết mang tính phổ biến của học viên :

  • Không ai đọc được văn ngôn – loại văn tự bắt buộc phải dùng đến khi tiếp cận với ngành Phong thủy học. Nếu không đọc được văn ngôn có nghĩa không sao tiếp cận được những tài liệu gốc về Phong thủy học.
  • Chưa được trang bị những tri thức căn bản về nền cổ học Trung Quốc và Việt Nam nên chưa nắm vững vị trí và đặc trưng của các định tinh, chưa thể biết quy luật vận hành của các hành tinh, về mối quan hệ tương hỗ, tương tác và tương hợp của Tam tài (Thiên, Địa và Nhân); chưa đủ sức để nhận diện mạch đất và mạch nước với những tác động tất yếu tới con người sinh sống ở trên đó. Tất nhiên, kiến thức Phong thủy học uyên thâm và cực kỳ phong phú chứ không đơn giản như vậy nhưng ít ra cũng phải bắt đầu từ những hiểu biết tối thiểu như vậy.
  • Nhiều người có xu hướng nhất thể hóa giữa Phong thủy học với vô số những biểu hiện của mê tín dị đoan. Họ liên tục nói về Phong thủy học nhưng hầu như mọi điều họ nói đều rất xa lạ với ngành học này. Một chút Dịch lý, một chút râu ria của Phong thủy học, một chút bí ẩn của Đạo giáo trộn lẫn lại thành món thập cẩm, tác dụng chủ yếu và mạnh mẽ nhất trong ngôn từ của họ là tạo ra sự mê hoặc đối với những người nhẹ dạ cả tin.

   Tôi dừng lại nhưng các lớp Phong thủy học vẫn được mở ra. Bây giờ hình như đi đâu cũng nghe thiên hạ bàn tới tâm linh và Phong thủy học - chỉ khác nhau ở chỗ công khai hay ngấm ngầm.

 

   Vậy, có hay không ngành Phong thủy học ? Trước đây, Phong thủy học bị coi là hoàn toàn mê tín dị đoan nên đành phải cam phận bị hắt hủi. Tây phản bác phong thủy học đã đành, ta cũng không thừa nhận. Thực ra, Phong thủy học là ngành học từng có một lịch sử tồn tại lâu dài tới rất nhiều thế kỷ, đặc biệt ở Trung Quốc. Nhưng, ngành Phong thủy học không dễ như quá nhiều người vẫn tự nhận mình am hiểu. Giỏi như Đại thành chí thánh tiên sư hay Vạn thế sư biểu tức Khổng Tử cũng nói rất khiêm tốn rằng Ta về già mới hơi bắt đầu hiểu, nếu Trời cho ta sống thêm dăm mười năm nữa sẽ may ra. Chưa ai đáng mặt học trò của học trò…Khổng Tử nhưng trong hành vi và cách phát ngôn, đôi khi họ gần như cho mình ngang với Khổng Tử. Đó là một hiện tượng rất đáng trách.

   Năm 1998, khi tham dự Hội nghị Quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất, tôi rất vui khi được nghe hai nhà khoa học phương Tây phát biểu ý kiến chính thức và đầy cảm phục của họ về nền triết lý phương Đông. Họ cho rằng ở đó, bí ẩn và uyên bác quyện chặt vào nhau, phải công phu lắm và học nhiều lắm mới mong hiểu được. Bởi lẽ này, số người tham gia nghiên cứu về Kinh Dịch và Phong thủy học ngày một nhiều hơn, kết quả thu được cũng khích lệ hơn. Họ khẳng định có ngành Dịch học và ngành Phong thủy học nhưng muốn tiếp cận được với hai ngành học này, bất cứ ai cũng phải đặc biệt quan tâm đến ba vấn đề :

  • Thông thạo văn ngôn đủ để sử dụng dễ dàng các văn bản cổ nhất về lĩnh vực rất uyên thâm này. Muốn biết điều gì cũng đều phải học, thậm chí là khổ công để học chứ kiến thức không bao giờ tự tìm đường đến trú ngụ trong tư duy của mình.
  • Trong Ngũ kinh (Thi, Thư, Lễ, DịchXuân Thu), Kinh Dịch khó hiểu nhất và cũng khó ứng dụng vào quá trình lý giải các hiện tượng tự nhiên và xã hội nhất. Giữa Kinh Dịch với Phong thủy học có mối quan hệ rất chặt chẽ nhưng đó là hai kho kiến thức khác nhau chứ hoàn toàn không phải là một. Nếu ai đó dễ dãi gộp làm một nghĩa là họ chưa hiểu gì về hai ngành học này.
  • Riêng Phong thủy học xây dựng, không phải công trình kiến trúc nào đẹp nhất mà là công trình kiến trúc nào thật sự thuận lợi, phù hợp toàn diện và cao nhất với bản thân cùng gia đình của mình, đó mới chính là công trình có giá trị phong thủy.

  

   Phong thủy học, một ngành học ngỡ như đang được xã hội chú trọng và đề cao nhưng thực ra lại đang bị coi thường. Bởi tin lời những người nhân danh phong thủy, nhà nhà đua nhau sắm linh vật về thờ, trước cổng có, trong sân có, trong nhà và đầu giường ngủ cũng có. Sắc màu của đời sống tâm linh trộn lẫn với sắc màu của nghi thức và đức tin đầy mê tín đã chi phối hành vi của cộng đồng đó đây. Xem ra, món “thập cẩm” này rất có lợi cho hoạt động của những người dám liều lĩnh nhận mình là nhà Phong thủy học.

Đã đến lúc cần trả lại vị trí tích cực rất xứng đáng được tôn vinh của ngành Phong thủy học và vì thế  cần quyết tâm loại bỏ những gì rất xa lạ với ngành học này.

Ts. Nguyễn Khắc Thuần

Theo Ngày Mới Saigon

Từ khóa : nguyễn khắc thuần, phong thủy