Ngành bán lẻ Việt Nam tìm cơ hội từ Hồng Kông

Tuy diện tích nhỏ nhưng Hồng Kông phát triển vượt bậc về bán lẻ và logistic. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ tận dụng và học hỏi được gì từ Hồng Kông để mở rộng kinh doanh trực tuyến tại các thị trường khác?

Tại Hội thảo “Dịch vụ hậu cần xuyên biên giới - Định hướng tương lai ngành bán lẻ" tuần qua, ông Anthony Lau - Chủ tịch Pacific Air (Hồng Kông) cho rằng ngành bán lẻ ngày càng phát triển kéo theo yêu cầu đáp ứng tương xứng từ dịch vụ hậu cần (logistic).

Các xu hướng ngày càng tăng trong giao dịch điện tử,giao dịch  xuyên quốc gia, thanh toán trực tuyến tác động lớn đến quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Đức dẫn đầu thế giới về chỉ số hiệu suất hậu cần, Hồng Kông xếp thứ 12, đóng góp 6,2% GDP trong khi Việt Nam thứ 39, chiếm 20.9% GDP, trị giá 46 tỉ USD năm 2017. 

Tuy là một lãnh thổ nhỏ nhưng Hong Kong lại có hệ thế hậu cần phát triển hiện đại. Nếu các DN, nhà bán lẻ Việt Nam tạo được mối quan hệ đối tác với ngành công nghiệp hậu cần Hồng Kông sẽ có tận dụng được nhiều lợi thế vì chuỗi cung ứng hậu cần chuyên nghiệp ở đây rất mạnh. Chỉ với ngành hàng không, Hồng Kông đã thiết lập được hơn 200 điểm đến từ khắp nơi trên thế giới, DN sẽ giảm được chi phí logistics.

Các DN và nhà bán lẻ Hồng Kông cũng dễ dàng tiếp cận thị trường Đông Nam Á khi là đối tác với ngành hậu cần Việt Nam. “Ngày nay, xu hướng của các DN Hong Kong là mở rộng quan hệ với các đối tác là DN địa phương hơn là mở văn phòng công ty tại quốc gia đó. 

Gary Chan – CEO Giordano International nhận định: Thương mại điện tử cả online lẫn offline đều quan trọng. Xu hướng ngày nay là khách hàng sẽ tương tác trước trên mạng (qua các phương tiện online) mới mua hàng. Sự phát triển của thương mại điện tử đã khiến ngành bán lẻ chuyển từ đơn kênh sang đa kênh với khái niệm E-tailing, là sự kết hợp của cả bán hàng truyền thống và điện tử. Một đứa bé luôn đòi mua món đồ chơi mà chúng thấy giống với video clip đã từng coi trên Ipad. Trước đây khách hàng thương đến cửa hàng để mua, ngày nay khách có thể ngồi nhà để xem và đặt hàng."

Khách thăm quan mua sắm tại In Style Hong Kong 2018 lần đầu tổ chức tại Việt Nam - Ảnh: LẠC LÂM

Với sự phát triển của công nghệ, bước tiếp theo là trải nghiệm sản phẩm dựa trên các công cụ video trực tuyến trước khi đặt đơn hàng và thanh toán trực tiếp qua các kênh giao dịch trực tuyến. 

Theo Gary Chân, E-tailing và sự phát triển của logistic tác động lớn đến chính sách quản lý hàng tồn kho của các DN: “Chúng tôi có website ở châu Âu nhưng không nhất thiết phải thiết lập hệ thống kho hàng tại đây. Hàng hóa có thể để ở Hồng Kông và giao vào ngày hôm sau nhờ hệ thống logistic phát triển đảm bảo khách hàng có thể nhận hàng chỉ sau chưa tới 24 tiếng đặt hàng. Nền tảng cho điều này là các dịch vụ thanh toán trực tuyến mở rộng, đa kênh. Đơn hàng nhận được cùng với thanh toán trực tuyến và mạng lưới logistic sẽ kết nối nhà bán lẻ với khách hàng. Tất cả hiệp đồng với nhau. Trong tương lai gần, dù là logistics hay e-tailing phát triển hơn nữa thì tất cả đều phải kết hợp với nhau không tách rời như một quy luật và đó là xu hướng phát triển của ngành bán lẻ”.

Với E-tailing, khách hàng có thể tìm thấy sản phẩm trực tuyến bằng cách truy cập vào một số trang web và so sánh giá cả, chi tiết sản phẩm và các tính năng khác. Vì khách hàng có khả năng so sánh sản phẩm trước khi mua đã đặt ra một mối đe dọa lớn cho các nhà bán lẻ trực tuyến trong cạnh tranh.

“Sự phát triển của ngành bán lẻ nếu chỉ dựa vào cửa hàng truyền thống sẽ dẫn đến phụ thuộc. Thương mại điện tử (E-commerce) kết hợp với cửa hàng truyền thồng là 1+1=2. Nhưng với E-tailing, bước phát triển tiếp theo là 1+1>2”, Gary Chan kết luận. 

Một nền tảng hậu cần khác tác động lớn đến ngành bán lẻ là giao dịch thương mại trực tuyến, bà Carol Wan – Phó CT Bán hàng & Phát triển Kinh doanh tại Khu vực Nam Thái Bình Dương (PCCW Global) nhận định: “Việt Nam có 30 dân số dưới 25 tuổi, dễ thích nghi  và ứng dụng nhanh với các phương tiện thanh toán mới. Số người sử dụng điện thoại di động lớn nên sự phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông sẽ tác động sự phát triển của thương mại điện tử và ngành bán lẻ trong tương lai. Hong Kong tuy nhỏ nhưng có cơ sở hạ tầng viễn thông tốt. Tỉ lệ sử dụng điện thoại di động là hơn 230%, bình quân một người sử dụng 2 sim điện thoại trở lên. Phổ biến ở Hồng Kông hiện nay là ứng dụng Tap&Go cho các giao dịch”. 

Trên thế giới, năm 2017 có 690 tỉ thanh toán trực tuyến trên toàn cầu. Bình tuân một người chi gần 200 USD/tháng cho thanh toán qua mạng. Báo cáo năm 2017 của The Asian Banker cho thấy tại Việt Nam, 90% thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt. Tuy nhiên khách hàng có xu hướng thay đổi thành thẻ ngày càng tăng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự đoán thị trường ví tiền điện thoại di động sẽ vượt qua 10 triệu người sử dụng vào năm 2020. Mặc dù tốc độ tăng trưởng dự kiến là 23% do lượng người đăng ký sử dụng ví điện tử trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2020 tăng, nhưng số người sử dụng liên tục và thương xuyên chỉ dao động từ 20-30%. 

“Giao dịch không tiền mặt sẽ là chiếm lĩnh trong tương lai và ngành bán lẻ sẽ tiên phong cho xu hướng này. Ở Trung Quốc và Hồng Kông, ngay cả người ăn mày cũng có mã QR và trưng ra để nhận bố thí qua chuyển khoản, đây là chuyện có thật chứ không phải đùa cợt”, bà Carol Wan kết luận hài hước.  

Trong năm 2017, thị trường FINtech của Việt Nam đạt 4,4 tỷ trong giá trị chuyển đổi nhưng con số này được dự đoán sẽ tăng lên 7,8 tỷ vào năm 2020. Với mức tăng dự kiến này, Carol Wan cho rằng Việt Nam có thể đặt mục tiêu giảm tỉ lệ giao dịch bằng tiền mặt xuống dưới 10% và mục tiêu 70% dân số có tài khoản ngân hàng vào năm 2020 mà Chính phủ đặt ra là khả thi.

Sự phát triển của các nền tảng hậu cần không chỉ giúp cho ngành bán lẻ Việt Nam phát triển mà còn thúc đẩy hiện đại hóa tài chính cho nền kinh tế và kiểm soát được nạn trốn thuế. 

Bài & ảnh: KHOA TƯ

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : bán lẻ