Doanh nhân Nguyễn Ngọc Tuấn: tôi muốn góp phần khôi phục “danh hiệu trà Việt”

(DĐDN)- Sau nhiều năm kinh doanh ấm Tử Sa, xây dựng thương hiệu “Song Hỷ Trà”, doanh nhân Nguyễn Ngọc Tuấn – Giám đốc Cty Cổ phần 7P đã khai trương quán “Song Hỷ Trà” tại góc đường Lê Quí Đôn, Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP HCM, nơi được mệnh danh là “khu ẩm thực” của Sài Gòn.

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Tuấn – Giám đốc Cty Cổ phần 7P

Ông Tuấn cho biết, về mặt kinh doanh, Cty 7P mong muốn xây dựng thành chuỗi khép kín “3 trong 1” bao gồm: các sản phẩm danh trà, ấm Tử Sa và cuối cùng là quán trà “Song Hỷ Trà” là điểm đến của những người “say trà”. Đồng thời, qua hình thức kinh doanh này, tôi cũng muốn góp một phần hiểu biết của mình về trà để xây dựng, phát triển “danh hiệu trà Việt” xứng với tiềm năng vốn có của đất nước. Bởi Nhật Bản nổi tiếng với Macha,Trung Quốc có gần 800 danh trà, còn Việt Nam, sản lượng trà xuất khẩu đứng vào hàng Top trên thế giới ai cũng biết, nhưng “danh trà” thì không mấy ai biết đến.

Ước mơ về một danh trà

Ông Tuấn chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên trên đất Hà Thành, lại là con trong một gia đình có truyền thống kinh doanh trà và bán quán “chè chén”. Từ nhỏ, tôi được tiếp xúc với trà, hay uống trà với cha tôi. Trong ký ức, bát nước chè xanh được múc bằng chiếc gáo dừa nhỏ từ vò sành được ủ kỹ trong lớp vải bố gai, bên ngoài là thùng gỗ nâu sậm theo thời gian. Bát nước chè xanh luôn có màu vàng sóng sánh như mật ong rất hấp dẫn người đang lúc khát. Cho tới chén trà mạn được chăm chút từng khâu: tuyển trà, chọn nước, lựa bình pha và hãm trà sao cho thật ngon, thật đậm đà. Lớn lên khi đi học, lại được học tại Phúc Yên, Đại Từ vùng đất trà. Hàng tuần trở về nhà trên chuyến tàu đêm, ngồi trên tàu nhấm nháp từng chén trà nóng hổi của người bán rong ngẫm về trà và rồi trà như thấm sâu vào máu của tôi, tạo nguồn động lực thúc đẩy tôi lên đường tìm kiếm danh trà, một sản vật quý của đất Việt sau khi tốt nghiệp đại học. Rõ ràng, người Việt ta từ xa xưa dường như mở mắt chào đời đã thấy trà, uống trà trọn đời và đến khi về cõi thiên cổ, vẫn được tẩm liệm với trà. Có điều, trong suốt lịch sử uống trà hàng ngàn năm, Việt Nam không có một truyền kỳ nào về trà. Điều này cũng dễ lý giải bởi tâm hồn người Việt bình dị, chân chất. Song điều đó không có nghĩa là chúng ta xuề xoà, thô vụng trong nghệ thuật chế biến, sao tẩm trà.

Năm 1991 tôi đi vào vùng đất phương Nam, lang thang tiếp cận nhiều vùng trà như: Cầu Tre, Blao, Cầu Đất, đến các nông trường trà trên Cao Nguyên… và tìm hiểu cả phong tục “thưởng trà” của người Nam… Mới hiểu, người Nam uống “trà đá” vẫn là thói quen thường nhật. Nhưng đấy chỉ là uống cho đã khát, chứ không phải cách để “thưởng trà”. Dọc dài theo đất nước, tôi mới hiểu: “thưởng trà” trong văn hóa trà của người Việt rất tinh tế đang bị mai một dần.

– Vậy, hiện thực hóa ước mơ của mình bắt đầu từ đâu, thưa ông?

Duyên nghiệp theo tôi và khởi nghiệp kinh doanh bằng ấm Tử Sa. Bởi đã “say trà” thì không thể không có ấm Tử Sa. Người xưa bao đời đã nói “đồ uống trà không gì tuyệt bằng ấm Tử Sa”. Nhưng kinh doanh trà cụ và ấm Tử Sa “rất chua” vì người tiêu dùng trong nước bấy lâu nay vẫn chưa có thói quen chi tiêu mạnh vào việc mua những chiếc ấm pha trà có giá trị cao, sử dụng lâu dài, thậm chí là đầu tư dài hạn như các đồ vật sưu tầm khác.

Ban đầu, tôi đã đi qua Trung Quốc nhập khẩu ấm Tử Sa về Việt Nam để bán. Sau đó quay sang nghiên cứu và tìm đến các nghệ nhân đặt họ thiết kế, khắc vẽ tỉ mỉ lên từng chiếc ấm với những họa tiết, những hoa văn, danh lam thắng cảnh của đất Việt. Hoặc tạo thành bộ 12 con giáp, hoặc sưu tầm những bức tranh, thư pháp nổi tiếng của các nghệ nhân, những bộ sưu tập theo mùa… để người “yêu thích” có thể chọn cho mình bộ trà cụ đậm hồn Việt… Dần dần chúng tôi đã có nhiều khách hàng đến chọn mua hoặc đặt hàng theo ý thích. Việc kinh doanh ấm Tử Sa bắt đầu bén khách, có chiều hướng phát triển tốt. Năm 2010, Cty 7P bắt đầu xây dựng chuỗi hệ thống mở cửa hàng “Tử Sa – Đất Việt Phú Quý” đầu tiên tại TTTM Wincom tại 72 Lê Thánh Tôn Q1 và đến nay, chúng tôi đã mở được 4 cửa hàng tại các siêu thị, TTTM khác tại TP HCM.

Chén trà ngon – một duyên hai nợ

Ông Tuấn chia sẻ, để có chén trà ngon, từ xưa, ông cha ta “thưởng trà” thanh tao và rất cầu kỳ: Nhất thủy, Nhì trà, Tam pha, Tứ ấm. Nhưng ngày nay, trong môi trường hiện đại, cuộc sống bị cuốn nhanh “thưởng trà” không còn như xưa “nhâm nhi tách trà, cùng thưởng nguyệt ngắm hoa…” mà uống một ly trà đá cho “đã khát” theo cách của người Nam, hay thói quen của người Bắc: uống chè chén trong các quán cóc… Đến cách pha trà cũng đơn giản: chỉ cần bỏ nắm trà vào ấm, đổ nước sôi, rồi rót ra ly uống. Vậy nên “thưởng trà” cũng bị mai một dần, người uống, cũng không cảm nhận hết được đang uống loại trà gì, xuất xứ từ đâu… Nên người biết “thưởng trà” nhất thiết phải dùng ấm Tử Sa thật, tinh tế, chuẩn mực về chất lượng, cũng như biết cách sử dụng ấm như thế nào để có được chén trà ngon đúng nghĩa. Chọn ấm có dung tích thích hợp với số người uống trà và mỗi chiếc ấm được chọn dùng riêng cho từng loại trà. Đến nước pha trà cũng được chọn lọc đúng tiêu chuẩn nước ngọt tinh khiết và mỗi loại trà sẽ phải dùng nước sôi ở nhiệt độ thích hợp để pha trà…

– Và quán “Song Hỷ Trà” mở ra để thực hiện ước mơ “danh hiệu trà Việt” của ông?

“Song Hỷ Trà” được xây dựng, thiết kế theo mô hình quán trà chuyên biệt với một không gian thanh tao ấm cúng chỉ để “thưởng trà”, giới thiệu trà và quảng bá văn hóa trà. Khách đến đây không chỉ là uống trà, mà biết cách thưởng thức một chén trà ngon nhất, hiểu rõ được nguồn gốc, xuất xứ từng loại trà. “Thực đơn” tại “Song Hỷ Trà” với 12 loại danh trà Việt được tuyển chọn đạt tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ tại những vùng trà nổi tiếng. Bên cạnh đó còn có trên 40 loại trà nổi tiếng của các nước và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Sri Lanka… Nếu ai biết “thưởng trà” thì đây là một không gian lý tưởng để cùng nhau giao lưu, đàm đạo về trà, có phút giây an trú trong hiện tại, thân và tâm tĩnh lặng, bây giờ và ở đây.

– Vậy “Song Hỷ Trà” sẽ rất kén khách và rất khó kinh doanh, thưa ông?

Kinh doanh quán trà là lĩnh vực gian nan nhưng cũng không kém phần thú vị, xen lẫn sự thách thức. Sự thách thức thú vị này chỉ thích hợp với những người có tâm huyết, sự trải nghiệm về các loại trà, biết cách dùng loại ấm nào để pha được bình trà ngon, sự minh bạch về nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm trà hoặc ấm pha trà… Ngoài ra, cũng phải định hình được bản sắc riêng của quán trà thuộc về văn hóa Việt Nam, hay Trung Hoa, Nhật Bản… Như ý tưởng ban đầu “Song Hỷ Trà” chủ yếu phục vụ cho những khách sành “thưởng trà” và có thể phục vụ cho các sự kiện văn hóa, sinh hoạt của các hội nhóm, câu lạc bộ, triển lãm tranh, giới tri thức, doanh nhân và văn nghệ sĩ gặp gỡ, đàm đạo, tâm giao… Tối thứ 6 hàng tuần, chúng tôi tổ chức chương trình biểu diễn pha trà và dàn nhạc dân tộc do các nghệ sĩ thuộc nhạc viện TP HCM biểu diễn…

Thưởng trà trong văn hóa trà của người Việt rất tinh tế đang bị mai một dần.

– Có thể nói, mười năm qua ông đeo đuổi, tâm huyết chỉ muốn khôi phục “danh hiệu trà Việt”. Nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường ai bước vào môi trường kinh doanh cũng nhắm vào số đông, có lời, mong thu vốn nhanh… không ai muốn nhìn cảnh quán đìu hiu. Vậy ông mong đợi gì từ “Song Hỷ Trà”?

(Cười), tôi không phải là kẻ “cuồng tín” bỏ tiền ra đầu tư một quán trà ngay giữa trung tâm Sài Gòn chỉ để “vui thú điền viên” nhưng kinh doanh không phải là tất cả. Hành trình mười năm nay tôi bỏ công sức đi khắp mọi miền đất nước với tâm huyết phục dựng “danh hiệu trà Việt”. Vì thế, tôi không tham vọng “Song Hỷ Trà” sẽ có lợi nhuận ngay như các mô hình giải khát khác. Nên tôi chọn chất, chứ không chọn lượng.

Tôi không buồn, nếu trong ngày ít khách và thật sự vui, khi chỉ cần vài người khách đến đây biết “thưởng trà”, biết đàm đạo về trà. Tôi tin một điều, sự tinh túy không thể pha lẫn, dù cuộc sống có hiện đại đến đâu, thì bản sắc dân tộc, hương vị ẩm thực quê nhà không thể mai một.

– Vậy theo ông, những gì ông đã tạo dựng được như ngày hôm nay đã thể hiện được công sức của mình vào sự nghiệp kinh doanh mà mình yêu thích và cao hơn là ý muốn góp một phần hiểu biết của mình để phục dựng “danh hiệu trà Việt” chưa?

Bên cạnh chuỗi cửa hàng “Tử Sa – Đất Việt Phú Quý” chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu “Song Hỷ Trà” bao gồm các loại danh trà nổi tiếng được khai thác tại Tân Cương (Thái Nguyên), Oolong Di Linh (Lâm Đồng), trà cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái), trà Phổ Nhĩ cổ thụ (Hà Giang) và dòng dược trà (trà lam nhồi trong ống tre), trà bó (chit), cao trà do đồng bào dân tộc người Dao và Mông ở Tây Bắc chế biến. Tất cả các sản phẩm “Song Hỷ Trà” đều đạt tiêu chí xanh, sạch, có nguồn gốc an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ – Organic. Nếu cần thiết “Song Hỷ Trà” có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Hiện nay, các sản phẩm trà của 7P được đóng gói dưới dạng bao bì cao cấp, nên người tiêu dùng có thể mua để làm quà tặng. Hay khách đến “thưởng trà” tại “Song Hỷ Trà” có thể tham quan, chiêm ngưỡng các bộ sưu tập ấm Tử Sa, hay tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ từng danh trà… “nhất cử lưỡng tiện: 3 trong 1” của 7P chúng tôi.

– Xin cảm ơn ông và chúc ông tiếp tục thực hiện ước mơ này!

Theo Minh Hương (enternews.vn)

Từ khóa : Nguyễn Ngọc Tuấn,danh hiệu trà Việt