Bất động sản công nghiệp Việt Nam hưởng lợi khi Mỹ - Trung đối đầu
Tranh chấp thương mại leo thang khiến bất động sản công nghiệp Mỹ, Trung sẽ giảm tốc nhưng Việt Nam lại hưởng lợi.
Jones Lang LaSalle (JLL) cho biết, bất động sản công nghiệp vốn đang diễn biến sôi động nhờ cú hích thương mại điện tử, có thể sẽ bị tác động trực tiếp và mạnh mẽ khi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung ngày càng lên cao.
Trưởng phòng Kinh tế của JLL, Ryan Severino nhận định, hàng rào thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, là một chi phí tăng thêm nhằm kiềm chế tiêu dùng, từ đó làm giảm nhu cầu về kho bãi để lưu trữ hàng hóa. Động thái này khó có thể kìm lại sự tăng trưởng của bất động sản công nghiệp trong bối cảnh ngành thương mại điện tử đang bùng nổ và các công ty công nghệ liên tục săn tìm nhà xưởng.
Trong quý đầu tiên của năm 2018, tỷ lệ trống của khu công nghiệp tại Trung Quốc giữ mức thấp kỷ lục 4,8%. Ngược lại, hàng rào thuế gần như kéo GDP thực ở Mỹ giảm khoảng 10 điểm phần trăm trong 12-18 tháng tới, kéo theo sự sụt giảm 20 điểm phần trăm về tăng trưởng giá thuê công nghiệp, Severino nhận định.
Bất động sản công nghiệp ở thị trường có chi phí thấp như Việt Nam sẽ hưởng lợi khi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung leo thang. Ảnh: JLL
Tuy nhiên, biến động giá thuê đất công nghiệp tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến tiếp theo cho các nhà đầu tư, nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi và chi phí lao động phải chăng.
Các nhà sản xuất đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc nhằm tiết kiệm chi phí, theo chiến lược Trung Quốc +1. Chiến tranh thương mại sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn đến và thành lập nhà máy mới tại các thị trường có chi phí rẻ hơn như Việt Nam.
Thử thách lớn hơn sẽ xuất hiện nếu hai bên tiếp tục xung đột. Trong tương lai, nếu Nhà Trắng thực hiện áp thuế bổ sung 200 tỷ USD, GDP sẽ giảm thêm 50 đến 70 điểm phần trăm trong 12-18 tháng tới, Severino cho biết. Điều này sẽ khiến nhu cầu không gian công nghiệp sụt giảm, đặc biệt là ở các khu vực ven biển, nơi mà các hoạt động nhập khẩu luôn diễn ra nhộn nhịp. Giá chào thuê công nghiệp cũng có thể giảm từ 50 đến 100 điểm phần trăm.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo cuộc chiến không hề có dấu hiệu ngưng lại, cả Washington và Bắc Kinh đều không có ý định lùi bước. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7 trên CNBC, Tổng thống Trump đe dọa áp đặt thuế quan đối với mọi sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Lời cảnh báo này ám chỉ đến số hàng hóa trị giá 505 tỷ USD được nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm 2017 mà Cục điều tra dân số Mỹ đã đề cập.
Ryan Severino đánh giá, việc tăng thuế quy mô lớn này sẽ sớm có những hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với nền kinh tế và thị trường công nghiệp hai nước mặc dù diễn biến cho thấy có ít khả năng dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế.
Đợt triển khai áp thuế mới nhất tiếp tục khuấy động ngành bất động sản thương mại. Các mức thuế đối với thép, nhôm và gỗ - được áp dụng trong ba tháng đầu năm 2018 - đã làm tăng chi phí thi công và sẽ làm chậm quá trình phát triển dự án.
Giá gỗ mềm vào tháng bảy đã tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, theo Cục Thống kê Lao động Chỉ số giá Sản xuất (PPI). Gỗ ván ép cũng tăng 22,5%, thép non tăng 12,4% và nhôm đúc tăng 17,8%.
"Cuộc chiến thương mại đang làm gián đoạn và trì hoãn nhiều dự án mới. Trong khi nguồn cung mới thiếu hụt, các tòa nhà hiện hữu sẽ tăng giá trị vì thiếu hụt nguồn cung và kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế”, ông Severino dự báo.
Theo Vnexpress
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : bất động sản