Nhiều nhà máy đường chờ… phá sản
Nhiều nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đang lo sốt vó vì nước lũ tràn về, các nhà máy đường cũng đứng ngồi không yên trước thực trạng đường giảm giá dẫn đến thua lỗ, đẩy nhiều nhà máy trước nguy cơ phá sản.
Niên vụ mía 2018 - 2019 chuẩn bị đi vào sản xuất. ĐBSCL là nơi có vùng mía nguyên liệu chín sớm nhất cả nước. Trong đó, nhiều nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đang lo sốt vó vì nước lũ tràn về, các nhà máy đường cũng đứng ngồi không yên trước thực trạng đường giảm giá dẫn đến thua lỗ, đẩy nhiều nhà máy trước nguy cơ phá sản. Ngành mía đường đang nỗ lực vượt qua khó khăn, nhưng hơn lúc nào hết họ đang cần Chính phủ có giải pháp hỗ trợ để vượt qua sóng gió.
Đường lậu tung hoành
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, lượng tồn kho tại các nhà máy đường (NMĐ) đến tháng 9-2018 là hơn 600.000 tấn. Đây được xem là năm có lượng đường tồn kho cao trong khoảng 5 năm trở lại đây. Diễn biến hàng năm, giá đường trong nước sẽ nhích lên vào dịp Tết Trung thu, nhưng hiện nay điều này đã hoàn toàn đảo chiều. Giá đường bán buôn của các NMĐ trong nước tiếp tục giảm sâu và gần như chạm đáy.
Thống kê từ Hiệp hội mía đường Việt Nam, từ tháng 9-2017 đến tháng 7-2018, giá đường trắng giảm bình quân từ 2.900 - 3.300 đồng/kg. Cụ thể, tháng 9-2017, giá bán buôn bình quân đường trắng trên thị trường (có VAT) là 13.400 - 14.300 đồng/kg, đến tháng 7 năm nay, giảm xuống chỉ còn 10.500 - 11.000 đồng/kg.
Sau 2 niên vụ sản lượng đường thế giới cung không đủ cầu, thì niên vụ 2017 - 2018 do thời tiết thuận lợi cho mía phát triển ở nhiều vùng, sản lượng đường trên thế giới sản xuất đã vượt cầu trên 8,6 triệu tấn.
Theo Tổ chức Đường thế giới (ISO), sản lượng đường vụ 2017 - 2018 đạt 184,17 triệu tấn, tăng 16,31 triệu tấn (tăng 9,72%) so với vụ 2016 - 2017. Do cung vượt cầu dẫn đến tình trạng giá đường thế giới giảm sâu và tồn kho tăng cao.
Theo ISO, dự đoán tình hình thị trường đường niên vụ 2018 - 2019 toàn cầu sản xuất trên 185 triệu tấn, tiêu dùng theo mức bình quân đạt 178 triệu tấn, tăng 1,65% so vụ trước và dư thừa khoảng 6,7 triệu tấn. Như vậy, áp lực đè lên đầu ra của đường cát Việt Nam sẽ càng nặng nề hơn.
Trong khi đó, giá đường nhập lậu từ Thái Lan tại các cửa khẩu biên giới thấp hơn giá đường trắng trong nước từ 1.000 - 2.000 đồng/kg vào thời điểm đầu vụ. Tuy nhiên, vào cuối vụ, do tiêu thụ chậm nên các công ty đường phải hạ giá bán gần bằng giá đường lậu để giảm tồn kho (giá đường trong nước và đường lậu chỉ còn chênh lệch 500 đồng/kg). Đường lậu lấn chiếm thị trường đã đẩy giá đường trong nước liên tục giảm và giảm sâu nhưng sức tiêu thụ vẫn rất chậm, tồn kho cao.
Cần nhiều giải pháp
Trong 3 năm qua, ngành mía đường điêu đứng vì mỗi năm có khoảng 500.000 tấn đường cát thẩm lậu từ Thái Lan (chiếm hơn 1/3 sản lượng đường Việt Nam). Đường lậu Thái Lan tung hoành ở thị trường Việt Nam làm cho nhiều nhà máy đường điêu đứng, bế tắc. Có nhà máy đường phải dùng “hạ sách” trả tiền mua mía nguyên liệu của nông dân bằng đường cát! Tại khu vực ĐBSCL có 10 NMĐ, nhưng đến nay đã có 3 nhà máy phá sản, 2 NMĐ (ở Long An và Bến Tre) đang “hấp hối” chờ bán.
Thực tế đường lậu của Thái Lan là đường dư thừa sau khi họ cân đối nguồn cung, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và doanh nghiệp trong nước. Đường lậu không chịu thuế, nên dù cố gắng hạ giá thành sản xuất các NMĐ Việt Nam vẫn không đấu lại.
“Cái khó lớn nhất mà ngành mía đường Việt Nam đối diện hiện nay là đường lậu. Trong bối cảnh này, các NMĐ rất cần Chính phủ hỗ trợ một số chính sách ngang bằng với các nước sản xuất đường trong khu vực. Trong đó, cần sớm áp dụng thuế đặc biệt đối với mặt hàng đường lỏng (HFCS); xem xét điều chỉnh giá điện sử dụng bã mía làm nguyên liệu bằng giá điện sinh khối theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ ngành có liên quan cần phối hợp đẩy mạnh với cơ quan chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống buôn lậu mặt hàng đường”, ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Cần Thơ kiến nghị.
Nhiều NMĐ sản xuất đường tinh luyện trong nước đang rất bức xúc với đường lỏng HFCS tràn vào Việt Nam. Trước đây, đường tinh luyện được sản xuất bán cho các nhà máy sản xuất công nghiệp trong nước. Nay đường lỏng HFCS được nhập với thuế bằng 0, không khống chế hạn ngạch. Chính vì vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị, áp dụng biện pháp tự vệ đối với đường lỏng HFCS.
Theo hiệp hội, hồi tháng 4-2018 đã có công văn số 37/CV-HHMĐ gửi Bộ Công thương và ngày 8-8-2018, có công văn số 80/CV-HHMĐ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng thuế đặc biệt đối với mặt hàng đường lỏng (HFCS)… nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành đường.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm 2018, tổng diện tích trồng mía đạt 241.407ha, tăng 10,39%, năng suất đạt 63,9 tấn/ha, tăng 2,24%. Các NMD đã ép trên 15,4 triệu tấn mía, sản xuất được 1,47 triệu tấn đường. Dự kiến, niên vụ 2018 - 2019 diện tích mía là 238.067ha, sản lượng mía trên 15,3 triệu tấn, sản lượng đường trên 1,5 triệu tấn…
CAO PHONG
Theo www.sggp.org.vn
Từ khóa : nhá máy đường