Bất ngờ dòng vốn kiều hối

Báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) vừa công bố cho thấy Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 10 nước tiếp nhận lượng kiều hối nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 2,5% tổng kiều hối toàn cầu năm 2017.

Trước đó hồi tháng 4 năm nay, báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) cũng cho biết Việt Nam đứng thứ 10 thế giới về tiếp nhận kiều hối trong năm 2017 với 13,8 tỷ USD, tăng từ 11,9 tỷ USD năm 2016 và 13,2 tỷ USD năm 2015.

Vì sao vẫn tăng mạnh?

Kết quả trên đi ngược lại với nhiều dự báo trước đó vào cuối năm 2016, khi hầu hết ý kiến cho rằng với việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và thắt chặt chính sách nhập cư, bên cạnh triển vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất có thể khiến lượng kiều hối về Việt Nam bị ảnh hưởng, nhất là khi lượng kiều hối trong năm năm 2016 cũng giảm tới 10% so năm 2015 khi chỉ đạt 9 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua có thể phần nào giải thích được lý do tại sao dòng kiều hối tiếp tục đổ về mạnh mẽ. Thứ nhất là các nền tảng vĩ mô vẫn ổn định, với tăng trưởng duy trì ở mức cao và lạm phát kiểm soát theo mục tiêu, đặc biệt là tỷ giá tiếp tục ổn định cho thấy giá trị tiền đồng vẫn được đảm bảo trong khi nhiều đồng nội tệ của các nền kinh tế khác thời gian qua mất giá trầm trọng so với đô la Mỹ.

Thứ hai là với môi trường kinh doanh thuận lợi, các thủ tục, điều kiện được cải cách mạnh mẽ đã làm gia tăng niềm tin vào thị trường, theo đó thúc đẩy dòng tiền kiều bào ở nước ngoài đổ về nước tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh. Thống kê cũng cho thấy cơ cấu kiều hối cũng có sự thay đổi tích cực, cụ thể nếu như những năm trước đây, kiều hối chuyển về nước chủ yếu là để hỗ trợ thân nhân hoặc gửi tiết kiệm lấy lãi khi mà lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước phát triển, thì nay đa phần lượng kiều hối chuyển về là để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Minh chứng rõ nhất là dù từ cuối năm 2015, lãi suất tiền gửi USD đã được giảm về mức 0%, trong khi lãi suất đồng USD tại Mỹ đang có xu hướng tăng, nhưng lượng kiều hối vẫn tăng khá mạnh, cho thấy lượng tiền rót về không phải để tìm kiếm chênh lệch lãi suất như trước mà để đầu tư kinh doanh nhiều hơn.

Thực tế là với thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ trở lại trong những năm qua, cùng với thị trường bất động sản nóng sốt trở lại, thì không ít dòng vốn từ kiều hối đã tìm kiếm cơ hội sinh lãi ở hai kênh tài sản này, nhất là trong bối cảnh hàng loạt dự báo tích cực dành cho nền kinh tế Việt Nam. Đáng lưu ý là Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, trong đó có việc cho phép người nước ngoài và Việt kiều được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam đã ngay lập tức có những tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản đã được hưởng lợi khá lớn từ dòng vốn kiều hối

Hệ quả tích cực

Lượng kiều hối tiếp tục được duy trì ở mức cao mang lại nhiều hệ quả tích cực. Thứ nhất giúp nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chính sách tài khóa đang chịu nhiều áp lực khiến nguồn vốn đầu tư bị hạn chế. Ngoài ra, kiều hối cũng đóng góp một phần lớn lượng cung ngoại tệ cho nền kinh tế, tạo điều kiện cân đối cung cầu ngoại tệ và là cơ sở để tỷ giá được ổn định.

Có thể thấy với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong ăm 2017 là 17,5 tỷ USD, thì lượng kiều hối cũng không thua kém bao nhiêu khi đạt tới 13,8 tỷ USD. Dòng vốn ngoại tệ tích cực như trên cũng giúp Việt Nam có được thặng dư trong cán cân tổng thể hơn 12,5 tỷ USD, qua đó nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức kỷ lục mới vào cuối năm 2017 là 52 tỷ USD và tiếp tục tăng lên mức 64 tỷ USD như hiện nay.

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN TP HCM tại Hội thảo “Phát triển bất động sản Việt Nam: Tầm nhìn và triển vọng" diễn ra vào giữa tháng 8 cũng chia sẻ kiều hối bình quân trong 3 năm trở lại đây khoảng 5 tỷ USD, đổ vào bất động sản trên 21%, như vậy mỗi năm có trên 1 tỷ USD đổ vào lĩnh vực này. Đây là sự hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Về lượng kiều hối cho năm 2018, các tổ chức nước ngoài như WB dự báo, dòng kiều hối chảy về Việt Nam có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá cao, khoảng 5-7% trong năm 2018. Trên thực tế, số liệu thống kê cũng cho thấy lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong 7 tháng đầu năm đã đạt tới 2,9 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi quý 1 đầu năm nay lại nhận định: Năm 2018, kiều hối về Việt Nam sẽ gặp nhiều áp lực. Sự hồi phục của kinh tế thế giới và các dòng vốn đầu tư quốc tế sẽ tác động đáng kể tới dòng vốn đầu tư trực tiếp mước ngoài (FDI) và lượng kiều hối vào Việt Nam.

MẪN NHI

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : dòng vốn, kiều hối