'Mổ xẻ' sự tụt hậu của ngành cơ khí Việt

(Chinhphu.vn) - Công nghiệp cơ khí vốn được xem như “xương sống” của nền kinh tế bởi đây là ngành nền tảng, hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành cơ khí Việt Nam đang gặp những khó khăn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau…

 

Vì đâu nên nỗi?

Nói đến ngành cơ khí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong những năm vừa qua, công nghiệp cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Số lượng DN cơ khí tăng nhanh, từ khoảng 10.000 DN năm 2010 lên hơn 21.000 DN năm 2016, chiếm 28% tổng số DN chế biến, chế tạo.

Những năm gần đây, điển hình như năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 13 tỷ USD, chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy. Nếu tính cả sắt thép các loại thì kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD.

“Nhiều sản phẩm trước đây Việt Nam phải nhập khẩu đến nay từng bước đã được thay thế. Dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã được đồng bộ. Các DN làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ tự động hóa ngày càng nâng cao. Một số DN nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu của một số tập đoàn đa quốc gia”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định, công nghiệp cơ khí hiện vẫn còn nhiều hạn chế, điểm yếu.

Trước hết là việc cơ khí Việt Nam đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Thậm chí, ngay cả tại thị trường nội địa, các DN cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị ngành thép, hóa chất, năng lượng, chủ yếu là do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, các DN, sản phẩm cơ khí trong nước cũng như chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.

Điểm yếu thứ hai của ngành này chính là trình độ khoa học công nghệ. “Ngành cơ khí trong nước có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký. Các DN cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Đây chính là vòng luẩn quẩn trong phát triển của ngành cơ khí Việt Nam”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết.

Cùng quan điểm, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) nhận định, các DN cơ khí nội địa vẫn đang ở trình độ công nghiệp 2.0 là công nghệ các nước công nghiệp trên thế giới đã bỏ qua, đặc biệt lại bị chia tách không kết nối được với nhau. Chỉ có rất ít DN cơ khí Việt Nam đạt trình độ công nghiệp 3.0. Điều này khiến cho ngành cơ khí Việt Nam bị thua ngay trên “sân nhà” trước các đối thủ có nền công nghiệp cơ khí hiện đại.

Bên cạnh đó, ông Long còn cho rằng, nguyên nhân khiến ngành cơ khí Việt Nam tụt hậu sau gần 20 năm phát triển, có trách nhiệm của cả quản lý nhà nước và của các DN nội địa.

Cụ thể, hệ thống chính sách và bộ máy quản lý nhà nước đối với sản xuất cơ khí nội địa không không bảo vệ được thị trường nội địa, mất nhiều đơn hàng cho nước ngoài và để DN FDI lấn sân ngay tại thị trường Việt Nam cũng như khu vực. Trong khi đó, các DN cơ khí Việt Nam đầu tư tự phát; nghiên cứu thị trường, quản lý công nghệ yếu kém dẫn đến sản phẩm cơ khí Việt Nam rất khó cạnh tranh với các nước. Sản phẩm cơ khí chủ yếu gia công kết cấu thép, ít sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

“Nhiều năm qua, do những yếu kém nói trên dẫn đến thị trường cơ khí nội địa Việt Nam dù có dung lượng lớn nhưng các DN cơ khí trong nước không thể cạnh tranh, khai thác được. Ví dụ, sản xuất, lắp ráp ô tô, đóng tàu thủy, tàu pha sông biển, tàu đánh bắt hải sản xa bờ, máy cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp khai thác dầu khí, phát triển hệ thống năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng… của Việt Nam rất lớn nhưng hầu như DN nước ngoài thao túng và chiếm lĩnh thị trường”, ông Long nói.

Rất cần “bàn tay hữu hình” của Nhà nước

 

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam để mở lối cho ngành cơ khí phát triển, trong chiến lược phát triển giai đoạn tới, cần lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm thay vì làm một lúc nhiều chủng loại sản phẩm…

“Đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí dứt khoát không thể không có bàn tay hữu hình của Nhà nước tác động, nuôi dưỡng bằng tạo đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí. Chính phủ cần có một hệ thống chính sách đồng bộ từ vốn, quy hoạch, lựa chọn sản phẩm có sức cạnh tranh và kết hợp kinh tế quốc phòng, không thể đầu tư tràn lan và không theo quy hoạch phát triển chung của quốc gia", ông Thụ đề xuất.

Ông Đào Phan Long cũng cho rằng, cần thiết phải bảo vệ thị trường cơ khí nội địa, Việt Nam cần học theo bài học bảo vệ thị trường nội địa của các nước công nghiệp.

“Chính phủ cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, hạn chế tối đa việc nhập khẩu các công nghệ, máy móc trang thiết bị đã qua sử dụng lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường từ các nước về Việt Nam”, ông Long nêu ý kiến.

Với vai trò cơ quan chủ quản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những chính sách mới và đưa ra những giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc của các DN.

Trong đó, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí, phối hợp với cộng đồng DN, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm; hình thành và phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho DN đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các DN cơ khí áp dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất...

Theo Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Về xuất khẩu, giai đoạn đến năm 2020, sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%; đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.

Đến năm 2025, tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại....

Phan Trang

Theo baochinhphu.vn

Từ khóa : cơ khí