Thận trọng với hàng hóa đội lốt “made in Việt Nam”

Trước những căng thẳng giữa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, một số hiệp hội ngành hàng đã phát đi thông điệp đến cộng đồng doanh nghiệp “nên thận trọng, cảnh giác với hàng Trung Quốc có thể đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu sang nước khác, đặc biệt đến thị trường Mỹ”. Điều này nếu có xảy ra và bị phát hiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước.

Cụ thể, mới đây Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam khuyến cáo không loại trừ khả năng hàng của Trung Quốc sẽ đội lốt “made in Việt Nam” để xuất khẩu khi doanh nghiệp Trung Quốc đưa hàng bán thành phẩm sang Việt Nam gia công hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt rồi gắn nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu.

Khi đó, Mỹ có thể truy nguồn gốc sản phẩm và áp thuế suất chống phá giá, gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp chỉ nên tiếp nhận đầu tư sản xuất, hợp tác ngay từ khâu đầu tiên.

Song song đó, doanh nghiệp nên chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trên cơ sở tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, đồng thời có thể sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp như kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp...

Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhận định, hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ bị đánh thuế cao nên phía Trung Quốc có thể sẽ tìm cách gắn mác các nước khác, trong đó có Việt Nam. Bởi Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc, thuận tiện cho công tác logistics.

Đồng thời, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ như hiện nay, việc Trung Quốc chọn Việt Nam là một trong những nước trung gian để xuất khẩu sang Mỹ là một kịch bản có thể lường trước.

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ như hiện nay, việc Trung Quốc chọn Việt Nam là một trong những nước trung gian để xuất khẩu sang Mỹ là một kịch bản có thể lường trước  Theo ông Vũ Đức Giang, thời gian gần đây Trung Quốc còn liên tục giảm giá đồng nhân dân tệ khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm, gây áp lực cạnh tranh lớn với hàng hóa của Việt Nam. Trước đó, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vừa khơi mào, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa thừa nhận, có tình trạng thép Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đội lốt thép Việt Nam.

Và vấn đề này vẫn đang được giải quyết. Hiện năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam đã đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa), không phụ thuộc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Do đó, Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp không nên tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ từ thép Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, tới đây ngành thép sẽ khó tránh khỏi những ảnh hưởng và sụt giảm tỷ trọng xuất khẩu khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục căng thẳng. Hiện kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt khoảng 500.000 tấn trên tổng số 40 triệu tấn thép nhập khẩu (chiếm tỷ lệ khoảng 1,25%).

Con số này không quá lớn. Để thép Việt Nam không bị Mỹ áp thêm thuế bị vạ lây từ Trung Quốc, các doanh nghiệp cần trung thực về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Không nên vì cái lợi trước mắt mà đánh mất uy tín trên thương trường quốc tế.

Không chỉ các hiệp hội ngành hàng, nhiều chuyên gia kinh tế cũng lo ngại, nếu thực tế trên xảy ra và bị Mỹ phát hiện thì có thể phía Mỹ sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt nặng lên hàng hóa Việt Nam. Do đó, các nhà hoạch định chính sách và hiệp hội ngành hàng cần sớm có giải pháp, tuyên truyền sâu rộng để cộng đồng doanh nghiệp hiểu và không để sai lầm đáng tiếc xảy ra.

Trước mắt, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt hình thức gian lận thương mại như nêu trên để hàng hóa trong nước không bị ảnh hưởng và tránh bị Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt. Theo phân tích từ  Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu tác động đến Việt Nam từ năm 2018 và sẽ lên đỉnh điểm vào giai đoạn 2020-2021.

LẠC PHONG

Theo www.sggp.org.vn

Từ khóa : hàng hóa