Kiên Giang: Dốc toàn lực cứu lúa thu đông trước lũ

Lũ về sớm và diễn biến phức tạp khiến hàng chục ngàn ha lúa thu đông năm 2018 của huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) chưa kịp thu hoạch bị đe dọa. Ngoài hỗ trợ từ chính quyền địa phương, người dân các xã trên địa bàn chủ động góp hàng tỷ đồng gia cố đê bao, quyết tâm bảo vệ sản xuất.

Thu hoạch chạy lũ

Theo ghi nhận của phóng viên, một số diện tích lúa thu đông của huyện Tân Hiệp phải thu hoạch sớm so dự kiến từ 5-10 ngày và bán với giá 4.000-4.500 đồng/kg lúa tươi. 

Ông Phan Hồng Tấn (63 tuổi, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Thành), cho biết: “Còn 6 ngày nữa mới đến thu hoạch nhưng phải cắt lúa non bán với giá 4.500 đồng/kg, thấp hơn 600 đồng/kg so giá thương lái đặt cọc trước đó. Tính ra vụ này không lãi đồng nào vì chi phí bơm tát tăng quá cao”.

Ông Hồng thu hoạch lúa non chạy lũ. Ảnh: NQ.

Giữa ruộng lúa ngập nước, ông Võ Văn Hồng (ngụ ấp Chí Thành, xã Tân Thành), cho biết: “Tôi làm 20 công lúa giống ngắn ngày vậy mà cũng phải thu hoạch sớm. Bây giờ thu được bao nhiêu hay bấy nhiêu, 3 tháng trời dầm mưa dãi nắng không lời được một đồng”.

Dọc theo tuyến đường tỉnh 964 nối xã Tân Hội và Tân Thành, chúng tôi thấy có 3 con đập vừa được đắp mới. Đi sâu vào tuyến kênh 600 của xã Tân Thành, tiếng máy bơm nước rền đồng xen lẫn tiếng máy cắt đang khẩn trương giúp bà con thu hoạch sớm lúa để chạy lũ.

Nông dân lao đao vì nước lũ tràn vào ruộng lúa. Ảnh: NQ.

Theo người dân nơi đây, nước lũ đã tràn qua con đường nhỏ cặp kênh Kiên Hảo vào ruộng của bà con ấp Tân Lợi, xã Tân Thành từ nhiều ngày nay. Để ngăn nước lũ tràn vào ruộng, bà con nông dân dùng hàng trăm bao đất đắp dài theo bờ kênh làm đê dã chiến, nhưng có vẻ mong manh trước mực nước lũ ngày càng tăng cao. Dù đã nỗ lực ứng phó, nhưng trước đó, do mưa lớn kéo dài, mực nước lũ lên nhanh, khiến nhiều đoạn đê bao tại 3 xã Tân Hội, Tân Hòa và Tân Hiệp A bị nước lũ đánh vỡ, làm thiệt hại hoàn toàn 43ha lúa thu đông 2018 của bà con nông dân.

Quyết tâm ngăn lũ

Đối phó với tình hình, trước đó ông Nguyễn Văn Kiệt - Bí thư Chi bộ ấp Tân Lợi, xã Tân Thành, cùng các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lợi đã đắp con đập ngay đầu kênh, rồi đưa máy kobe gia cố các đoạn đê có nguy cơ vỡ khi nước lũ về để bảo vệ 110ha lúa. “Tại nhiều nơi, mực nước lũ đã mấp mé tràn qua thân bờ bao nên địa phương đã huy động người dân đắp 7 con đập trị giá 45 triệu đồng để ngăn lũ tràn vào nội đồng” - ông Kiệt cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, hơn nửa tháng nay, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã liên tục đi xuống ấp để kiểm tra đê bao, nhắc nhở các ấp sát cánh cùng bà con để có giải pháp kịp thời bảo vệ sản xuất. Để bảo vệ diện tích lúa chưa thu hoạch, bà con đã tự góp hơn 344 triệu đồng để đắp các đập, gia cố bờ bao, bởi trong tổng số 2.751ha lúa thu đông 2018 của xã có hơn 50% diện tích nằm ngoài khu đê bao.

Ông Kiệt (bìa phải) cùng các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lợi đắp đập ngăn lũ. Ảnh: NQ.

Tại xã Tân Hội, ngoài đề nghị huyện hỗ trợ 260 triệu đồng, người dân góp 170 triệu đồng để đắp các đập tạm đầu kênh, gia cố đê bao ruộng lúa. Chỉ trong thời gian chưa đầy một tuần, ấp Phú Hòa, xã Tân Hội đã hoàn thành việc đắp 4 đập dã chiến tại đầu các kênh thủy lợi để bơm nước từ ruộng ra, đồng thời, bố trí 2 mô tơ điện bơm ngày đêm, một số bà con không làm lúa vụ này cũng góp công, góp của cùng xã, huyện gia cố 3 cống bơm nước. Nhờ đó, 270ha lúa thu đông của ấp đã an toàn, bà con rất phấn khởi.  

Theo bà Phan Kim Loan - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tân Hiệp, hiện toàn huyện đã thu hoạch được hơn 350ha lúa thu đông 2018, dự kiến đầu tháng 11 sẽ thu hoạch dứt điểm tổng diện tích 30.658ha. Do nước lũ ngày càng dâng cao, người dân đã gia cố các đê bao ở những khu vực thấp lên thêm 1-1,2m, với tổng chiều dài gần 77.000m. Bên cạnh đó, có 72 đập lớn được đắp tại các kênh đầu ngàn để ngăn nước lũ từ các kênh xáng tràn vào nội đồng, bảo vệ 17.258ha lúa thu đông đang giai đoạn làm đồng và trổ chín.

Người dân đóng góp tiền của, công sức để đắp đập, gia cố đê bao ngăn lũ. Ảnh: NQ.

“Tổng kinh phí đầu tư các đập, đê bao trên 4 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 2,5 tỷ đồng, phần còn lại huyện trích ngân sách dự phòng và tạm ứng nguồn thủy lợi phí năm 2019 để ứng phó tình thế cấp bách. Về lâu dài, huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân không làm lúa thu đông và chuyển sang trồng màu, nuôi cá trên ruộng lúa hoặc xả đập đón phù sa theo nước lũ về” - bà Loan cho biết.

Tại buổi làm việc với UBND huyện Tân Hiệp vừa qua, ông Phạm Vũ Hồng - Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang đã lưu ý huyện cần tập trung các biện pháp ứng phó với lũ, tập trung gia cố đê bao nhằm đảm bảo sản xuất và ổn định đời sống người dân, nhất là ở các xã phía bắc kênh Cái Sắn giáp với vùng lũ. Nơi nào cần thu hoạch lúa để chạy lũ thì huy động lực lượng tại chỗ hoặc báo về tỉnh để bố trí lực lượng giúp dân.

Ông Hồng cho rằng: Trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, huyện cần phải dựa vào quy luật tự nhiên để bố trí thời vụ để tránh lũ, nên giảm bớt diện tích sản xuất lúa vụ 3, chỉ sản xuất lúa 2 vụ ăn chắc hoặc sản xuất 2 lúa - 1 màu.

Theo Dân Việt

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : lúa, gạo, kiên giang