Hợp tác xã xoay sở giữa bốn bề vướng mắc

Dù có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nhưng thực tế hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM vẫn gặp không ít khó khăn từ vốn vay, quỹ đất cho tới công nghệ.

Khó cạnh tranh vì thiếu nhà sơ chế

Với năng lực cung cấp 250 – 350 tấn rau mỗi tháng ra thị trường, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Lộc tự đánh giá có thể phát triển hơn nữa nhưng vướng mắc về quỹ đất, thủ tục xây dựng đang làm giới hạn năng lực hoạt động.

Ông Trần Văn Chánh - Giám đốc HTX cho biết, để phát triển ổn định lâu dài, tiến tới công nghệ 4.0, HTX cần dây chuyền đóng gói hiện đại và đội ngũ công nhân lành nghề. HTX đã nhiều lần kiến nghị mong muốn được xây dựng nhà sơ chế trên đất nông nghiệp và phục vụ cho nông nghiệp nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Dù thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng kinh tế hợp tác vẫn vướng không ít khó khăn. Ảnh: Trồng rau ở HTX Phú Lộc.  Ảnh: Thuận Hải

Chưa hết, với kế hoạch phát triển thêm vùng nguyên liệu, mở rộng sản xuất, Phú Lộc đã thuê 3,5ha đất tại huyện Bình Chánh để đầu tư trồng rau thủy canh. Theo kế hoạch, khi đi vào sản xuất, khu nông nghiệp công nghệ cao này sẽ cho ra lượng rau quả khá lớn, đáp ứng nhu cầu rau sạch của thị trường TP.HCM hiện nay.

Muốn đầu tư thêm vùng nguyên liệu, Phú Lộc cần thêm nhà sơ chế vì nhà sơ chế hiện tại diện tích 500m2 tại xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) đã quá tải, xuống cấp trầm trọng. Do đó, HTX đã xin phép xây dựng thêm một nhà sơ chế cho vùng rau nguyên liệu tại xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh) với công suất 10 tấn/ngày.

“Nếu dự án hoàn thành, HTX sẽ tăng số lượng thành viên và hộ nông dân lên 20%; tăng doanh thu 15% vì nhà xưởng đủ công suất đảm bảo đầu ra. Từ đó tăng được giá trị sản phẩm của HTX vì chất lượng được ổn định” - ông Chánh nói.

Tương tự, bà Lê Hà Mộng Ngọc - Giám đốc HTX Nấm Việt cũng cho biết, nhà sơ chế gắn liền với công nghệ chế biến sau thu hoạch đang là vấn đề khó khăn đối với HTX hiện nay. HTX này đang liên kết với hơn 100 hộ dân sản xuất nấm các loại và rau dược liệu hữu cơ. Sau nhiều năm cung cấp hàng cho đối tác Nhật Bản, bà Ngọc nhận ra nếu không có nhà sơ chế đàng hoàng rất khó cạnh tranh với các đối thủ khác. 

Thiếu vốn, đất - khó sản xuất lớn

Việc HTX thiếu vốn, thiếu đất để mở rộng sản xuất cũng là chuyện nan giải của ngành nông nghiệp TP.HCM hiện nay.

Bà Trần Ngọc Tuyết – Giám đốc HTX hoa lan Huyền Thoại cho rằng, diện tích trồng lớn là đòi hỏi bức thiết hiện nay. Quỹ đất của HTX hiện không tập trung, chủ yếu là diện tích tại nhà của từng xã viên. Quy mô lớn nhất là 8ha, còn lại là 1.000m2 trở xuống, lại nằm rải rác nên khó áp dụng công nghệ.

HTX đã nhiều lần xin mở rộng diện tích nhưng còn vướng nhiều thủ tục. Bà Tuyết kể có lần đối tác Nhật Bản đến xem mô hình nhưng không đủ tin tưởng nên không ký hợp đồng.

Một vấn đề lớn khác là vốn ưu đãi hỗ trợ hiện nay rất khó tiếp cận. Vốn góp của xã viên không nhiều nên tài sản chung của HTX chỉ có giới hạn. “Nghề trồng lan đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ tốn kém mà vốn không vay được nên nông dân cứ phải tự lần mò sản xuất theo kinh nghiệm”- bà Tuyết kể.

Ông Trần Trường Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM thừa nhận, quỹ đất sản xuất, vốn vay và công nghệ là vấn đề khó mà nhiều HTX đang phải đối diện. Trước đó, Hội ND TP.HCM đã đề nghị với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn được thuê đất với giá hợp lý nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Các HTX cũng ít được tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ từ ngân hàng. Vốn từ quỹ đầu tư Hội ND mới thí điểm cho HTX Hiệp Thành vay 500 triệu đồng. “Đây là trường hợp đầu tiên vì chưa từng có tiền lệ nào cho HTX vay với số vốn lớn như vậy” - ông Sơn kể.

Theo Dân Việt

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai – Chủ tịch Hội ND TP.HCM cho biết, dù đã được đổi mới nhiều, chú trọng vận động tăng trưởng nguồn vốn, tuy nhiên, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của hội viên hiện nay. Tính đến cuối năm 2017, tổng nguồn vốn của quỹ là 184,8 tỷ đồng; đã cho vay gần 395,7 tỷ đồng với 19.600 lượt hội viên vay.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : hợp tác xã