Những điều doanh nghiệp cần

Cách đây ít ngày, cơ quan thống kê quốc gia vừa công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017. 

Theo đó, năm 2017, cả nước có gần 517.900 doanh nghiệp (DN) đang tồn tại. Trong số này, số lượng DN đang hoạt động, có doanh thu, nộp thuế vào ngân sách nhà nước đạt 505.000 DN. Dù vẫn chưa đông đảo như kỳ vọng (mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020), nhưng số lượng DN và mức tăng trưởng vẫn là khá ấn tượng.

Thế nhưng, phân tích sâu hơn chút nữa, các chuyên gia Tổng cục Thống kê lưu ý rằng, trong số này chỉ có 10.100 DN lớn, chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn: 1,9%. Và trong số DN lớn, có một tỷ lệ đáng kể là DN nhà nước (DNNN). Dù chỉ chiếm tỷ lệ 0,5% tổng số DN, nhưng số vốn mà khối này đang nắm giữ chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn của toàn bộ khu vực DN. Quy mô vốn bình quân trên mỗi DN của khu vực này cũng ở mức cao nhất: 3.000 tỷ đồng/DN, nghĩa là cao gấp 97,5 lần so với loại hình DN ngoài nhà nước và 8,3 lần so với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khối DNNN cũng vượt rất xa DN ngoài nhà nước và DN FDI về nộp ngân sách tính bình quân trên một DN. Như vậy, liệu đã có thể vui mừng vì “sức khỏe” của khối DNNN hay chưa? Có lẽ còn hơi sớm.

Hiệu suất sinh lời trên tài sản (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản) năm 2016 của khu vực DNNN chỉ đạt 2,6%. Dù vẫn cao gần gấp đôi mức 1,4% của khu vực DN ngoài nhà nước, nhưng mức này còn thấp hơn rất xa so với mức 6,9% của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cũng cần nói thêm rằng khu vực DNNN không chỉ đang nắm giữ nguồn vốn lớn, mà còn có trong tay các tài sản và nguồn lực đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế như: hệ thống hạ tầng, kho bãi, mạng truyền tải điện, mạng viễn thông, hệ thống cung cấp xăng dầu, mạng lưới các cơ sở cung cấp tài chính, tín dụng... Theo một số nhà nghiên cứu, xét trong quan hệ giữa DN 100% vốn nhà nước và tiềm năng tăng trưởng kinh tế, với quy mô tài sản hiện tại là 3,05 triệu tỷ đồng, nếu tăng hiệu quả sử dụng tài sản thêm 1%, thì GDP của nền kinh tế Việt Nam có khả năng tăng thêm 0,8% - 0,9%.

Bên cạnh việc cải thiện hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN - đã được đề cập đến quá nhiều, quá lâu - thì tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho các DN ngoài nhà nước là việc hiển nhiên và cũng đang được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển DN. Thế nhưng, thực tế vẫn còn rất nhiều ví dụ đáng buồn.

Tại cuộc hội thảo mà Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương tổ chức cuối tháng trước, dự thảo nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã “bớt một thêm hàng loạt” khi cắt bỏ 12 điều kiện kinh doanh, nhưng lại bổ sung thêm… 85 điều kiện 64 điều kiện bổ sung thêm ngay trong dự thảo và 21 điều kiện được thể hiện dưới dạng “theo quy định của Bộ GTVT”. Chẳng thế mà có vị luật sư thẳng thắn bình luận rằng, dường như ngành giao thông “không chỉ tắc đường mà còn đang tắc tư duy” khi đưa ra những quy định… nực cười như xe tải phải có biển chữ “xe tải”!

Tương tự, một luật gia khác nêu ví dụ về điều kiện của cơ sở đóng tàu cá trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Thủy sản (trước đây quy định ở thông tư nhưng nay được đề nghị nâng cấp lên nghị định). Theo đó, cơ sở muốn đóng tàu phải có đầy đủ các loại máy móc (được liệt kê cụ thể), từ máy cưa, máy khoan, máy đục, máy tiện, máy nén khí, máy bào, thậm chí là kìm, cờ lê, mỏ lết... Và cơ quan quản lý nhà nước đi kiểm tra từng thứ một, đủ thì mới cấp phép. Trong thế giới phẳng với mức độ chuyên môn hóa, hiện đại hóa cao như hiện nay, quy định buộc một DN muốn đóng tàu cá thì phải làm tất cả các công đoạn, không được đi thuê người khác, không được chuyên môn hóa sản xuất là hết sức vô lý. Thay vào đó, chỉ cần siết chặt và thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng kiểm, đạt yêu cầu mới cho hạ thủy là có thể quản lý hiệu quả hơn. Quy định này không mới, đã được phản ánh nhiều lần, nhưng không có gì thay đổi.

Những ví dụ nêu trên cho thấy, để DN phát triển, hoạt động hiệu quả, theo các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý thay vì đưa ra những điều kiện mang tính siết chặt, nặng về quản lý thì điều cần thiết hơn cả là phải đưa ra những quy định thông thoáng, giúp DN “dễ thở” hơn, để họ thực sự được làm những gì pháp luật không cấm. Đó mới là những điều DN cần hiện nay.

ANH PHƯƠNG

Theo www.sggp.org.vn

Từ khóa : doanh nghiệp