Cần ưu tiên ổn định thị trường tài chính

Chúng ta cần có cơ chế xử lý khủng hoảng, trong đó các chính sách phản ứng phải linh hoạt và uyển chuyển, phù hợp với tình hình thị trường. Trong mọi trường hợp, Việt Nam phải ưu tiên ổn định thị trường tài chính, nếu nền tài chính vỡ thì toàn bộ nền kinh tế bị đảo lộn.

Ngày 29-9, Thường trực Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị báo cáo chuyên đề “Tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đến kinh tế TPHCM”.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; lãnh đạo các ban Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng Thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành TPHCM và các quận, huyện.

Sẽ có sự dịch chuyển về thương mại, đầu tư

Tại hội nghị, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc là cuộc chiến kinh tế giữa 2 nước lớn nên không chỉ tác động trực tiếp đến nền kinh tế 2 nước mà sẽ tác động đến toàn cầu, nhất là những nước như Việt Nam có độ mở kinh tế rất cao. Trong khi, Trung Quốc và Hoa Kỳ lại là 2 đối tác quan trọng bậc nhất trong hợp tác đầu tư và thương mại của Việt Nam.

Phân tích về những tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đối với kinh tế Việt Nam, TS Võ Trí Thành cho rằng: Nếu cuộc chiến xảy ra trong thời gian ngắn hạn thì tác động về thương mại là chưa nhiều. Bởi lẽ, trong 34 tỷ USD đầu tiên phía Hoa Kỳ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc chỉ chủ yếu nhắm đến các mặt hàng công nghệ. Đây không phải nhóm hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Về dài hạn, nếu cuộc chiến này tiếp tục leo thang, có thể làm dịch chuyển thương mại, vì nếu Hoa Kỳ không nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc thì họ phải tìm đến những thị trường khác. Do vậy, thương mại chịu tác động tiêu cực nhiều hơn. Cuộc chiến sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới vì theo tính toán, nếu tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0,5 điểm %, sẽ là con số kinh khủng.

Trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào 2 biến số chính là tỷ giá và tăng trưởng kinh tế thế giới. Do vậy, dù muốn hay không tăng trưởng kinh tế giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu lại là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh tác động về thương mại, TS Võ Trí Thành nhìn nhận, cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ tác động rất lớn đến đầu tư; thị trường chứng khoán, nhất là vấn đề tỷ giá và lãi suất. Trong bối cảnh bất định, vì không ai có thể nói về thời điểm cuộc chiến kết thúc thì nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi hoặc tìm kênh đầu tư an toàn hơn như mua vàng, thay vì bỏ vốn vào chứng khoán. Sự bất định càng kéo dài, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho hoạt động đầu tư, thương mại, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế...

Tuy nhiên, chúng ta không nên hoảng hốt, mà cần bình tĩnh trước chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Bởi vì, cuộc chiến này cũng có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế, đó là việc dịch chuyển về đầu tư và thương mại nên cần bình tĩnh để tận dụng cơ hội.

“Tôi nhận thấy có sự bình tĩnh đang quay trở lại trên thị trường chứng khoán. Chúng ta cũng đã nhìn thấy một số cơ hội từ việc gia tăng xuất khẩu các mặt hàng may mặc và điện tử vào Hoa Kỳ. Đây là những dấu hiệu tích cực”, TS Võ Trí Thành nói.

TPHCM cần mạnh dạn đi đầu trong đổi mới, sáng tạo

Đề cập về đối sách ứng phó của Việt Nam trước tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, TS Võ Trí Thành cho rằng phải bám sát, đánh giá tình hình để đề ra các kịch bản ứng phó kịp thời. Trong đó cần đặc biệt chú ý sự tương tác của 2 nước Mỹ và Trung Quốc. Tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc có thể đến, thông qua nỗ lực cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế. Chính sách vĩ mô phải linh hoạt hơn rất nhiều nhằm ổn định thị trường, lành mạnh hóa hệ thống tài chính - ngân hàng để tăng sức mạnh, tạo niềm tin trong dân.

Cuối cùng, chúng ta cần có cơ chế xử lý khủng hoảng, trong đó các chính sách phản ứng phải linh hoạt và uyển chuyển, phù hợp với tình hình thị trường. Trong mọi trường hợp, Việt Nam phải ưu tiên ổn định thị trường tài chính, nếu nền tài chính vỡ thì toàn bộ nền kinh tế bị đảo lộn.

Đối với TPHCM, TS Võ Trí Thành khuyến nghị TP cần phát triển đô thị thông minh, tạo tính lan tỏa, mạnh dạn đi đầu trong đổi mới sáng tạo và mạnh dạn trong ứng dụng công nghệ 4.0, phải là nơi đi đầu trong thu hút nhân tài. Nếu TPHCM tiếp tục bám sát vào những vấn đề này thì sẽ có nhiều lợi thế để phát triển.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao phần báo cáo của TS Võ Trí Thành. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tiếp tục theo dõi sát sao tình hình của cuộc chiến thương mại, cần bình tĩnh, ứng xử ngắn hạn phải đi đôi với dự báo dài hạn để tạo sự ổn định lâu dài cho đất nước.

Để giải quyết những thách thức, điểm nghẽn của TPHCM thì một trong những giải pháp mà TP đang tập trung thực hiện là xây dựng thành phố thông minh. Trước mắt là kêu gọi đầu tư vào xây dựng 2 cấu phần là xây dựng Trung tâm Mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội TP và Trung tâm Điều hành tổng hợp của TP. Trong đó, Trung tâm Mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội TP đặt ra 3 bài toán là mô phỏng tình trạng kẹt xe; mô phỏng tăng trưởng kinh tế để dự báo một số tình hình, đưa tham số về biến đổi thị trường tài chính, xuất nhập khẩu, đầu tư để quan sát; mô phỏng ngập nước.

Về việc TPHCM làm gì với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Trong 7 chương trình đột phá của TPHCM, có 1 chương trình liên quan trực tiếp là Chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, TPHCM đang xây dựng đề án Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP gồm: Quận 2, 9, Thủ Đức; trong đó xây dựng khu này trở thành hạt nhân của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. TPHCM quyết tâm xây dựng TP thông minh, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, tạo môi trường sống tốt, đồng thời tạo động lực cho vùng kinh tế TPHCM phát triển bền vững.

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu từ ngày 6-7, khi Hải quan Hoa Kỳ chính thức đánh thuế 25% đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từ những mặt hàng đơn giản, cho đến chip bán dẫn, linh kiện máy bay. Tổng giá trị các mặt hàng chịu thuế vào khoảng 34 tỷ USD.

Ngay lập tức, Trung Quốc tuyên bố áp thuế tương tự lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm các mặt hàng nông sản, xe và hải sản, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này nhập từ Mỹ vào Trung Quốc hàng năm cũng là 34 tỷ USD.

Gần 1 tuần sau, ngày 10-7 (giờ địa phương), Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR) công bố danh sách các mặt hàng Trung Quốc dự kiến bị đánh thuế, bao gồm một số mặt hàng trong các lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch chiến lược “Made in China 2025” mà Trung Quốc đề ra, với mục tiêu biến Trung Quốc thành cường quốc công nghiệp toàn cầu. Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Mỹ đã quyết định áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc và sẽ tăng lên 25% vào đầu năm sau.

Đơn hàng xuất khẩu gỗ vào Hoa Kỳ của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang tăng lên - đó là thông tin từ Hội thảo “Chuỗi cung ứng gỗ cao su” do Hiệp hội Lâm sản Việt Nam (Viforest), Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và tổ chức Forest Trends tổ chức vừa diễn ra tại TPHCM. Theo đó, các đơn hàng này chủ yếu là các sản phẩm đồ gỗ nằm trong số hàng hóa của Trung Quốc bị Hoa Kỳ đánh thuế.

 Theo số liệu của Forest Trends, 6 tháng đầu 2018, tổng lượng gỗ xẻ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 88.800m³, thấp hơn nhiều so với con số 178.200m³ cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2018 lượng gỗ cao su xẻ xuất sang Trung Quốc giảm rất sâu, chỉ còn khoảng 2.500m³, tương đương với trên 1% lượng xuất khẩu của cả năm 2017. Sự sụt giảm đáng kể này rất có thể là phản ứng của các doanh nghiệp chế biến tại Trung Quốc khi các sản phẩm gỗ họ sản xuất gặp khó khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ (do mức thuế mới).

Việc Hoa Kỳ đánh thuế cao các mặt hàng gỗ của Trung Quốc có lợi cho các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam. Một số doanh nghiệp gỗ Việt Nam cho biết, các đơn hàng vào Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cuộc chiến này có thể dẫn tới sự dịch chuyển trong đầu tư vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam từ các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Điều này nếu xảy ra có thể sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với ngành gỗ của Việt Nam.

THÚY HẢI - CÔNG PHIÊN

Theo www.sggp.org.vn

Từ khóa : thị trường tài chính