Tăng thuế bảo vệ môi trường: Được ít mất nhiều?

(NTD) - Từ 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít. Dù đã được cân nhắc nhiều mặt nhưng mức tăng khá cao này được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng và dịch vụ. Ngân sách sẽ có thêm 15.000 tỷ đồng/năm nhưng người tiêu dùng đang e ngại giá cả sẽ đồng loạt tăng…

So với kế hoạch trước đây, thời điểm áp dụng tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) xăng dầu dời lại sang đầu năm 2019 để “không tác động tới chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2018”. Theo tính toán của Bộ Tài chính, với dự kiến chỉ tiêu CPI năm 2019 khoảng 4-5% thì việc tăng thuế BVMT sẽ tác động không lớn tới chỉ số giá tiêu dùng cả năm sau, chỉ ở mức 0,07-0,09%. Lập luận này đưa ra trên cơ sở phân tích, xăng dầu chỉ là một trong số 11 nhóm mặt hàng được đưa vào rổ hàng hóa tính CPI và quyền số chỉ chiếm 4% mặt hàng giá so với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu khác như lương thực, thực phẩm, nhà ở, vật liệu xây dựng.

Thuế BVMT tăng sẽ kéo theo giá xăng và nhiều loại hàng hóa tăng theo.

Với góc nhìn khá lạc quan, những ngành hàng dự báo chịu ảnh hưởng nhiều từ giá nhiên liệu như vận tải, điện... được dự đoán tác động từ tăng thuế lần này không nhiều. Trong đó, giá cước vận tải tăng 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng; trong khi điện, sản xuất kính, gốm... cơ bản không tác động. Thời điểm tăng thuế từ 1/1/2019 được khẳng định “bảo đảm tính khả thi” và chỉ tác động tới CPI bình quân năm 2019 ở mức thấp. Tuy nhiên tác động như thế nào thì thực tế mới kiểm nghiệm chính xác nhất, trong khi không phải ai cũng lạc quan như vậy.

Từ nhiều năm nay, đại đa số những lần tăng giá xăng dầu không quá 500 đồng/lít. Nếu tăng ngay 1.000 đồng/lít, chưa kể giá xăng dầu có khả năng tăng với thị trường đang biến động vào những tháng cuối năm thì mức tăng cuối cùng có thể còn cao hơn 1.000 đồng/lít. Chắc chắn giá cơ sở xăng dầu (mức giá được nhà điều hành tính toán giá bán lẻ trong nước) sẽ tăng tương ứng, đẩy giá bán lẻ lên cao. Khoản tăng giá này chưa gồm phần thuế giá trị gia tăng của thuế BVMT mới và thuế giá trị gia tăng toàn bộ các loại thuế, phí...

Hiện nay một lít xăng phải gánh trên mình nhiều loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lợi nhuận định mức, chi phí định mức, thuế BVMT... Với giá thành bình quân 20.231 đồng/lít xăng RON 95 thì các loại thuế phí đã lên tới 10.400 đồng, chiếm 52% giá thành! Nếu thêm tiếp 1.000 đồng thuế BVMT vào năm tới, con số này càng cao và không chỉ tác động đến chi phí vận chuyển mà với tất cả các mặt hàng, nhất là loại thiết yếu dùng trong đời sống hàng ngày đều chịu chi phí vận chuyển.

Với mức tăng như trên thì cực kỳ khó để giá vận chuyển hàng hóa, hành khách giữ nguyên như hiện nay. Xăng tăng còn kéo theo chi phí của doanh nghiệp cao và họ sẽ tính lại vào giá thành và đẩy giá hàng hóa tăng theo. Dịp tăng này lại trúng vào gần Tết Nguyên đán và mùa mua sắm cuối năm nên lo ngại giá cả “tát nước theo mưa” là hoàn toàn có cơ sở.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Tăng thuế BVMT đối với xăng, dầu thì chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp và thủy, hải sản. Cụ thể, chi phí nhiên liệu đối với ngành vận tải chiếm từ 25-35% cơ cấu giá thành đối với xe chạy xăng, từ 35-45% đối với xe chạy dầu; còn hàng không là 39,5%. Với ngành thủy, hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33-59% cơ cấu giá thành. Còn trong nông nghiệp, chi phí vận chuyển chiếm từ 35-40% cơ cấu giá thành.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, giá xăng dầu tăng do thuế BVMT tăng sẽ tác động tới năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam. Còn tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng xăng dầu là một mặt hàng vật tư chiến lược đối với nền kinh tế, ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu dùng, an ninh quốc phòng... nên việc tăng thuế sẽ tác động không nhỏ đến chi phí đầu vào mọi ngành.

Ông Long đề xuất không nên dùng thuế, phí để tăng thu mà nhiều nước thường hạ thuế, phí để ổn định nền kinh tế và khuyến khích sản xuất. Vì thế cơ quan quản lý muốn có nguồn thu thì phải nuôi dưỡng bằng việc tạo điều kiện cho nền kinh tế có thể phát triển tốt, bền vững

Hy vọng liên bộ sẽ sử dụng công cụ bình ổn giá trong trường hợp việc tăng thuế trên tác động lớn đến tăng giá cả hàng hóa trong thời điểm cần thiết.

Trong năm 2018, đề xuất tăng kịch khung thuế môi trường với xăng, dầu được đưa ra nhưng bị phản đối nên đã gác lại. Theo Bộ Tài chính thì “Việt Nam đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh, nguồn thu từ thuế BVMT với xăng dầu là 1 nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách”. Có lẽ đây mới là lý do chính cho việc tăng thuế BVMT, một lý do mà dư luận đang đặt nhiều dấu hỏi. Rất nhiều người không đồng tình với việc thu thuế BVMT nhưng lại chi vào việc khác. Trên thực tế, năm 2016, tổng số tiền thuế BVMT thu qua xăng dầu lên tới 42.300 tỷ đồng thì số thực chi cho môi trường chỉ 12.290 tỷ đồng.

Tại phiên thảo luận về nghị quyết tăng thuế này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tiền thuế thu môi trường phải đưa vào ngân sách và phải chi lại cho BVMT, như thế người dân “mới thấy sòng phẳng chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác”. Đây cũng là điều đáng để các cơ quan quản lý tính toán lại vì “danh có chính” thì “ngôn mới thuận”. Một khi dư luận, người dân biết rõ tiền thuế BVMT được sử dụng đúng mục đích, không sai địa chỉ thì không khó để thuyết phục họ ủng hộ. Còn ngược lại sẽ “lợi bất cập hại”.

Hy vọng liên bộ sẽ sử dụng công cụ bình ổn giá trong trường hợp việc tăng thuế trên tác động lớn đến tăng giá cả hàng hóa vào thời điểm cần thiết. Chỉ có như vậy, tác động không tốt đến nền kinh tế và đời sống người dân mới được giảm thiểu. Tất cả những đánh giá, nhận định vào lúc này cũng chỉ là dự đoán và những được mất của quyết định trên sẽ tác động vào người tiêu dùng trong vài tháng nữa. Có lẽ mua sắm thông minh và chi tiêu hợp lý, tiết kiệm là cách chủ động giảm thiểu khả dĩ nhất vào lúc này.

Phan Nguyễn

 

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : thuế