Vì sao ngân hàng khó huy động vốn?

Xu hướng tăng lãi suất huy động tiếp tục chiếm ưu thế trong tháng 9, trước những dấu hiệu lượng tiền gửi tại các ngân hàng đang chịu nhiều áp lực. Vậy những yếu tố nào đã khiến huy động vốn của các ngân hàng gặp khó khăn hơn trong thời gian qua?

Lãi suất tăng đáng kể

Sau khi giảm mạnh trong tháng 8, khung lãi suất tiền gửi của ngân hàng Quân đội (HOSE: MBB) được điều chỉnh trong tháng 9 đã tăng mạnh trở lại. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng tăng 0,5% lên 4,7%, kỳ hạn 2 tháng tăng 0,6% lên 4,8%, kỳ hạn 3 tháng tăng 0,3% lên 5,1%. Các kỳ hạn 6 tháng tăng 0,5%, 7 tháng tăng 0,4%, 8 tháng tăng 0,35% và 4 tháng tăng 0,1% để lên đều ở mức 5,7%.

Tương tự VPBank (HOSE:VPB) sau khi giảm trong tháng 8, thì khung lãi suất tiền gửi mới có hiệu lực từ 28/9 cũng chứng kiến tăng đều ở các kỳ hạn từ 0,2 – 0,3%, cụ thể kỳ hạn 1-2 tháng tăng 0,2%  lên 5%, kỳ hạn từ 3-5 tháng tăng 0,3% lên 5,2%, kỳ hạn 6-11 tháng tăng 0,2 lên 6,5%, kỳ hạn 12, 13 và 15 tháng tăng 0,3% lên 7%, các kỳ hạn dài hơn như 18,24 và 36 tháng cũng tăng 0,3% lên 7,1%.

Một ngân hàng nhỏ hơn là Kiên Long (UPCOM: KLB) sau đợt tăng lãi suất từ hồi tháng 1/2018, thì mới đây hôm 20/9 cũng quyết định tăng thêm 0,2% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lại. Cụ thể kỳ hạn 6-11 tháng lên 6,8%, kỳ hạn 12 tháng từ 7,2% lên 7,4%, các kỳ hạn 13 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng đều tăng từ 7,3%  lên 7,5%.

Trước đó hồi giữa tháng 9, một ngân hàng có quy mô nhỏ là SaigonBank cũng đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, với mức tăng khá mạnh. Cụ thể kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng 0,3% lên tương ứng 5,1% và 5,2%; kỳ hạn 7 tháng tăng mạnh 0,6%, 8 tháng tăng 0,5%, 9 tháng tăng 0,4%, 10 và 11 tháng tăng 0,3% để tất cả lên mức đều nhau ở 6,6%. Ngoài ra, kỳ hạn 12 tháng cũng tăng thêm 0,4% lên 7,2% và 13 tháng tăng 0,5% lên 7,5%. Các kỳ hạn dài hơn như 18 tháng tăng 0,4%, 24 tháng và 36 tháng tăng 0,3% để lên mức đều nhau tại 7,5%.

Hay ở ngân hàng lớn như Vietcombank (HOSE:VCB)  hồi đầu tháng 9 cũng tăng lãi suất tiền gửi 1 tháng và 2 tháng từ 4,1% lên 4,3%, trong khi kỳ hạn 6 tháng cũng tăng thêm 0,2% lên 5,3%. Đáng chú ý là các kỳ hạn dài hơn như 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng cũng đều tăng đồng loạt thêm 0,1% lên 6,6%. Dù vậy, sau quyết định tăng lãi suất ở một loạt kỳ hạn thì khung lãi suất tiền gửi của Vietcombank hiện nay vẫn đang thấp nhất trên thị trường.

 

Tiền gửi ngân hàng có thể bị xói mòn nếu lạm phát cao

Đối mặt áp lực tiền gửi

Theo số liệu của Tổng cục thống kê công bố gần đây, tăng trưởng huy động vốn của toàn ngành đến 20/9 chỉ đạt 9,15% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng là 9,52%. Đáng lưu ý là trong suốt 8 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn luôn duy trì xu hướng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng. Vì vậy diễn biến đảo chiều trở lại trong tháng 9 là rất đáng chú ý, cho thấy lượng tiền gửi của ngân hàng đã không theo kịp so với nhu cầu vốn kinh doanh.

Thậm chí nếu so với con số tăng trưởng huy động vốn 5,6% của riêng quý 2 so với quý 1, thì rõ ràng mức tăng khiêm tốn chỉ có 1,4% của quý 3 vừa qua so với quý 2 đã nói lên bức tranh huy động vốn của các ngân hàng thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn như thế nào. Ngoài các yếu tố như tỷ giá biến động mạnh trong quý 3, lạm phát liên tiếp tăng cao trong 2 tháng gần đây đã ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền, thì các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu nổi sóng trở lại cũng ảnh hưởng lên kênh gửi tiền ngân hàng.

Đặc biệt với việc tổ chức FTSE Russell gần đây đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi loại 2, thì các dự báo cho rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực cho đến năm sau, với khả năng Việt Nam sẽ được chính thức nâng hạng vào tháng 9/2019. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã quay trở lại mua ròng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán gần đây.

Điều này có thể càng thúc đẩy nhiều người lựa chọn các kênh đầu tư mạo hiểm hơn như chứng khoán với kỳ vọng suất sinh lời cao hơn, thay vì chỉ chăm chăm gửi ngân hàng với lãi suất thấp mà còn đang bị xói mòn bởi lạm phát khó giữ được mục tiêu trong năm nay và có thể là cao hơn trong năm 2019.

Ngoài ra, một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng là các ngân hàng cần phải chuẩn bị vốn cho nhu cầu vay cao điểm vào cuối năm, cũng như để đảm bảo đáp ứng các tỷ lệ an toàn theo quy định, mà trong đó có tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài han tối đa sẽ giảm từ 45% về 40% từ đầu năm 2019. Dù Hiệp hội bất động sản TP HCM (HOREA) gần đây kiến nghị NHNN hoãn áp dục quy định này do lo ngại ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, nhưng bản thân các ngân hàng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng trong trường hợp quy định vẫn giữ nguyên thời điểm hiệu lực.

MẪN NHI

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : ngân hàng, huy động vốn