Start-up cho vay online P2P: Rủi ro lớn nhất là mất tiền!

Ngày càng nhiều các công ty công nghệ phát triển các ứng dụng cho vay online ngang hàng (P2P). Tuy nhiên, mô hình P2P chưa được cấp phép và P2P không phải là kênh gửi tiền mà là kênh đầu tư, do vậy mức độ rủi ro cao và lớn nhất là mất tiền.

Làn sóng mô hình P2P

Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2016, với ưu điểm là mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều khách hàng, đặc biệt những người không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng, khách hàng có thể vay nhanh từ vài triệu đến 20 - 30 triệu đồng với thủ tục đơn giản.

Do vậy chỉ chưa đầy 2 năm, đã có khoảng hơn 10 mô hình P2P cung cấp dịch vụ trên thị trường, như huydong.com, Tima, SHA, Lendbiz, Mobivi, vaymuon.com, các website trung gian như Clickvay, ATMonline, Cashwagon, Doctordong hay Monily….

Đặc biệt là từ đầu năm đến nay, P2P phát triển khá mạnh và đang hình thành một “làn sóng” cho vay tiêu dùng mới.

Đại diện một start-up P2P đã hoạt động được hơn một năm nay cho biết, tốc độ phát triển công ty mình luôn đạt 2 con số… tính theo tháng. Công ty đã phải tuyển thêm nhiều nhân viên để hỗ trợ trong tư vấn và quản lý.

“Do mô hình này chưa được cấp phép, vẫn trong giai đoạn thử nghiệm nên chúng tôi chưa đẩy mạnh truyền thông, quảng cáo, nếu không số lượng người sử dụng dịch vụ này còn tăng lên rất nhiều lần. Điều này cũng cho thấy nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ của người dân là rất nhiều”, vị này đánh giá.

Tiềm năng cũng như sức hút của mô hình này còn thể hiện ở việc một số công ty phát triển P2P đã gọi được những khoản vốn lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài để phát triển dịch vụ. Điển hình như sàn kết nối tài chính Tima. Ngay ngày đầu tháng 10 này, Tima công bố khoản đầu tư 3 triệu USD ở vòng đầu tư thứ hai (series B) từ Quỹ đầu tư ngoại Belt Road Capital với định giá gần 500 tỷ đồng.

Số tiền đầu tư này sẽ được dùng cho việc tăng trưởng và mở rộng ở 63 tỉnh thành tại Việt Nam, phát triển nhiều hơn nữa cho các công nghệ và việc tuyển dụng, nhằm thu hút nhiều hơn nữa người cho vay và người đi vay kết nối thông qua ứng dụng của Tima.

Thậm chí ông Trần Thế Vĩnh, Tổng giám đốc Tima cho biết công ty đã nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư từ các quỹ đầu tư tài chính cũng như các công ty quốc tế lớn trong cùng lĩnh vực ở vòng gọi vốn thứ hai. Tima có thể sẽ nhận thêm khoản đầu tư vòng thứ ba ngay sau khoản đầu tư này.

“Chúng tôi đang cân nhắc đề xuất từ một số quỹ đầu tư lớn và chúng tôi cũng luôn cởi mở với các quỹ đầu tư mà có thể mang lại các giá trị gia tăng cho Tima với chiến lược tăng trưởng và mở rộng trong dài hạn”, ông Vĩnh cho biết.

Rủi ro lớn nhất là mất tiền

P2P là mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay vốn. Nền tảng P2P giúp người có nhu cầu mượn tiền từ nhà đầu tư mà không cần qua trung gian. Đây là phương thức hoàn toàn khác biệt với mô hình vay truyền thống, kết nối người vay với người cho vay thông qua nền tảng trực tuyến cùng với hệ thống công nghệ tài chính tiên tiến.

Nhà đầu tư cần nhận thức rõ P2P không phải là kênh gửi tiền mà là kênh đầu tư, nên mức độ rủi ro cao, trong đó rủi ro lớn nhất là mất tiền. 

Chính vì vậy, trong dự thảo xây dựng Đề án kinh tế chia sẻ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất để trình Chính phủ, có đề cập đến mô hình P2P, trong đó cho biết, đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P), do chưa được cấp hoạt động nên các công ty hoạt động dưới dạng công ty tư vấn đầu tư, đây là khoảng trống về xác định loại hình hoạt động và đăng ký kinh doanh đối với mô hình này. 

Đặc biệt, về cơ chế thanh toán, do việc thanh toán sẽ được thông qua người kết nối trung gian và người dung cấp cũng như người sử dụng dịch vụ đều phải trả một khoản phí nhất định đối với người trung gian này. Tuy nhiên, dự thảo cho biết, tại Việt Nam, mô hình P2P chưa được cấp phép, nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư. Nhà đầu tư cần nhận thức rõ P2P không phải là kênh gửi tiền mà là kênh đầu tư, do không phải là kênh gửi tiền nên mức độ rủi ro cao, trong đó rủi ro lớn nhất là mất tiền. 

“Chưa kể bên cạnh những công ty hoạt động theo mô hình P2P còn có những biến tướng, lợi dụng mô hình để hoạt động tín dụng đen (lãi suất có thể lên tới 50-70%/năm hoặc cao hơn), lừa đảo, rửa tiền,…”, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy vậy, mức lãi suất mà dự thảo về Đề án kinh tế chia sẻ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra có thể đã “cũ” so với thực tế hiện tại. Như trong một bài viết trước đó Thế Giới Tiếp Thị online đăng tải, có nhiều P2P đưa ra mức lãi suất khoảng 1-1,2%/ngày, tương đương lên tới 365-438%/năm, tùy hạn mức vay đối với những khoản vay dưới 10 triệu. Khoản vay 10 triệu đồng và thanh toán trong vòng 30 ngày, mức lãi suất được đưa ra là 39%/tháng, tương đương 468%/năm.

Hầu hết mức lãi suất của hình thức vay trực tuyến này đều trên 400-500%/năm. Thậm chí có những nơi khi tính thêm cả phí quản lý khoản vay từ bên cho vay, lãi suất của những khoản vay trực tuyến lên tới 700%/năm.

Trong dự thảo Đề án kinh tế chia sẻ cũng đặt ra vấn đề rủi ro đối với mô hình P2P. Cụ thể, đối với nhà đầu tư, đó là có thể là mất tiền trong trường hợp người đi vay mất khả năng thanh toán hoặc công ty cung cấp sàn giao dịch cho vay ngang hàng gặp rủi ro hoạt động như không xác định được chính xác thông tin khách hàng, mất hoặc không truy cập được thông tin thay đổi của thành viên tham gia sàn giao dịch.

Còn đối với khách hàng không được hưởng đầy đủ các quyền lợi do không thực sự hiểu hết về quyền hạn và nghĩa vụ của bản thân, những thỏa thuận thiếu rõ ràng, thiếu tính ràng buộc giữa ba bên (khách hàng, công ty cung ứng sàn giao dịch và bên thứ ba), chưa có cơ chế giám sát việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay tiền. 

Khách hàng cũng không được hưởng đầy đủ các quyền lợi do người đi vay tiền không thực hiện đúng các thỏa thuận. Đa số các sàn cho vay ngang hàng hiện nay, việc thực hiện các nghĩa vụ đối với người đầu tư thuộc trách nhiệm của người đi vay.

 

TRUNG ĐỨC

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : cho vay, p2p